NGUYỄN Ý ĐỨC

Móng Tay và Thẩm Mỹ

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

Xưa kia, chăm sóc một bàn tay đẹp với những móng dài là chỉ dấu của giới quý phái trưởng giả, không phải nhúng tay vào công việc lao động chân tay. Người phụ nữ Trung Hoa trâm anh thế phiệt với móng tay dài cả tấc, hoàng hậu Ai Cập Nefertiti dành độc quyền dùng thuốc bôi móng tay màu đỏ cho giới quý tộc. Tất cả đều muốn thỏa mãn với vị thế ưu đãi của mình trong xã hội.

Ngày nay, sự chăm sóc móng tay hầu như để diễn tả niềm hãnh diện thẩm mỹ cá nhân nhiều hơn là sự nhàn rỗi vì đa số phụ nữ có móng tay đẹp đều làm việc như mọi người khác. Hàng năm nữ giới tiêu nhiều triệu mỹ kim cho công việc làm đẹp những cái móng tay của mình, ở nhà hoặc đi tới các tiệm cắt sửa móng. Tuy nhiên có lẽ nhiều người không để ý là khi tới các tiệm này để làm đẹp lớp móng không phải là không có những rủi ro có thể xảy ra.

Cấu Tạo Móng

Móng là lớp sừng keratin cứng bao che phần nhậy cảm của ngón tay, ngón chân con người và động vật. Móng có công dụng trong việc cột tháo một nút buộc (dây giầy chẳng hạn, đôi khi cả sợi dây tơ hồng cột nhau đã cũ) và nhiều công việc khác mà chỉ khi nào móng hư hao, đau bệnh  ta mới thấy sự quan trọng của chúng.

Móng tay mọc dài khoảng 4 cm một năm, móng chân mọc chậm hơn, 2 cm một năm. Móng mọc nhanh khi thời tiết ấm áp, khi đàn bà có bầu, ở bàn tay thuận, ở người sử dụng đến ngón tay nhiều như chơi đàn piano, đánh máy chữ. Móng mọc nhanh nhất ở tuổi còn trẻ rồi chậm dần với tuổi cao, khi cơ thể thiếu dinh dưỡng hoặc trong một vài bệnh. Móng đẹp tốt khi nó trơn, nhẵn bóng, một màu, không có tì vết.

Điều cần nhớ là không có hóa chất hay dược phẩm nào có thể làm tăng cường sự tốt đẹp của móng ngoại trừ việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chăm sóc chu đáo, tránh chất có hại cho móng và cắt giũa đều đặn. Cấu tạo của móng và xương khác nhau, cho nên dùng nhiều calcium hay chất gelatin không làm cho móng chắc, bền hơn như là ở xương.

Bệnh Của Móng

Sự thay đổi hình dạng, màu sắc của móng tay đôi khi nói lên tình trạng sức khỏe của con người: thí dụ khi thiếu máu vì thiếu chất sắt, móng tay biến hình và cong ngược lại như cái thìa; móng tay người bị xơ cứng gan, thường vân đục; vệt trắng trên mặt móng là dấu hiệu bị nhiễm độc với thạch tín; móng cong xuống ở người mắc bệnh hô hấp khó thở. Cũng như tóc, móng thay đổi khi ta dùng hóa trị liệu trong vài bệnh ung thư.

Móng có thể bị nhiễm độc vi khuẩn, khi móng bị thương hoặc khi ta làm tổn thương lớp da bao che xung quanh móng. Móng sẽ sưng, đỏ, đau nhức vì vi khuẩn làm mưng mủ và  cần được chữa bằng thuốc kháng sinh, chăm sóc tại chỗ cũng như rửa sạch, ngâm trong nước ấm pha thuốc diệt trùng (bétadine).

Móng cũng bị hư hao vì các loại nấm ăn mòn dần mặt móng. Bệnh nấm móng thường thường rất khó chữa.

Móng khô, nứt, mất màu khi móng tiếp xúc với hóa chất mạnh như xà bông có độ kiềm cao, sơn, dầu hoặc xăng.

Móng chân cũng có nhiều khó khăn và cần chăm sóc chu đáo như móng tay.

Vấn đề thường thấy là móng mọc đâm ngang dưới da gây nhiễm độc (ingrown toenail): mép móng đỏ, sưng, đau và mưng mủ. Nguyên nhân chính là vì ta cắt móng quá sát vào góc da hoặc đi giầy quá chật, bóp các ngón chân với nhau. Trường hợp nhẹ ta có thể tự chữa bằng cách ngâm móng chân trong nước ấm rồi cắt móng đi. Nhưng nếu bệnh nặng thì cần đi bác sĩ để được giải phẫu cắt bỏ phần móng bị hư.

Chăm Sóc Móng

Chăm sóc móng là cả một nghệ thuật: chăm sóc không đúng cách hay quá đáng đều làm móng tổn thương, nhất là ở phần da bao bọc chung quanh móng. Da này có nhiệm vụ bảo vệ cho móng khỏi bị nhiễm độc và không nên cắt bỏ, trừ trường hợp nó bị xước hay lật ngược. Trước khi cắt, nên ngâm móng trong nước ấm cho da mềm rồi cắt sát tận gốc với một cái kéo sắc. Đừng lấy tay giựt da này vì làm như vậy là ta đã mở đường cho vi trùng xâm nhập vào da và gây nhiễm độc.

Mỗi tuần cắt móng tay một lần. Móng chân nên cắt thẳng bằng mặt, mỗi tháng một lần vì nó mọc chậm hơn móng tay. Khi móng quá cứng và dòn thì cắt sau khi tắm vì lúc này móng tương đối mềm hơn.

Thuốc đánh bóng móng đều giống nhau và chỉ có mục đích thẩm mỹ, trông cho đẹp và bao che móng. Không nên dùng thuốc rửa móng acétone quá thường vì hóa chất này làm móng khô và yếu. Trước khi giải phẫu, bác sĩ thường yêu cầu chùi hết thuốc đánh bóng trên móng tay để nhân viên gây mê có thể nhìn mầu da dưới móng tay coi xem bệnh nhân có hít thở đầy đủ dưỡng khí không.

Phong trào gắn móng tay giả ngày càng tăng và móng giả cũng tạo ra nhiều rắc rối. Khi gắn móng giả vào mà không lau chùi sạch thì vi trùng hay nấm độc có thể sinh sản ở giữa hai lớp móng và làm hư hao móng thiên nhiên. Cũng như khi móng mọc, sẽ tạo ra một khoảng trống giữa hai móng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào đó.

Rủi Ro Khi Chăm Sóc Móng

Móng có thể được săn sóc ở nhà nhưng đa số, nhất là quý vị nữ lưu, đều đi tiệm cho tiện và để được các chuyên viên làm đẹp kỹ càng hơn. Nơi đây một số vấn đề không tốt cho sức khỏe chung của con người cũng như riêng cho móng có thể xẩy ra.

Móng bị hư hao, nhiễm độc nếu chuyên viên bất cẩn và dùng dụng cụ dao kéo không sạch. Ngoài ra, da còn  bị viêm ngứa đỏ vì dị ứng với hóa chất liên hệ tới sản phẩm làm  móng.

Trong tiệm làm móng, nhất là nơi gắn móng tay giả, không khí bị ô nhiễm bởi nhiều chất có thể gây ra hậu quả không tốt cho khách hàng cũng như cho nhân viên. Một số hóa chất thường dùng là formaldehyde để làm móng chắc; chất éthyl méthacrylate làm keo gắn móng giả; acétone để chùi rửa thuốc sơn bóng móng. Hơi của các chất này còn có thể thoát ra ngoài tiệm, gây ô nhiễm cho các cơ sở lân cận.

Hóa chất xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp khi ta hít thở không khí, ngấm qua da, hoặc vô ý nuốt vào miệng. Tùy theo  thời gian tiếp xúc với hóa chất, đường xâm nhập, số lượng và loại hóa chất mà ảnh hưởng nặng nhẹ khác nhau.

Bụi và hơi hóa chất vào mắt làm mắt ngứa, chảy nước, sưng, thị lực bị tạm thời suy yếu.

Khi vào mũi, cuống họng, phổi, hóa chất gây nghẹt mũi, đau cuống họng, nghẹt thở, ho, nặng ngực, khó thở, đôi khi lên cơn hen suyễn.

Tiếp xúc quá lâu với hóa chất liên hệ tới móng có tác hại đến hệ thần kinh, gây nhức đầu, chóng mặt, ói mửa, tâm thần rối loạn, mất định hướng.

Nhiều chuyên gia còn nhắc nhở rằng một vài hóa chất có thể gây bệnh ung thư hoặc trẻ sơ sanh khuyết tật khi người mẹ có thai tiếp xúc với hóa chất này.

Nhân viên làm móng đã than phiền rất nhiều vì làm việc tiếp xúc suốt ngày với sản phẩm làm móng mà không được bảo vệ sức khỏe. Nhiều tiệm không được gắn hệ thống để lọc khí, loại bỏ bụi và hơi bay của hóa chất. Nhiều người cho biết sau 8 giờ làm việc trong tiệm là họ cảm thấy rã rượi mệt mỏi vì hít phải quá nhiều hóa chất độc, nhất là chất éthyl méthacrylate và acétone. Theo họ, khi đã hít chúng vào thì nó nằm luôn ở trong phổi.

Hiện nay, người Việt chúng ta có vị thế đáng kể trong số những chuyên viên ưu tú làm móng vì lợi tức khá cao, giờ làm việc nhiều mà chỉ cần học một thời gian ngắn là đã có được một nghề tự do.

Cũng nên nhắc là sản phẩm làm móng được bán trên thị trường như những mỹ phẩm có mục đích làm đẹp con người. Các sản phẩm này được Cơ Quan Thực Phẩm và Dược Phẩm quy định nhưng không phân chất, công nhận. Muốn được bán trên thị trường, mỹ phẩm phải bảo đảm là không gây độc hại cho người tiêu thụ. Chỉ khi nào có khách hàng khiếu nại thì cơ quan trên mới can thiệp, xem xét rồi yêu cầu nhà sản xuất thu hồi mỹ phẩm.

Kết Luận

Coi như vậy, ta thấy muốn có một bàn tay đẹp với những móng nhọn thon mang màu tươi mát không phải dễ gì. Để tránh những rủi ro có thể xẩy ra, cơ quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ đã lưu ý mọi người là trước khi làm móng, nên để ý tới mấy điều sau đây coi xem tiệm đó có giấy phép hành nghề không; dụng cụ có được khử trùng; loại hóa chất dùng trong tiệm; tiệm có gắn hệ thống lọc khí và có được giữ gìn sạch sẽ vệ sinh. Ngoài ra trước khi làm móng, nhân viên cũng như khách hàng cần rửa tay với loại xà bông diệt trùng.

Hơi rắc rối nhưng cẩn tắc, vô ưu. Các cụ ta vẫn khuyên như vậy.

Texas 04/03


Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Câu chuyện Thấy lang
Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Sức khỏe nghề nghiệp
TỰA - An hưởng tuổi vàng - BS Nguyễn Ý Đức


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn