NGUYỄN Ý ĐỨC

Cắt bao quy đầu

BS Nguyễn Ý Đức (Texas – Hoa Kỳ)

Bao da quy đầu là một cấu trúc bọc bên ngoài của cơ quan sinh dục nam và nữ. Đây là nếp gấp da trên phần cuối dương vật và bao quanh âm vật. Mặt trong lớp da này có những tuyến tiết ra dung dịch chất nhờn mà khi tích tụ tạo ra một lớp bựa.

Thủ thuật circumcision là để cắt bỏ lớp da này đi khiến cho đầu dương vật hoặc âm vật lộ ra. Đây là giải phẫu duy nhất được nhắc đến trong Thánh Kinh.

Tại một số quốc gia, có phong tục cắt da quy đầu trẻ em để thích hợp với vài tiêu chuẩn trong xã hội. Thay vì coi da quy đầu như một cấu trúc bình thường thì các phong tục này lại coi da đó như một cái gì nguy hiểm, không tốt, cần cắt bỏ.

Với một vài tôn giáo (như Do Thái giáo), việc giải phẫu cắt bao quy đầu là một nghi thức bắt buộc sau khi bé trai sinh ra.

Người theo đạo Hindus không cắt mà một số theo đạo Muslim lại cắt. Người Ai Cập khi xưa cũng thường áp dụng phong tục này.

1. Những lý do để cắt bao quy đầu:

- Lý do tôn giáo: Trẻ sơ sinh theo Do Thái giáo sẽ được giải phẫu để cắt da quy đầu trong một lễ nghi có cầu nguyện rất trang trọng. Đây là một hành động  được coi là có tính cách thỏa hiệp giữa người nam với Thượng Đế.

- Lý do vệ sinh: Cắt da để đầu cơ quan sinh dục được sạch sẽ cũng như tránh lâu lâu bị  Hẹp Bao Quy đầu (Phimosis), da sưng không lộn ngược lên được. Có người tin là cắt da quy đầu có thể ngừa nhiễm trùng đường tiểu tiện, làm giảm nguy cơ ung thư dương vật và ung thư tử cung gây ra do chất cặn trắng đóng dưới da quy đầu.

- Cha mẹ thường có thói quen yêu cầu bác sĩ cắt da quy đầu cho con vì mọi người nam trong gia đình đều làm như vậy và vì muốn cho đứa bé không cảm thấy khác người nếu không giải phẫu.

2. Các quan điểm về cắt bao quy đầu

Giải phẫu này được thực hiện thường lệ ở Hoa Kỳ từ năm 1940, nhưng ngày nay giải phẫu giảm đi vì quan niệm của y giới không thuận lợi đối với kết quả của giải phẫu. Hơn nữa, giải phẫu nhiều khi gây đau đớn cho em bé, lại còn làm chẩy máu, sưng nơi vết mổ cả mấy ngày.

Có người lại muốn giữ da để che chở cho đầu dương vật khỏi bị cọ xát, và như vậy sẽ nhậy cảm hơn với kích thích.

Năm 1991, Hiệp Hội Các Bác Sĩ Tiểu Nhi Hoa Kỳ đã đồng ý việc tự động thường lệ cắt bao quy đầu ở trẻ sơ sinh là không cần thiết và không có lợi ích y khoa quan trọng nào. Họ để các bậc cha mẹ tùy ý quyết định cắt hay không cắt.

Quan điểm của y giới muốn giữ da quy đầu giải thích rằng việc cắt bỏ da đưa đến một số vấn đề như đầu dương vật và âm thần mất sự bao che của một lớp tế bào nên dễ nhiễm trùng, miệng ống đái dễ bị chít hẹp.

Khi cắt da quy đầu là đã cắt bỏ một số cơ thịt và dây thần kinh nên dương vật thường ở vị thế nằm rủ khi không cương đồng thời cảm giác bị mất nên khi giao hoan bớt cảm khoái. Theo họ, chỉ cắt da quy đầu khi có vấn đề sức khỏe do da quy dầu gây ra và chỉ nên cắt khi người nam trưởng thành, tự quyết định.

Nhiều người còn cho là cắt bỏ da quy đầu đã đưa tới sự thủ dâm, sự giao hoan hậu môn nhiều hơn. Về phương diện thỏa mãn sinh lý, theo British Journal of Urology số tháng 1, 1999, phụ nữ thích giao hợp với người nam còn nguyên vẹn hơn là cắt. Lý do nêu ra là da quy đầu cho họ nhiều khoái lạc, người nam chậm xuất tinh, động tác làm tình của người nam nhẹ nhàng, bớt cọ sát, và người nữ do đó tiết nhiều âm dịch hơn.

Benjamen Spock, người luôn luôn chủ trương cắt da quy đầu, cũng đổi ý. Trong một phỏng vấn vào năm 1989, ông ta nói cắt da quy đầu vì lý do vệ sinh cơ quan sinh dục thì có khác gì cắt mí mắt với hy vọng mắt sạch hơn.

Hiện nay hầu như chỉ có Hoa Kỳ là quốc gia kỹ nghệ còn áp dụng việc cắt da quy đầu và thường được thực hiện ở thôn quê nhiều hơn là ở thành thị.

3. Quyết định cắt bao quy đầu.

Nếu các bậc cha mẹ vẫn muốn con mình có giải phẫu này thì xin lưu ý mấy đều sau:

- Yêu cầu em bé được cho thuốc giảm đau trước khi giải phẫu;

- Thay băng nhiều lần trong ngày để tránh nhiễm trùng;

- Vết mổ có thể rỉ máu vài ngày;

- Sau giải phẫu, em bé có thể không tiểu tiện trong vòng từ 6-8 giờ.

- Cắt da quy đầu là một giải phẫu giản dị có thể thực hiện ngay tại phòng mạch bác sĩ và vết thương lành sau dăm tuần lễ.

Khi không giải phẫu thì ta nên hỏi bác sĩ cách thức giữ cơ quan sinh dục em bé cho sạch; không nên cố tình kéo để lộn ngược da này. Khi con lớn, nó sẽ học hỏi để tự giữ da sạch sẽ, vệ sinh.

4. Cắt bao quy đầu ở người lớn tuổi.

Người lớn đôi khi cũng cần giải phẫu cắt đa quy đầu trong các trường hợp sau:

- Nếu thường xuyên bị nhiễm trùng cơ quan tiểu tiện, nhất là người mắc bệnh tiểu đường, đường trong nước tiểu dính dưới da quy đầu là môi trường thuận lợi cho vi trùng sinh sản.

- Khi da quy đầu quá co chặt  gây khó khăn trong việc sinh lý.

- Ngại bị ung thư cơ quan sinh dục.

- Hoặc muốn giải phẫu vì lý do thẩm mỹ, gợi tình.

5. Cắt bao quy đầu nữ giới

Về phía nữ giới, dân chúng một vài quốc gia ở Phi Châu, nhất là nước Somalia và một vài bộ lạc ở Á châu, còn giữ phong tục cắt da quy đầu âm vật, tiểu âm thần, thu hẹp cửa mình ở người nữ (female circumcision), ngay cả khi họ định cư trên nước Mỹ.

Họ tin là thủ tục này gìn giữ con người tinh khiết, trong sạch và là một cái đai bảo vệ sự trinh tiết trước khi lập gia đình. Ở Somalia, 95% người nữ đều qua thủ tục này trước khi lên năm tuổi.

Sự cắt bỏ gây đau đớn, băng huyết, nhiễm độc đôi khi chết người, vì được thực hiện bởi người không chuyên môn, không có dụng cụ giải phẫu.

Cơ quan Y Tế Thế Giới đã can thiệp và khuyến cáo chấm dứt sự hành xác người nữ như vậy. Tại nhiều quốc gia Tây phương, nghi thức này bị nghiêm cấm.


Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Câu chuyện Thấy lang
Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Sức khỏe nghề nghiệp
TỰA - An hưởng tuổi vàng - BS Nguyễn Ý Đức


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn