NGUYỄN Ý ĐỨC

Làm Việc Theo Ca

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

            Trong vài tháng vừa qua, bác Minh cảm thấy trong người mỏi mệt, ăn mất ngon, đôi khi ngầm ngầm đau bụng, mất ngủ ban đêm. Trước đây, bác ngủ dễ dàng. Bây giờ chỉ ngủ được vài ba giờ nhất là sau mỗi ca làm việc vào ban đêm. Số là từ ba tháng nay, vì công việc sở gia tăng nên bác phải làm việc theo ca, thay đổi tùy theo nhu cầu.

            Đi bác sĩ khám không thấy có bệnh gì. Bác than phiền với ông giám thị và được đổi sang làm việc theo giờ thường lệ ban ngày. Chỉ hơn tuần lễ sau, các dấu hiệu trên đều biến hết, bác lại làm việc hăng say vui vẻ như trước.

            Trường hợp bác Minh là tiêu biểu cho hậu quả của sự xáo trộn trong giờ giấc làm việc. Cơ thể phải thích nghi lại với những thay đổi sinh học do việc làm đêm ngày khác thường gây ra.Hiện nay, trong mọi quốc gia, vì nhu cầu mà việc làm chia theo ca càng ngày càng phổ thông.

            Làm việc theo ca có thể là: làm ban ngày trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối; theo ca cố định như mỗi ngày làm từ 6 giờ sáng tời 2 giờ chiều; từ 2 giờ chiều tới 10 giờ đêm; giờ đêm từ 10 giờ tối tới 5 giờ sáng hôm sau. Trong ngày, có thể là hôm nay làm ca sáng, ngày mai ca chiều; hoặc ca thay đổi bất thường, không định trước tùy theo nhu cầu công việc và số lượng nhân viên.

            Theo nhiều nghiên cứu thì ảnh hưởng không tốt của ca ban đêm là đáng kể hơn các ca khác và sự thích ứng hầu như là rất khó khăn. Số lượng ca làm đêm liên tục cũng quan hệ. Chẳng hạn nếu làm bốn đêm liền thì giấc ngủ và nhịp sinh học trong cơ thể không thể ứng xử được. Một ca đêm 12 giờ sẽ gây ra mỏi mệt hơn là ca 8 giờ, nhưng nhiều người lại thích làm 12 giờ liên tục, để được nghỉ bù một ngày ngõ hầu làm công việc khác.

            Ðể tránh sự quá sức của công nhân, cơ quan Lao Động Thế Giới khuyến cáo nên giữ ca đêm ở mức 8 giờ mà thôi. Một điểm nữa là, theo kinh nghiệm, quan sát, nếu làm việc theo ca khác nhau thì nên đi theo chiều kim đồng hồ thì tốt hơn. Thí dụ chuyển từ ca sáng sang chiều rồi sang ca tối, chứ không nên đi ngược lại chiều kim đồng hồ như là ca tối rồi chiều rồi sáng.

Nói Về Nhip Circadian

            Mọi sinh vật từ thảo mộc tới động vật đều có một đồng hồ sinh học điều hòa nhịp ngủ thức trong 24 giờ đồng hồ. Đồng hồ này lại liên hệ chặt chẽ với ánh sáng và bóng tối. Đồng hồ cũng điều hòa sự sản xuất kích thích tố, nhiệt độ cơ thể, nhịp tim đập, sự tiết ra dịch vị của bao tử, và nhiều chức năng khác của cơ thể. Theo nhịp này thì nhiệt độ cơ thể cao nhất vào xế chiều, kích thích tố cortisol của nang thượng thận cao nhất vào lúc sáng sớm, mà chất giúp

ngủ melatonin của tuyến tùng (pineal gland) lại cao nhất vào ban đêm.

            Với con người, giấc ngủ ngon nhất là từ nửa đêm tới sáu giờ sáng. Cho nên người đang làm việc ca đêm thường hay ngủ gật mà ban ngày về nhà thì lại khó ngủ. Lý do là rất khó khăn cho cơ thể để sắp đặt lại nhịp sinh học đó.

Ảnh Hưởng Làm Ca Đến Sức Khỏe

            a-Vấn đề giấc ngủ -

            Ba phần tư công nhân làm ca bị rối loạn về giấc ngủ nhất là làm ca ban đêm.

            Khi làm việc từ 11 giờ tối tới 7 giờ sáng hôm sau thì công nhân hầu như đều phải đối phó với sự thay đổi về nhịp ngủ- thức. Ban đêm người đó phải cố gắng lắm mới có đủ tỉnh táo để làm việc. Ban ngày khi về nhà thì lại khó mà đi vào giấc ngủ. Do đó họ thường thiếu ngủ và giấc ngủ không được êm đẹp.

            Tình trạng thiếu ngủ kinh niên này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tổng quát của công nhân, vì chính trong giấc ngủ mà con người phục hồi lại các chức năng của não bộ cũng như các cơ quan khác. Mất ngủ ba giờ một đêm đã gây ra thay đổi về tính tình; mất ngủ cả đêm làm giảm hiệu năng lao động. Nếu liên tục mất ngủ ba đêm thì khả năng làm việc mất hẳn, nhận thức, suy nghĩ, quyết định đều rối loạn.

            Theo báo cáo điều tra về những tại nạn lớn như vụ thoát rỉ ở lò nguyên tử Chernobyl xảy ra lúc 1:35 sáng; vụ cháy của phi thuyền Challenger vào sáng sớm, thì sự mệt mỏi, thiếu ngủ của nhân viên cũng có một phần trách nhiệm.

            Kết quả nhiều nghiên cứu cho hay sự thích ứng của nhịp sinh học với thời khóa biểu làm việc mới của người làm theo ca đều rất khó khăn, đôi khi không thực hiện được dù là làm ca đêm thường trực.

            b-Ảnh hưởng tới tính tình –

            Khi đã thiếu ngủ thì con người trở nên dễ kích thích, cáu kỉnh, mất kiên nhẫn, hay lo âu, buồn phiền. Nhiều quan sát cho hay liên hệ với bạn đồng sở dễ tan vỡ ở nhóm người làm việc theo ca bất thường vì họ quá xúc động, quá mẫn cảm, luôn luôn chống đỡ tự vệ, có thái độ bướng bỉnh với người khác. Khi được yêu cầu làm một việc thì làm khác đi và cãi rằng họ làm đúng và đổ lỗi cho quản lý là sai. Họ cũng rất hay quên như là không ghi danh khi tới làm và khi tan sở.

            c-Ảnh hưởng tới tim mạch –

            Nhiều nghiên cứu cho hay bệnh tim, nhất là động mạch vành, gia tăng ở nam giới làm việc theo ca, so với người làm ca ngày. Nhiều chuyên viên y tế khuyên tránh dùng đèn quá sáng, ngủ trước khi đi làm và làm một giấc ngủ nhẹ giữa ca đêm. Nghiên cứu của M Romon và cộng sự viên cho hay người làm việc theo ca có lượng triglyceride cao hơn người làm ca ngày. Người làm ca đêm cũng hay bị nhồi máu cơ tim hơn người làm việc ban ngày.

            d-Ảnh hưởng tới sự tiêu hóa –

            Ðây là những rối loạn thông thường nhất của người làm việc ca đêm. Họ hay bị loét bao tử, viêm tá tràng, ăn không tiêu. Lý do có thể là dịch vị từ bao tử được tiết ra theo nhịp sinh học mà người làm ca ăn uống bất thường, không trùng hợp với các chức năng của hệ tiêu hóa. Nhiều người than phiền táo bón sau mỗi ca làm đêm. Làm ca đêm đôi khi cũng không ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng hoặc không có thực phẩm để ăn.

            e-Tử vong –

            PJ Taylor và SJ Pocock công bố một kết quả nghiên cứu sự liên hệ giữa làm việc theo ca và tử vong, trên British Journal of Internal Medicine vào năm 1972, theo đó tử vong làm theo ca hơi cao  hơn làm ban ngày.

            g-Thai nghén –

            Nghiên cứu cho hay làm việc theo ca khác nhau có thể đưa tới sẩy thai và sanh con thiếu tháng ở một số phụ nữ.

            h-Mất năng lực và ước muốn tình dục - sau một ca làm đêm thì công nhân trở nên mệt mỏi, không còn sinh lực để làm công việc thường lệ khác, ngay cả việc ái ân, giao hợp.

            i-Nguy cơ ung thư vú –

            Nghiên cứu của bác sĩ Johnni Hansen bên Đan Mạch trên 7000 hồ sơ phụ nữ làm việc ca đêm cho thấy nguy cơ ung thư vú cao hơn. Lý do không biết rõ, có thể là do họ tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo.

            k-Khó khăn trong sinh hoạt gia đình, xã hội.

            Đây là lãnh vực bị ảnh hưởng rõ ràng nhất của người làm việc theo ca đêm hoặc ca bất thường. Họ không tham dự được các sinh hoạt thường lệ với thân nhân cũng như với cộng đồng vì có mâu thuẫn trong thời khóa biểu làm việc. Họ cũng bị bạn bè sao lãng vì giờ giấc khác nhau. Họ trở nên cô đơn, lạc lõng, vì khi mình đi làm thì người khác nghỉ và ngược lại khi mình nghỉ thì họ đi làm. Có những cặp vợ chồng sáng sớm vợ đi làm thì chồng vừa dứt ca về nhà, chỉ kịp chào hỏi nhau một câu, rồi một người đi làm, một người đi ngủ tới chiều.

            Ngoài ra làm ca đêm cũng hay gây ra tai nạn xe cộ, nhất là sau khi tan sở.

Giải Quyết Khó Khăn

            Có nhiều cách để giảm thiểu hậu quả không tốt của làm việc theo ca nhất là ca đêm:

            a-Về công việc –

            Công việc quá đơn điệu, nhắc đi nhắc lại cũng như công việc quá sức của công nhân dễ làm họ bị căng thẳng. Trong ca làm, cần dành thì giờ để công nhân nghỉ ít phút xả hơi. Tránh giao quá nhiều trách nhiệm cho người làm ca đêm hoặc kiêm nhiệm công việc của người vắng mặt. Cung cấp nơi làm việc thích hợp với tiện nghi tối thiểu.

            b-Về công nhân –

            Khi chia ca, cần để ý tới tuổi tác, tình trạng sức khỏe của công nhân. Cũng cần coi họ có khó khăn làm ca trong quá khứ, và khả năng ứng xử ra sao.

            c-Về phía chủ nhân –

            Chủ nhân có bổn phận cung cấp cho nhân viên một công việc không có rủi ro và nơi làm việc an toàn. Đặt đèn sáng sủa nơi làm việc để làm thức tỉnh các chức năng cơ thể. Có máy bán thực phẩm làm sẵn, đủ dinh dưỡng cho công nhân khi cần ăn đêm. Sắp đặt thời khóa biểu để công nhân có chút thì giờ nghỉ xả hơi trong ca cũng như giữa hai ca. Đừng khuyến khích làm thêm giờ ở công nhân làm ca. Cho nhân viên ngủ chợp mắt để họ tỉnh táo, làm việc có hiệu năng và sản xuất cao hơn.

            d-Về những ca khác nhau –

            Giảm thiểu ca đêm, tránh làm ca đêm thường xuyên.Tránh thay đổi ca quá gần, lý tưởng nhất là giữ mỗi ca khoảng hai ba ngày trước khi đổi sang ca khác; đổi ca theo chiều thuận:  sáng, chiều và đêm; ca đêm không nên lâu quá 8 giờ và có thì giờ để chợp mắt; cho nhân viên hay trước thời khóa biểu để họ sửa soạn; tránh làm thêm giờ nhất là trước hoặc sau ca đêm; tránh để một người làm đêm một mình, nếu cần lắm thì thiết lập hệ thống đối thoại với người ở công việc khác để tránh cảm thấy cô độc; sau mỗi ca dành đủ thì giờ để nghỉ dưỡng sức, ít nhất là 16 giờ; người trên 45 tuổi nên để làm ca ngày.

            e-Về phương diện cá nhân –

            Người làm theo ca cũng cần trù bị để ứng xử với việc làm theo ca. Tìm hiểu về ca mình sẽ làm, về công việc với các rủi ro có thể có. Trong khi làm việc, cố giữ tỉnh táo bằng cách đối thoại với người cùng làm, lâu lâu thư giãn nghỉ xả hơi vài phút, việc khó khăn nên làm vào đầu ca. Thông thạo sử dụng máy móc cơ khí để tránh tai nạn vì buồn ngủ

            g-Vấn đề ăn uống –

            Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh món ăn nhiều chất béo, lâu tiêu, khiến hay bị buồn ngủ; tránh thực phẩm có nhiều gia vị cay chua; ăn hai bữa thường lệ và một bữa nhẹ như trái cây, sữa vào khoảng giữa ca đêm; giới hạn cà phê khi sắp hết ca đêm để về nhà có thể ngủ được. Không nên dùng cà phê như thứ kích thích tỉnh ngủ.

            h-Ngủ nghỉ theo thói quen thường lệ -

            Công nhân cần tối thiểu là 4 giờ ngủ ngon và nằm nghỉ để hồi phục sức khỏe; tập thư giãn cơ thể giữa giờ làm việc và giờ ngủ; tìm khoảng thời gian nào thích hợp để ngủ: có người thích ngủ ngay sau khi tan việc, có người ngủ trước khi đi làm ca kế tiếp. Nhiều người cho là ngủ trong khoảng thời gian từ 2 giờ chiều tới 9 giờ tối, trước khi bắt đầu ca đêm là tốt hơn cả. Phòng ngủ cần yên tĩnh, mát mẻ, không ánh sáng giống như ban đêm.

            i-Giao thông –

            An toàn lái xe ra về sau khi dứt ca nhất là sau một đêm thức trắng làm việc. Nếu cảm thấy rất buồn ngủ thì nên chợp mắt ít phút trước khi lái xe ra về. Nếu có thể được thì đi chung xe với đồng nghiệp hoặc dùng phương tiện chuyên trở công cộng. Tan sở lúc nửa đêm ra về là càng phải cẩn thận vì có thể gặp vài anh say rượu trên bánh lái.

            k-Sinh hoạt –

            Duy trì sinh hoạt gia đình và xã hội tới mức tối đa. Vì làm theo ca, nên nhiều khi ta không tham dự các sinh hoạt hàng ngày với vợ con, lối xóm. Thảo luận với họ để có sự thông cảm và sắp đặt thì giờ sinh hoạt vào lúc thuận tiện cho mọi người.


Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Câu chuyện Thấy lang
Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Sức khỏe nghề nghiệp
TỰA - An hưởng tuổi vàng - BS Nguyễn Ý Đức


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn