NGUYỄN Ý ĐỨC

Chích Ngừa

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

Thời gian là vào mùa Hè một năm của thập niên 1930…

Trẻ con làng Hóp ở Cầu Cháy cứ thay phiên nhau mà chết như ngả rạ. Từ mới sanh cho tới mươi mười hai tuổi. Nóng sốt, ói mửa, tiêu chẩy, da nổi mụn đầy mủ. Mươi ngày sau lên cơn động kinh rồi ra đi.

Dân làng sôn sao, sợ hãi, tìm mọi cách chữa chạy.

Đêm đêm trên đường làng, người ta nghe thấy tiếng chân huỳnh huỵch chạy. Dân chúng sợ sệt rỉ tai nhau: Quan ôn đang đi lùng bắt trẻ con vì Bà Chúa Liễu đền Bia cần âm binh đánh giặc. Người người xì xụp cúng bái, cầu xin. Thầy mo thầy pháp bận tíu ta tíu tít trừ tà, bắt quyếtø. Hàng mã sản xuất hình nhân không kịp cho cha mẹ mua về cúng. Để thế mạng cho con cái.Trẻ vẫn chết.

Nhà Nước Bảo Hộ vội vàng phái ông Quan Hai Đốc Tờ mang đoàn y tế từ tỉnh về làng để cứu dân độ thế.

Vào thời điểm mà ánh sáng chân lý của sự việc chưa được phổ biến thì lòng tin của con người hướng về thần linh. Để được ban ơn hoặc nhận trừng phạt. Con người chết sống theo số mệnh, theo ngẫu hứng của huyền bí.

Năm đó, dịch Đậu Mùa xẩy ra ở nhiều vùng khác trong Huyện chứ không chỉ có trẻ con làng Hóp. Song song với điều trị, một chiến dịch chích ngừa và chỉ dẫn vệ sinh được phái đoàn áp dụng.Và bệnh giảm dần.

Nhờ sự tiến bộ về điều trị cũng như y khoa phòng ngừa, hoàn chỉnh nếp sống mà tỷ lệ tử vong vì các bệnh truyền nhiễm giảm trông thấy. Có những bệnh một thời hoành hành giết hại dân lành thì bây giờ đã được kiểm soát, ngăn chặn. Bệnh đậu mùa hầu như đã bị xóa sổ; ban sởi, ho gà,yết hầu, thương hàn giảm hẳn. Tuổi sống con người gia tăng tới trên 30 năm trong thế kỷ 20.

Chủng ngừa là tạo ra tính miễn dịch trong cơ thể để chống lại sự xâm nhập, gây bệnh của các vi sinh vật độc hại.

Ý niệm về sự chủng ngừa đã được y giới Trung Hoa, Hi Lạp nghĩ tới từ cả ngàn năm trước. Khi đó họ thấy một số nhân công tay không bao che, vắt sữa bò thường nổi những mụn mủ giống như bệnh đậu của bò. Và sau này họ không bao giờ mắc bệnh đó.

Nhưng phải đợi tới năm 1796, nguyên tắc của chủng ngừa mới được cụ thể hóa qua các nghiên cứu của viên y sĩ người Anh Edward Jenner.

Hiện nay chủng ngừa đã được đồng loạt áp dụng cho mọi người, mọi tuổi. Trẻ con đi học là phải có sổ chích ngừa đầy đủ mới được vào lớp. Nhờ đó mà nhiều bệnh nhiễm được phòng ngừa hữu hiệu.

Vậy mà còn một lứa tuổi việc chích ngừa không mấy được chú ý, áp dụng, Đôi khi cố tình lãng quên. Mình còn khỏe như voi, mấy chú vi khuẩn sức mấy mà đụng tới chân lông ta được. Việc gì phải chích ngừa, vừa tốn tiền, mất thì giờ mà lại...đau.

Vâng. Xin mạn phép hỏi quý hữu thân thương: Thế lần cuối cùng quý hữu chích ngừa Phong Đòn Gánh là năm nào? Người phối ngẫu nhờ mở hộp cá mòi. Chẳng may bị miểng kim loại cắt đứt da tay là có nguy cơ nhiễm bệnh lắm đấy ạ. A...Tôi không nhớ. Đi khám bác sĩ cả chục năm nay, có thấy ổng nói gì đến cái vụ chích đòn gánh đòn xóc này đâu!

Lại còn chích ngừa viêm gan, viêm phổi, thủy đậu, ban sởi, yết hầu. Và Cúm vào mỗi mùa Đông...

Việc chích ngừa phòng bệnh rất quan hệ ở người lớn, nhất là khi sức khỏe kém và khi đang mắc một số bệnh kinh niên.

Người viết xin cùng quý hữu đọc lại vài chỉ dẫn của các nhà chuyên môn y tế. Vì chính bản thân, hình như cũng giả vờ quên trong việc tận dụng các phúc lợi cho sức khỏe mà khoa học hiện đại cung ứng.

Trước hết hãy coi cái anh Phong Đòn Gánh.

Bệnh do những vi khuẩn kỵ khí: có oxy và hơi nóng là chết. Nhưng chúng đẻ ra các bào tử mà nồi hầm điện,thuốc khử trùng chúng cũng coi như không có.

Bào tử lẫn lộn trong ruột động vật và trong lòng đất. Đi chân không bị mảnh sành cắt đứt da; ăn phải miếng lòng heo nhiễm độc là bào tử xâm nhập cơ thể, ta bị bệnh như chơi. Độc tố của vi khuẩn gây ra co giựt bắp thịt, kinh phong, thu hẹp khí quản, nghẹt thở rồi tử vong.

Hàng năm trên thế giới hiện vẫn còn cả gần 300.000 người mất mạng vì mấy chú vi khuẩn kỵ khí này. Ấy là nhờ đã có thuốc chích ngừa rồi đấy. Chỉ trự nào hay quên là có nhiều cơ hội sớm quy tiên.

Mà ngừa cái anh này thì cũng dễ thôi.

Nếu chưa bao giờ chích,thì quý hữu cần lủi ba mũi. Hai mũi đầu cách nhau một tháng; mũi thứ ba thì tà tà 6 hoặc 12 tháng sau. Thế là ta an toàn lội suối, làm vườn, nhậu lòng heo tiết canh. Nhưng nhớ mười năm sau nhắc người tình chích lại. Kẻo mà Đòn Gánh nó khênh đi thì lại “ ôi cảnh biệt ly sao mà ...buồn vậy”.

Thứ đến là chị em nhà cô Viêm Gan.

Cô chị, Viêm A thường lây lan do Ăn Uống thực phẩm nhiễm độc, không rửa tay sau khi đi vệ sinh… Nhất là ở các quốc gia đang mở mang. Nơi đây đôi khi t ớí 75% dân chúng có lúc đã tiếp cận với virus bệnh này. Thành ra ta chẳng ngạc nhiên khi viễn cư xứ Mỹ, nhiều đồng hương thử máu đều có kết quả dương tính. Bệnh cũng lây lan do chung đụng xác thịt, sờ mó vào chất lỏng người bệnh.

Quý hữu thích ngao du châu Á, ghé qua quê hương là cần chích ngừa Viêm A. Và nhớ chích 4 tuần trước khi đi, để về tới nơi an toàn bún ốc bà Ba Bủng, chả cá Lã Vọng, bún bò Sông Hương. Hoặc đôi khi nể bạn bè, chót “tươi mát” chút đỉnh dưới xóm. Xin lỗi mấy bà chị nghe. Chẳng phải vẽ đường cho hươu chạy đâu, vì hươu nó đã rành đường từ khuya rồiï. Vả lại cũng là bảo vệ bà chị đó mà thôi.

Những người lạm dụng thuốc cấm, bệnh gan kinh niên, bệnh loãng máu hoặc đàn ông giao cấu đàn ông cũng cần chích ngừa Viêm A. Ngừa giản dị, hiệu nghiệm nữa là rửa sạch tay trước khi ăn.

Cô em, viêm B có thể đưa tới bệnh gan, nguy hại hơn là ung thư. Một nghiên cứu mới đây cho hay, tỷ lệ người Việt nói riêng, người Á Châu nói chung, bị ung thư gan khá cao.

Viêm gan thường là do tiếp nhận Máu hoặc tiếp xúc với Máu người bệnh; đôi khi do ghiền dùng chung ố ng chích, giao hợp phóng khoáng với nhiều đối tượng khác nhau.

Hiện nay, nhờ kiểm soát máu trước khi cho và nhận nên lan truyền Viêm B do sang máu đã giảm thiểu.

Để phòng ngừa, thuốc được chích làm ba lần: hai lần đầu cách nhau một tháng; mũi cuối cách cách lần nhì 6 tháng.

Cô em út Viêm C cũng thường lan qua truyền máu, nhưng hiện giờ chưa có thuốc chích ngừa. Nên ta đành tự động đề cao cảnh giác để khỏi mắc bệnh.

Rồi bây giờ ghé thăm lão nhân họ Cúm.

Cụ này là khá hung hăng. Hàng năm cứ cuối Thu đầu Đông là cụ đều trở lại phá phách dân lành. Cụ gây nhiều tử vong, nhất là khi cụ kéo phe kết đảng với chú Sưng Phổi. Cùng cảnh già mà cụ chẳng thương người cùng lứa tuồi. Cụ cúm cứ nhè các vị cao niên, bệnh hoạn mà rủ nhau ra đị. Tất nhiên là cụ cũng chẳng tha gì các lứa tuổi khác. Độc hại hơn nữa là mỗi năm các virus Cúm lại trá hình, biến dạng khác nhau, nên khó mà tránh.

Vậy mà mấy ông bà khoa học cũng nghĩ ra cách ngăn chặn cụ Cúm. Có điều là mỗi năm ta phải chích ngừa lại, bắt đầu khi “sớm thu vàng, gió heo may”, để kịp thời chống trả Cúm vào đầu Đông. Đọc đến hàng chữ này, xin quý hữu ngưn một phút, điện thoại lấy hẹn với thầy thuốc. Để chích sớm, phòng sớm cho chắc ăn. Nhiều người ngại chích nên cuối 2003 hy vọng có thuốc ngừa xịt lỗ mũi, vừa không đau mà cũng hiệu nghiệm.

Các thuốc ngừa đều công hiệu tới 80% để cấm cửa cụ Cúm vào thăm.

Nhiều năm thiếu thuốc, chính quyền dành ưu tiên cho các vị trên 50 tuổi, có các bệnh kinh niên; nhân viên chăm y tế, phụ nữ mang thai trên 20 tuần. Năm nay, nghe nói thuốc đã được sản xuất nhiều, nên mọi lứa tuổi là cần phải chích. Thuốc tương đối an toàn.

Nhân tiện ngừa Cúm, ta cũng ngừa tác nhân gây Sưng Phổi luôn.

Sưng phổi là một trong những bệnh nhiễm thường xẩy ra cho nhân loại. Cũng như Cúm, Sưng phổi cũng thích hành hạ lão nhân. Một mũi chích ngừa được bệnh trong dăm mười năm. Thành ra ta không phải chích mỗi năm.

Đó là ôn lại mấy thứ ngừa chính mà thôi. Kẻo người đọc lại la, cái nhà ông lang này, chỉ “rung cây nhát khỉ”. Coi bộ ông ăn hoa hồng hơi bộn bạc của mấy tài phiệt sản xuất thuốc ngừa rồi đấy.

Vâng. Thì cũng kiếm trác chút đỉnh để phụ giúp tiền hưu. Viết bài cho báo thân hữu có nhận được tí thù lao nào đâu.

Bác sĩ Nguyễn Ý ĐỨC.

Texas -8-03


Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Câu chuyện Thấy lang
Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Sức khỏe nghề nghiệp
TỰA - An hưởng tuổi vàng - BS Nguyễn Ý Đức


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn