Cắt bao quy đầu, nên hay không nên?
Trong đạo Do Thái, các bé trai sơ sinh được cắt da quy đầu trong một lễ nghi cầu nguyện rất trang trọng. Hành động này được xem là sự thỏa hiệp giữa người nam đó với Thượng đế. Tuy nhiên, các bác sĩ lại cho rằng việc cắt bao quy đầu là không cần thiết đối với đa số bé trai.
Bao da quy đầu là một cấu trúc bọc bên ngoài cơ quan sinh dục nam. Đây là nếp gấp da trên phần cuối dương vật. Mặt trong lớp da này có những tuyến tiết ra chất nhờn mà khi tích tụ sẽ tạo ra một lớp bựa.
Một số nơi có phong tục circumcision (cắt bỏ lớp da quy đầu khiến cho đầu dương vật lộ ra) vì lý do tôn giáo hoặc vệ sinh (để cơ quan sinh dục được sạch sẽ, tránh bị hẹp bao quy đầu). Phẫu thuật này được thực hiện thường quy ở Mỹ từ năm 1940, nhưng ngày nay đã giảm đi vì quan niệm mới cho là không cần thiết. Hơn nữa, việc phẫu thuật nhiều khi gây đau đớn cho em bé, làm chảy máu, sưng nơi vết mổ cả mấy ngày. Nhiều người muốn giữ lại da quy đầu để đầu dương vật khỏi bị cọ xát, giữ độ nhạy cảm của nó.
Năm 1991, Hiệp hội các bác sĩ nhi Mỹ đã đồng ý rằng thường quy cắt bao quy đầu ở trẻ sơ sinh là không cần thiết vì không đem lại lợi ích y khoa quan trọng nào. Họ để các bậc cha mẹ tùy ý quyết định cắt hay không cắt cho con.
Những bác sĩ theo quan điểm giữ da quy đầu giải thích rằng, việc cắt bỏ sẽ dẫn đến một số vấn đề như đầu dương vật và âm thần mất sự che chở nên dễ nhiễm trùng, miệng ống tiểu dễ bị chít hẹp. Cắt da quy đầu cũng có nghĩa là cắt bỏ một số cơ thịt và dây thần kinh; vì vậy, dương vật thường ở vị thế nằm rũ khi không cương. Khoái cảm trong quan hệ tình dục cũng giảm bớt. Theo họ, chỉ nên cắt da quy đầu khi có vấn đề sức khỏe do nó gây ra, và khi người cắt tự nguyện.
Về phương diện thỏa mãn sinh lý, theo tạp chí British Journal of Urology số tháng 1/1999, phụ nữ thích giao hợp với nam giới còn nguyên bao quy đầu hơn là đã cắt. Lý do nêu ra là da quy đầu đem lại cho họ nhiều khoái cảm hơn, nam giới chậm xuất tinh, động tác của người nam nhẹ nhàng, bớt cọ sát và do đó nữ giới tiết nhiều âm dịch hơn.
Benjamen Spock, một người luôn chủ trương cắt da quy đầu cũng đã thay đổi ý kiến. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1989, ông cho biết mục đích của việc cắt da quy đầu vì lý do vệ sinh cơ quan sinh dục cũng giống như cắt mí mắt (với hy vọng mắt sạch hơn).
Nếu các bậc cha mẹ vẫn muốn con mình thực hiện phẫu thuật này, nên lưu ý:
- Yêu cầu em bé được cho thuốc giảm đau trước khi giải phẫu.
- Thay băng nhiều lần trong ngày để tránh nhiễm trùng.
- Vết mổ có thể rỉ máu vài ngày.
- Sau mổ, em bé có thể không tiểu tiện trong vòng 6-8 giờ.
- Cắt da quy đầu là một phẫu thuật đơn giản, có thể thực hiện ngay tại phòng mạch bác sĩ và vết thương sẽ lành sau vài tuần lễ.
Người trưởng thành đôi khi cũng cần cắt da quy đầu. Đó là các trường hợp sau:
- Thường xuyên bị nhiễm trùng cơ quan tiểu tiện, nhất là ở người mắc bệnh tiểu đường, vì đường trong nước tiểu dính dưới da quy đầu sẽ là môi trường thuận lợi cho vi trùng sinh sản.
- Khi da quy đầu quá co chặt gây khó khăn trong quan hệ tình dục.
- Sợ bị ung thư cơ quan sinh dục.
- Muốn mổ vì lý do thẩm mỹ.
BS Nguyễn Ý Đức, Sức Khoẻ & Đời Sống