BẠO HÀNH GIA ĐÌNH
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Ở một số quốc gia, vào thời kỳ mà quan niệm “tứ đức tam tòng” được ăn sâu vào tâm thức, khi mà triết lý Khổng Mạnh được tuân theo triệt để, thì người vợ thường được coi như là sở hữu của người chồng. Người chồng có bổn phận hoặc có quyền “dậy vợ từ thuở bơ vơ mới về” thì việc bạo hành trong hôn nhân được coi như là chuyện thế gian sự thường.
Cùng ý nghĩ đó, người Hy Lạp xa xưa thường dạy vợ bằng chân tay rồi cười, giải thích: “Đàn ông ở đây chúng tôi đều hành động như vậy vì đó là làm điều tốt để giúp vợ tu thân”!
Dân Nga có câu châm ngôn: “Người vợ có thể yêu người chồng không bao giờ đánh đập, nhưng bà ta không bao giờ kính trọng ông ta”. Luật tập tục ở Anh cho phép người chồng trừng phạt vợ bằng khí giới không lớn quá ngón tay cái.
Bên Hoa Kỳ, chịu ảnh hưởng luật trên, cũng có điều lệ tương tự và đến thập niên 1960, các quan tòa ở đây vẫn còn không chịu xét xử các trường hợp bạo hành gia đình, cho đó là chuyện trong nhà, cần đóng cửa bảo nhau.
Với thời gian, vấn đề bạo hành gia đình đã được công luận xét lại và các nhà nhân quyền đã kết án, nhất là từ năm 1970. Tuy vậy, vấn đề bạo hành hiện nay vẫn còn ít nhiều xảy ra mặc dù luật pháp đã có những điều luật trừng phạt người phối ngẫu vũ phu bạo hành. Riêng tại Hoa Kỳ, Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ ước lượng hàng năm có tới 4 triệu người vợ bị hành hạ và cứ 1 trong 4 bà vợ bị hành hung ít nhất một lần trong cuộc đời. Sự bạo hành này còn đưa đến ảnh hưởng xấu về cả thể chất lẫn tâm thần cho con cái, đôi khi chính bản thân chúng cũng bị lạm dụng.
Có người cho rằng bạo hành gia đình là một bản năng tự nhiên trong mọi xã hội cho nên không thể ngăn ngừa và sửa chữa được. Lập luận này không đứng vững vì đã có nhiều xã hội tồn tại trong đó bạo hành ít khi xẩy ra.
Trái với tin tưởng thông thường, bạo hành hôn nhân không phải chỉ xảy ra ở giới hạ lưu kém lợi tức mà là vấn đề của mọi tuổi, mọi giai tầng xã hội, của những cặp hôn nhân đồng cũng như dị tính. Từ thuở khai thiên, đa số người bị hành hung, lạm dụng là người thường được coi là yếu đuối, phụ thuộc, người vợ, nhưng người nam đôi khi cũng là nạn nhân của bạo hành. Đây là một loạt những hành động có tính cách hành hung, khống chế mà người này áp đặt trên người kia. Nó là phần bất hạnh trong quan hệ tình cảm của con người.
Những hình thức bạo hành
Bạo hành không chỉ là hành động bạo lực thể chất mà còn diễn ra dưới nhiều hình thức:
1- Bạo lực. Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Không vừa ý, cứ nện cho một trận là cạch đến già. Hành động có mục đích gây thương tích cho nạn nhân như đấm, đạp, xô đẩy, tát, nắm tóc kéo lê, vặn cổ tay, đâm bằng dao. Giới hạn sử dụng phương tiện duy trì sức khỏe, như giấu dược phẩm, thực phẩm, nước uống; phá rối không cho ngủ hoặc ép dùng rượu, cần sa ma túy; bỏ rơi nơi đường vắng vẻ nguy hiểm.
2- Lạm dụng tinh thần. Nạn nhân bị nghe những lời khủng bố đến nỗi bị hoảng loạn tâm thần như là dọa cắt nguồn tài trợ tài chánh; không cho thăm nom hoặc kiếm cách đòi lại con; nhục mạ trước công chúng, dùng lời lẽ chỉ trích quá đáng; dùng lời đường mật hứa hẹn cho có hy vọng rồi nuốt lời; liên tục truy hỏi, nói nặng lời để hạ nhân phẩm, làm mất niềm tự trọng, kể lại một cách diễu cợt những vụ tình ái riêng tư.
3- Bao vây kinh tế. Tạo ra hoàn cảnh mà người phối ngẫu phải lệ thuộc về tiền nong, không cho giữ tiền, bắt phải hỏi xin và chứng minh mọi mua sắm chi tiêu lớn nhỏ, tìm cách không cho vợ có việc làm để phải lệ thuộc vào mình.
4- Lạm dụng tình dục. Cưỡng bách làm tình, dầy vò bộ phận sinh dục, không cho dùng thuốc ngừa thai, làm tình hậu môn. Cưỡng hiếp khi nạn nhân ngủ, đau ốm; coi vợ như một thứ đồ chơi, chê bai cách làm tình của vợ; đi với vợ mà để ý hay nói tới đàn bà khác; không quan tâm tới nhu cầu sinh lý của vợ.
5- Cô lập. Kiểm soát từ việc làm tới giao du, di chuyển, không cho thăm viếng họ hàng bạn bè.
6- Hăm dọa cho sợ hãi bằng lời nói, cử chỉ cũng như khóe mắt; đập phá đồ đạc để thị uy, đánh chó chửi mèo.
7- Hành động quyền uy, độc tài. Chồng chúa vợ tôi, coi người phối ngẫu như tôi tớ, mình như chủ nhân ông của lâu đài, độc đoán mọi việc lớn nhỏ.
8- Hành hạ pháp lý. Gây khó dễ bằng cách bắt người phối ngẫu phải liên tục ra tòa vì những lý do không đâu như trễ nãi trả tiền trợ cấp, không cho thăm con vì bị gán cho là người mẹ bất xứng.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ bạo hành
Người lạm dụng với phụ nữ có thể là người chồng, người tình, người chồng cũ. Trong thâm tâm họ, nhiều lý do hoặc chính đáng hoặc ngụy tạo được nêu ra để bào chữa cho hành động của mình. Đồng thời cũng có những hoàn cảnh, những xáo trộn trong đời sống đưa đẩy khiến họ bạo hành.
1- Sự nghiện ngập. Kết quả nhiều nghiên cứu cho hay, có đến một nửa trường hợp bạo hành là do người nghiện rượu gây ra. Khi say, lý trí bị tê liệt, họ có những hành động không hợp lý. Nhưng đôi khi họ cũng giả say hành hạ vợ để tránh lưới pháp luật.
2- Ghen tuông. Người chồng thường buộc tội vợ dan díu lăng nhăng với người khác, đôi khi vợ có bầu với mình nhưng cứ ngược ngạo nói là con người nào đó rồi hành hung vợ.
3- Gia đình có khó khăn tài chánh, công việc của người chồng có nhiều trở ngại, căng thẳng, nội tình xáo trộn vì bệnh tật, vì mâu thuẫn giữa bố mẹ, con cái.
4- Một số người còn ôm lấy cái quan niệm cũ xưa cho rằng vợ con là sở hữu của họ, muốn chứng tỏ họ là chúa, nên khi chỉ một bực mình nhỏ nhặt là họ mang vợ ra hành hạ. Nhiều người không cần nại lý do, muốn hành hung lúc nào là làm.
5- Có người khi còn bé chứng kiến bạo lực xảy ra giữa bố mẹ rồi cho sự hành hung vợ là chuyện bình thường trong mọi hôn nhân.
Hậu quả sự bạo hành
Nạn nhân của bạo hành sẽ mang những thương tích về thể chất cũng như giao động về tinh thần.
Trên người có nhiều vết bầm, vết sẹo trên da, những gẫy xương, thương tích trong miệng, dưới cơ quan sinh dục. Có nạn nhân bị hư thai, sanh non hoặc mang thai ngoài ý muốn sau khi bị hành hiếp hay đau yếu lặt vặt như nhức đầu, đau mình, rối loạn tiêu hóa.
Về tinh thần, họ trở nên hoảng sợ, thiếu tự tin, thụ động, buồn rầu, lo nghĩ. Nhiều khi họ tự trách mình đã gây ra những lỗi lầm với chồng cho nên mới có chuyện. Nhiều người nói là cái đau về thể xác thì có thể chịu đựng được nhưng cái đau tinh thần thì quá mãnh liệt, họ không kham nổi nên đôi khi đưa đến tìm quên trong rượu chè, hút xách. Họ thường là thân chủ trung thành của phòng cấp cứu hay bác sĩ gia đình.
Luật pháp với sự bạo hành
Đa số các trường hợp bạo hành đều không được đưa ra ánh sáng vì người hành hung đương nhiên phủ nhận mà nạn nhân lại giấu diếm. Họ sợ sẽ bị chồng hành hạ trả thù nặng hơn nên cắn răng chịu đựng, nghĩ rằng xấu chàng hổ ta. Họ cũng không muốn ai biết chuyện chẳng lành vì nếu hôn nhân chẳng may tan vỡ thì miệng người đàm tiếu, quy trách nhiệm cho mình. Cho nên rất khó khăn khi nói chuyện với nạn nhân để hiểu rõ sự tình hầu giúp đỡ.
Có một số câu hỏi được dùng để tìm hiểu nội vụ như là hỏi dò nạn nhân xem có trở ngại gì trong tình nghĩa vợ chồng; có bao giờ cảm thấy bất an ở nhà; thấy họ luôn luôn hốt hoảng sợ hãi thì hỏi coi ông chồng có bao giờ dùng vũ lực; ông chồng có cấm chỉ bà đi ra ngoài mua bán, thăm bạn bè; có bao giờ bà bị chồng ép buộc làm tình; thái độ của ông chồng khi say rượu; chồng có đập phá đồ đạc trong nhà. Những câu nói như: “Bà đâu có tội tình gì mà phải chịu đựng sự hành hạ như vậy”, đôi khi làm nạn nhân tin tưởng hơn để dốc bầu tâm sự.
Tại hầu hết các quốc gia, bạo hành gia đình đều bị pháp luật có biện pháp trừng trị. Bên Mỹ, khi người bạo hành mới chỉ là thường trú nhân thì có thể bị trục xuất về nguyên quán nếu tòa kết tội bạo hành hay vi phạm lệnh cấm tới gần.
Nếu cảm thấy thân thể bị đe dọa, nạn nhân có thể kêu cảnh sát để được che chở. Khi bạo hành liên tục xảy ra, nạn nhân có thể xin tòa án ban hành lệnh tạm thời cấm chỉ hung nhân tới gần. Để có giấy này, nạn nhân phải trình diện trước vị quan tòa, trình bày những chứng tích bị bao hành như báo cáo của cảnh sát, giấy chứng thương của bác sĩ. Một vài tiểu bang ở Mỹ, khi các bác sĩ nghi ngờ có bạo hành đều phải thông báo cho cảnh sát, nhất là khi nạn nhân ở trong tình trạng nguy hiểm và không có nơi nương tựa.
Hầu hết mỗi thành phố đều có nhà tạm trú ngắn hạn cho nạn nhân trong khi chờ giải quyết khó khăn, có đường dây điện thoại nóng-khẩn cấp để hướng dẫn, hỗ trợ.
Lý do không ra đi
Một câu hỏi thường được nêu ra là tại sao nạn nhân không chịu dứt khoát xa lánh người đã hành hạ mình. Nhiều lý lẽ được nêu ra:
- Chia tay là một việc cần sửa soạn chứ không phải đùng đùng xách gói ra đi.
- Vẫn còn thương yêu.
- Phụ thuộc tài chánh; không chịu trả tiền trợ cấp.
- Muốn con cái có cột trụ là người cha.
- Sợ chồng đe dọa lấy mất con, đe dọa tính mệnh mình hay thân nhân, phá hủy đồ đạc, tài sản.
- Tự trách mình đã làm chồng phật ý vì vụng về, thiếu duyên dáng.
- Tôn giáo, gia đình không cho phép dứt bỏ.
Nhiều anh chồng vũ phu cũng lắm đòn phép, tỏ vẻ hối hận ăn năn, thề thốt sẽ không bao giờ đụng tới chân lông của vợ. Vợ nhẹ dạ, cả tin, cho chồng cơ hội để thay đổi để rồi ngựa quen đường cũ, đâu vẫn hoàn đó.
Cuối cùng thì đa số cũng vẫn phải ra đi vì sự an toàn của mình nhưng sau những sửa soạn, quyết tâm, với nhiều nghị lực bản thân và hỗ trợ từ bên ngoài. Họ phải tập trung vào việc làm sao để nếp sống riêng rẽ được ổn định: sẵn sàng về sức khỏe thể xác, tinh thần, an toàn tài chánh, bảo hiểm sức khỏe, có nơi ăn ở, trường học cho con cái.
Bạo hành nữ trên nam
Thế còn bạo hành mà quý bà vợ áp đặt trên ông xã thì sao?
Mới nghe thì tưởng như truyện Phong Thần nhưng các chuyên gia về vấn đề gia đình đều xác nhận là bạo hành gia đình diễn ra hai chiều. Đã có nhiều trường hợp người đàn ông bị vợ ức hiếp, đôi khi đánh đập khá tàn nhẫn. Người đàn bà thường không dùng khí giới mà xé quần áo, đập phá đồ quý riêng của chồng, tiêu hủy hình ảnh kỷ niệm, la hét xỉ vả hoặc hành hạ tâm thần một cách đớn đau như cảnh Thúc Sinh chứng kiến Kiều bị Hoạn Thư hành hạ. Họ sẽ dùng sức mạnh khi có cơ hội như trường hợp một phụ nữ cách đây mấy năm cắt đứt của quý của đức lang quân.
Những trường hợp bạo hành ngược này ít được công luận biết vì người đàn ông không dám nói ra sợ bị nhạo báng, xấu hổ mà cũng vì ít người tin là có thật. Thân nam nhi mà bị vợ hành thì đâu dám đi khoe hoặc trình cớ cò bót. Và bạo hành tiếp tục xảy ra với đàn ông là nạn nhân và đàn bà chủ động.
Một chuyên gia về vấn đề khó khăn trong gia đình, bà Patricia Pearson, tác giả cuốn sách “When she was bad: Violent women and the Myth of Innocence”, cho hay là đàn bà cũng có thể trở nên vũ phu bạo lực chứ không phải chỉ riêng đàn ông, và vấn đề bạo hành ngược này sẽ được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn trong tương lai gần đây.
Mong vậy thay!
BS. Nguyễn Ý-ĐỨC