NGUYỄN Ý ĐỨC

Tìm hiểu Thử Nghiệm Y khoa

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

"Bác sĩ làm gì thì làm, nhưng đừng lấy máu tôi nhé".

Đấy là bác Tham Nguyên mặc cả với thầy thuốc . Chẳng là trời cho cơ thể bác cũng phương phi mát da mát thịt, nên các mạch máu nó ngủ sâu dưới lớp mỡ. Cô y tá phải đánh vật hết từ khuỷu tay tới mu bàn tay mới rút ra được chút máu. Khiến cho bác Tham kêu đau như bọng.

Còn cụ Linh thì "dọa" ông thầy thuốc gia đình: "Này ông mà cứ thọc cái ống vào hậu môn tôi, ngoáy qua ngoáy lại như kỳ trước, là lần sau tôi không đến nữa đấy". Cũng bởi vì cụ đi cầu ra máu, bác sĩ phải nội soi ruột già khiến cụ vừa đau vừa nhột.

Vâng, cứ nói đến rút máu thử nghiệm là nhiều bệnh nhân đã e ngại. Nào là sợ hết máu, sợ đau, sợ tốn tiền. Có người, mũ ni che tai, thà chẳng biết thì thôi, biết lại thêm lo. Nên chẳng bao giờ đi thăm thầy thuốc hoặc thử máu, chụp hình.

Nhưng những thử nghiệm y khoa này rất cần thiết. Chúng là đồng minh đắc lực của các vị "cung cấp dịch vụ y tế" để chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Thiếu chúng, người thầy thuốc như "hiệp sĩ khuyết thị múa kiếm", xung kích tả hữu mà không biết kẻ thù là ai, ở đâu, yếu mạnh ra sao.

Thực vậy, thử nghiệm có nhiều mục đích:

a- Để sàng lọc (sceen) những rủi ro bệnh không ngờ tới trong khi ta vẫn thấy bình thường. Nhờ đó có thể chữa sớm và ngừa được các biến chứng trầm trọng. Chẳng hạn, bệnh cao huyết áp, nếu điều trị sớm thì tránh được tai biến não, cơn suy tim;

b- Để tìm ra lý do, nguyên nhân của những khó chịu trong cơ thể;

c- Để sự định bệnh được chính xác, biết rõ là bệnh gì;

d- Để lựa phương thức trị liệu hữu hiệu nhất cũng như gia giảm liều lượng thuốc;

e- Để theo dõi kết quả trị liệu. Chẳng hạn tiểu đường cần đo đường trong máu để điều chỉnh thuốc; viêm gan để coi hiện trạng gan ra sao;

g- Để tìm ra tác dụng phụ gây ra do trị liệu, dược phẩm: uống thuốc lợi tiểu trong cao huyết áp đưa đến giảm potassium; hoặc để đo mức độ thuốc trong máu.

h- Để phân biệt nhiều dạng bệnh có triệu chứng ít nhiều tương tự. Chẳng hạn đau ngực có thể từ tim, bao tử, bắp thịt, căng thẳng stress. Kết quả Tâm điện đồ bình thường giúp loại bỏ tim là thủ phạm.

i- Để sàng lọc và tìm ra những bất thường có thể gây rủi ro xã hội ( say rượu gây tai nạn, lây lan liệt kháng, viêm siêu gan..)

Ngoài ra, các thử nghiệm đều khách quan sẽ tăng cường, hỗ trợ các dữ kiện chủ quan do người bệnh kể và do bác sỹ tìm ra trong khi khám xét cơ thể.

Kết quả thử nghiệm được diễn tả theo "mức độ" hoặc "âm /dương tính".

Mức độ glucose trong máu được coi như trung bình là 110 mg/ 10 dl. Số hồng cầu bình thường là5.4 triệu/ micro lít ở đàn ông, 4.8 triệu cho phụ nữ. Trên hoặc dưới mức này là bất bình thường, có thể là bị bệnh.

Người có triệu chứng bệnh lao phổi, thử đàm dương tính với vi trùng lao sẽ xác định bệnh trạng; người bị nhiễm lao thử chích lao tố dưới da cho kết quả dương tính. Aâm hoặc dương tính là bệnh đó có hay không có.

Nhân vô thập toàn thì thử nghiệm cũng không 100% chính xác. Kết quả có thể "thực" hoặc "giả" dù đã được thực hiện đúng đắn. Chẳng hạn:

Không có bệnh phong tình mà thử nghiệm lại "dương tính giả" false positive thì chỉ có mà chết với người bạn đường; không bị ung thư tử cung mà sinh thiết nói dương tính thì có khi được giải phẫu oan. Khi ung thư đang tiến triển mà thử nghiệm " âm tính" negative thì hậu quả cũng tai hại chẳng kém.

Sai lầm có thể do chất thử không được lấy và cất giữ cẩn thận; viết nhầm tên bệnh nhân; vì lý do kỹ thuật máy móc hoặc lẫm lẫn từ nhân viên.

Cũng nên nhớ rằng kết quả thay đổi tùy theo thời gian lấy chất liệu phân tích và nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn như sau bữa ăn, đường trong máu cao hơn; huyết áp buổi sáng thấp hơn buổi chiều.

Lựa một thử nghiệm là công việc rất quan trọng.

Thầy thuốc phải có khái niệm về bệnh, về ngươi bệnh, coi xem cần thử nghiệm nào, thử nghiệm để làm gì, có cần thiết không; thử nghiệm liệu có thực hiện được không, bệnh nhân có khả năng tài chánh không.

Rồi còn rủi ro của thử nghiệm, vì cũng như dược phẩm, thử nghiệm cũng có rủi ro. Chẳng hạn như phải chích chất mầu vào mạch máu trước khi chụp X quang hoặc rủi ro của X quang với tế bào, của nội soi ruột, cuống phổi..

Thực là phúc đấy, mà họa cũng đấy. Cổ nhân nói chẳng sai tý nào.

Những thử nghiệm định bệnh thông thường.

Các thử nghiệm này gồm sáu nhóm chính:

1-Phân tích sinh hóa các dung dịch chất lỏng trong cơ thể.

Ngoài máu ra, các dung dịch khác của cơ thể là nước tiểu, mồ hôi, nước tủy sống, nước miếng, đàm, dịch vị bao tử. Thành phần cấu tạo các chất lỏng này cũng như các hóa chất, chất dinh dưỡng hiện diện hoặc các tác nhân gây bệnh cũng nói lên tình trạng bình thường hoặc bệnh hoạn của cơ thể. Kết quả các thử nghiệm này giúp ta có ý niệm về bệnh và giúp xác định bệnh.

a-Thử Máu.

Thử máu cho biết nhiều dữ kiện quan trọng về sức khỏe của cơ thể.

-Trước hết là về hiện trạng các tế bào trong máu như hồng huyết cầu, bạch huyết cầu, tiểu cầu. Các tế bào này có thể thiếu ( Thiếu hồng cầu), hoặc quá nhiều ( ung thư bạch cầu).

-Loại máu với bốn nhóm A, B, AB và O. Nhóm A hào phóng cho tất cả mọi người; anh chị O nghèo khó nên sẵn sàng nhận máu từ mọi người.

-Thành phần hóa chất của máu như Potassium, calcium, sodium, đường glucose, cholesterol, LDL, HDL, chất phế thải BUN, creatinine.

-Các kích thích tố của tuyến giáp, noãn sào, nang thượng thận, tụy tạng, noãn sào, ngọc hành.

-Nhiễm trùng với vi khuẩn hoặc số lượng chất kháng thể (anti body). Thí dụ khi ta bị viêm gan A hoặc B thì kháng thể với sinh vật này xuất hiện trong máu và có thể tồn tại suốt đời.

-Khi bị tổn thương, một số mô bào tiết ra vài diêu tố (enzymes), có thể đo được trong máu. Chẳng hạn khi bị ung thư nhiếp tuyến thì tuyến này tiết ra diêu tố PAS, nhờ đó ta xác định được ung thư của cơ quan này.

-Khi dùng dược phẩm trị bệnh, có thể đo mức độ thuốc trong máu, để dùng thuốc cho chính xác, đúng nhu cầu. Nhất là với các thuốc chữa bệnh tim, thần kinh hoặc bệnh tâm thần.

Máu thường được lấy ở huyết quản nơi khuỷu tay hoặc đầu ngón tay và không gây ra rủi ro gì quan trọng. Chỉ khi kim chọc hơi đau và một chút vết bầm trên da.

b-Nước tiểu.

Nước tiểu là dung dịch được thử nghiệm nhiều nhất, hầu như trong bất cứ lần khám bệnh nào.

Có nhiều cách để lấy mẫu nước tiểu: lấy tự nhiên; sau khi sát trùng cơ quan sinh dục; bằng thông ống vào bọng đái.

Phân tích nước tiều để tìm bệnh nhiễm trùng, để coi có đường hay không hoặc để ước lượng chức năng của thận. Bình thường thì không có glucose trong nước tiểu và chỉ có khi bị bệnh tiểu đường. Khi nước tiểu có máu thì có thể nhiễm trùng hoặc có sạn bộ phận tiết niệu.

c- Các dung dịch khác:

Đàm từ cuống phổi để kiếm vi khuẩn; nước tủy sống để coi có viêm nhiễm não, màng bọc não, bệnh đa xơ cứng ( Multiple Sclerosis); chất lỏng từ khớp xương khi bị viêm hoặc bệnh thống phong (gout); tinh dịch để đếm số lượng tinh trùng; mồ hôi với các khoáng chất ; nồng độ acid trong dịch bao tử lên cao khi bị loét dạ dầy, tá tràng.

d- Phẩn.

Phẩn là chất bã của sự tiêu hóa thực phẩm.

Phẩn có thể mang các ký sinh trùng, chất béo hoặc máu. Ký sinh trùng lẫn trong thức ăn và gây bệnh. Máu bầm hoặc máu tươi trong phẩn đều là dấu hiệu bệnh của đường tiêu hóa như ung thư ruột già, loét bao tử, tá tràng, trĩ và tất cả đều cần được xét nghiệm thêm với các thử nghiệm khác như nội soi, sinh thiết.

2-Quang ảnh (Imaging).

Phát minh ra Quang Tuyến X vào đầu thế kỷ trước đã mở đường cho sự nhìn được một vài bộ phận con người, từ cứng đặc như Xương, được thấy rõ nhất, tới tế bào mềm của bắp thịt, tim, gan, bao tử . Ngoài ích lợi chẩn đoán, chụp X quang còn giúp theo dõi tiến triển việc trị liệu.

a-Chụp quang tuyến bình thường, đen trắng giúp thấy gẫy xương, vết nám trong bệnh sưng phổi, lao phổi; hình dáng lớn nhỏ của tim, gan; nghẹt ruột, sạn thận, loét bao tử.

b-Vơí một hóa chất mầu, chích vào mạch máu, X quang có thể cho thấy mạch máu có tắc nghẽn hoặc chi tiết cấu thành trái thận. Ung thư nhũ hoa nhiều khi rất nhỏ, khám không thấy được, mammography vú thấy rõ các kết tụ calciun trong cục ung thư.

c-CAT Scan là phương pháp chụp hình cắt lớp trục thông qua máy tính. Đây là phương pháp khá tân tiến, khá tốn kém nhưng rất hữu hiệu để khảo sát các mô mềm trong cơ thể. Chẳng hạn phương pháp giúp ta phân biệt các cấu trúc bình thường của não với các bất thường như ung thư, bướu máu, bướu nhiễm độc não cũng như vị trí kích thước của u bướu. Phương pháp này rất an toàn.

d-MRI lại tiến bộ hơn. Nó nhận rõ các khác nhau của bộ phận cơ thể qua thành phần hóa chất của cơ quan đó. Chẵng hạn, với MRI, chuyên gia quang tuyến có thể thấy rõ cấu trúc căn bản của não bộ, những gì nằm trong nhãn cầu, đường đi của giây thần kinh tủy sống.

e-Các bà mẹ mang bầu thường được làm siêu âm (Ultrasound) để xác định sanh đôi hoặc để biết trai hay gái. Muốn coi có sạn túi mật thì siêu âm là số một. Lại còn khám phá ra u bướu noãn sào, hở van tim, coi nhiếp tuyến to nhỏ thì siêu âm đều hữu hiệu.

Phương pháp này ít tốn tiền, không rủi ro; máy móc dễ mang đi nơi này nơi khác mà nguyên tắc cũng giản dị: Những âm thanh cao tần số được hướng tới phần cần nghiên cứu của cơ thể. Aâm thanh vọng lại được ghi nhận vào máy để tạo ra hình ảnh rồi giải thích.

g-Nguyên tố phóng xạ (radioactive elements) cũng được dùng để ước lượng chức năng của vài bộ phận như tuyến giáp, tim, phổi, xương. Khi được chích vào cơ thể, các bộ phận sẽ thu nhập chúng tùy theo sự họat động mạnh hay yếu của cơ quan. Một thí dụ: người bị cường tuyến giáp sẽ thu nhận nhiều iode phóng xạ hơn là người bình thường hoặc suy yếu tuyến này. Thử nghiệm này thường làm bệnh nhân hơi mệt.

3- Ghi nhận điện năng.

Nhiều bộ phận cơ thể phát ra điện năng khi chúng hoạt động. Ghi lạị và phân tích sinh hoạt điện năng có thể cho một số dữ kiện về tình trạng bệnh hoặc sự bất bình thường của bộ phận đó. Chẳng hạn về sự hoạt động của tim của não bộ, của bắp thịt.

Điện Tâm Đồ (Electro Cardiogram) cho biết nhịp đập của tim, chẩn đoán cơn suy tim; Điện não đồ (Electro Encephalograms) cho biết ta thức hay ngủ, giúp xác định bệnh kinh phong; Cơ điện đồ ( Electro Myograms) ghi các sinh hoạt của bắp thịt, giây thần kinh.

4- Các phương pháp Nội soi (Endoscopy) dùng ống đề quan sát trực tiếp phía trong của các cơ quan rỗng như bao tử, ruột, dạ con, bọng đái, khớp xương, xoang mặt, lỗ mũi và cuống họng, cuống phổi. Nội soi dùng để tìm bệnh cũng như lấy tế bào nghiên cứu hoặc cắt u bướu nhỏ.

Ngày nay người ta dùng các ống nhựa mềm uốn cong được nên không gây khó chịu như trước đây với ống cứng. Các phương pháp này cần được thực hiện bởi các chuyên viên có huấn luyện cặn kẽ.

5-Sinh thiết tế bào (Biopsy).

Phương pháp lấy ra một miếng nhỏ mô sống từ một phần nào của cơ thể để nghiên cứu qua kính hiển vi. Đây là phương tiện rất quan trọng để chẩn đoán bệnh ung thư.

Thí dụ muốn xác định một vết bất thường trên da coi có là ung thư không, thì phải cắt một chút da, nhuộm mầu rồi phân biệt xem là tế bào bình thường hoặc tế bào nổi loạn, ung thư.

Để lấy tế bào nội tạng, một cái kim rỗng được đưa vào thận, gan, hoặc một cơ quan nào khác và cũng gây một chút khó chịu cho người bệnh.

6- Nuôi cấy.

Nuôi cấy trong chất dinh dưỡng là để nhận diện tác nhân gây bệnh là vi khuẩn hoặc siêu vi và giúp ích rất nhiều trong việc chẩn đoán bệnh một cách chính xác cũng như coi xem kháng sinh nào tiêu diệt vi khuẩn đó hữu hiệu hơn. Chất được nuôi cấycó thể là máu, nước tiểu, đàm, mủ, các dung dịch khác hoặc các tế bào do sinh thiết.

Kết luận

Có người đã ví thử nghiệm y khoa như cái la bàn hướng dẫn người thầy thuốc trong việc chăm sóc sức khỏe con bệnh.Thiếu chúng thì lương y như người hải hành, bập bềnh giữa biển khơi, không điện thoại di dộng, không bản đồ với con thuyền mỏng manh. Đôi khi cũng tới đích nhưng khó khăn cũng nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

Texas 25-6-2004


Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Câu chuyện Thấy lang
Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Sức khỏe nghề nghiệp
TỰA - An hưởng tuổi vàng - BS Nguyễn Ý Đức


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn