NGUYỄN Ý ĐỨC

Phục Hồi Sau Tai Biến Não

-“Tội nghiệp anh Bình vừa mới bị Tai biến não. Chị Bình không chăm sóc nổi nên phải đưa anh vào nhà dưỡng lão”.

-“ Ấy, chú tư Hanh cũng bị stroke năm ngoái, nhưng nhẹ nên cũng còn đi lại được”.

Tai biến động mạch não!!! Stroke!!!

Những tiếng mà khi nghe tới nhiều người đã e ngại. Chỉ sợ là một lúc bất hạnh nào đó, nó sẽ đến thăm mình.

Tai biến vẫn còn là một bệnh gây ra tàn phá nghiêm trọng cho cơ thể và là một trong ba nguy cơ tử vong cao. Một trăm người bị bệnh thì khoảng mươi người mới có hy vọng gần-hoàn-toàn-phục-hồi. Lý do là bệnh nhân thường đi cấp cứu hơi trễ để được khám nghiệm và điều trị sớm.

Bên Mỹ, hàng năm có cả triệu nạn nhân mới của tai biến này. Một số lớn may mắn thoát khỏi lưỡi hái Tử Thần thì lại kéo dài cuộc đời tàn phế thần kinh. Số người sống sót tăng với tuổi thọ và nhờ ở các phương pháp trị liệu hữu hiệu. Nhưng chi phí chăm sóc hậu tai biến cũng nhiều hơn. Và là một vất vả cho gia đình, một tai họa cho bệnh nhân.

Bên Việt Nam ta, số người bị tai biến cũng cao, người tàn phế không phải là ít, và sự chăm sóc chắc cũng khó khăn hơn.

Stroke gây ra do sự đột ngột ngưng tuần hoàn tới một vùng nào của não bộ. Ngưng vì một mạch máu bể vỡ, một cục máu chặn lối giao thông, một u bướu đè xẹp mạch máu. Tế bào thần kinh nơi đó thiếu dưỡng khí và đường glucose, chỉ cần vài phút là hết sống. Đó là các tế bào điều khiển sự di chuyển, suy tư, hành động, phát âm... Con người trở thành tàn tật.

Tàn tật vì:

- Liệt yếu nửa thân, đi đứng loạng choạng, mất thăng bằng;

- Nói lơ lớ khó khăn, không thành ngôn từ;

- Kém trí nhớ, nhận thức, suy luận và giải quyết sự việc;

- Thị giác rối loạn;

- Mất cảm giác, tê dại ngón tay, chân;

- Ăn trệu trạo, nuốt không xuôi;

- Mất kiểm soát tiểu đại tiện;

- Hết khả năng tự chăm sóc trong đời sống hàng ngày...

- Và hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào người khác.

Một đời người đang khỏe mạnh như anh Vọi thuyền chài, mà chỉ một giây một phút trở nên tàn tật. Nhiều khi cũng chỉ vì quá lơ là với sức khỏe của mình.

Huyết áp cao thì coi thường, thuốc khi uống khi ngưng. Cholesterol phi mã mà vẫn tái nạm vè gầu, thêm chén nước béo. Thuốc lá hút mỗi ngày vài tút, rượu uống dăm vò. Cơm no, rượu say xong “ngọa triều” nhiều hơn là vận động.

Cho sướng thân đời. Biết đâu rằng: “Bệnh tùng khẩu nhập”, người xưa nhắc nhở chẳng sai chút nào. Vì đó là một số trong những nguy cơ đưa tới tai biến.

Cơ sự đã xẩy ra, bây giờ đành đương đầu, đối phó với hậu quả. Phải kiên nhẫn, tích cực phục hồi tối đa khả năng đã mất. Đừng buông xuôi, bai bải chối “tôi có sao đâu”. Và cả nhà cũng như người bệnh phải tiếp sức phục hồi.

Vài ngày sau khi áp dụng các trị liệu hiện đại, bệnh đã được kiểm soát, thầy thuốc sẽ hướng dẫn phương thức lấy lại các chức năng đã bị tai biến lấy đi. Các phương pháp này rất hữu hiệu để giúp ta phục hoạt sức mạnh, khả năng điều hợp cử động, sự bền bỉ và niềm tự tin, tránh phụ thuộc cũng như hội nhập với các sinh hoạt của gia đình, chòm xóm.

Ta phải học lại cách nói làm sao, nghĩ thế nào, đi sao cho vững và làm sao để tự mình hoàn tất được các sinh hoạt thường lệ. Tắm rửa, đánh răng; ăn cơm, mặc quần áo, đi vệ sinh... Ôi thôi thì trăm việc cần thiết để sinh tồn.

Xin hãy kiên tâm. Đa số bệnh nhân đều phục hồi khá hơn; nhanh hay chậm cũng tùy thuộc stroke nặng hay nhẹ. Nhiều khi diễn tiến phục hồi bắt đầu ngay sau khi bị tai biến, khi bệnh tình ổn định, não bắt đầu lành vết thương.

Ngoài áp dụng phục hồi, cũng cần phòng ngừa stroke trở lại, nhất là trong thời gian một năm sau khi bị lần đầu.

Nguy cơ tái phát tăng với tuổi cao, nếu ta tiếp tục hút thuốc lá, uống nhiều rượu, cao huyết áp, cao cholesterol, mập phì, tiểu đường, suy tim, hoặc đã bị gián đoạn máu não thoảng qua (Transient ischemic attack- TIA).

Cần đi khám sức khỏe theo định kỳ. Chữa các bệnh đang có, nhất là kiểm soát huyết áp, một “tên sát nhân thầm lặng” (Silent Killer); bỏ thuốc lá; nhâm nhi chút chút rượu thôi; kiêng chất béo; giảm tiểu đường; bớt nặng kí; mỗi ngày uống viên aspirin nhỏ bé và các thuốc khác mà bác sĩ cho. Và cũng năng vận động cơ thể theo lời khuyên của thầy thuốc để máu huyết lưu thông, gân cốt thư giãn.

Một vấn đề thường xẩy ra cho người bị tai biến là bệnh trầm cảm, hậu quả của tổn thương tế bào não và sự tàn tật. Cảm xúc sẽ lên xuống, buồn nhiều hơn vui, đôi khi thất vọng, nhỏ lệ, bực tức rồi buông xuôi.

Cũng dễ hiểu thôi. Đang xốc vác khỏe mạnh mà giờ đây xe lăn, nạng chống; ăn phải nhờ người bón, tắm rửa cần người phụ; nói không ra câu, nhìn một hóa hai... Nhưng dù trầm cảm đến đâu, khoa học hiện đại vẫn có cơ hóa giải được. Nói cho thầy thuốc hay cảm xúc của mình và sẵn sàng nhận sự chữa chạy. Nhiều dược phẩm công hiệu cũng như phương thức trị liệu điện tử có thể giúp ta vượt qua.

Với thân nhân thì sự hỗ trợ, chăm sóc, khuyến khích người bệnh là cần. Đây là việc làm lâu dài, đòi hỏi sự hy sinh và thương yêu.

Mà thương yêu thì ai chẳng có. Đầu gối tay ấp trên dưới nửa thế kỷ. Công ơn sinh thành dưỡng dục cả vài chục năm. Bây giờ là lúc chứng tỏ tình nghĩa phu thê mặn ngọt có nhau cũng như báo hiếu song thân. Có thể tham dự vài khóa huấn luyện cách chăm sóc, cách giúp người thân phục hồi, học lại những chức năng đã mất.

Xin gợi ý:

- Cần có một phân chia việc săn sóc cho mỗi người trong gia đình để tránh ôm đồm quá sức cho một người;

- Giúp bệnh nhân uống thuốc đều đặn;

- Khích lệ để bệnh nhân tập cử động, làm vài việc săn sóc chính bản thân để gây niềm tự tin;

- Ca ngợi bất cứ một cố gắng mà người thân đã thực hiện được, để khỏi nản lòng;

- Mời kéo thân nhân tham dự góp ý vào các sinh hoạt gia đình, cho họ một niềm tin là vẫn còn một vai trò quan trọng; giúp thân nhân giữ mối liên lạc với bạn bè, cộng đồng;

- Tránh để thân nhân lủi thủi một mình với chiếc TV hay radio; dành thì giờ nói chuyện cũng như nhờ bạn bè thăm hỏi;

- Liên lạc thường xuyên với thầy thuốc để trình bày diễn tiến phục hồi cũng như nhận thêm hướng dẫn chăm sóc.

Và không quên chăm sóc chính mình, ăn uống ngủ nghỉ đầy đủ, có thời giờ thư giãn giải trí.

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

Texas 9-03


Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Câu chuyện Thấy lang
Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Sức khỏe nghề nghiệp
TỰA - An hưởng tuổi vàng - BS Nguyễn Ý Đức


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn