An Toàn Hỏa Hoạn
An toàn hoả hoạn là vấn đề hệ trọng. Theo báo cáo của Hội Đồng Quốc Gia Về An Toàn (National Safety Council), thiệt hại do hoả hoạn gây ra tại nơi làm việc trong năm 1991 là 2.2 tỷ Mỹ kim. Trong số 4.200 người thiệt hại tính mạng do hoả hoạn trong năm 1991, Hội Đồng Quốc Gia Về An Toàn ước lượng có 327 người chết tại nơi làm việc. Mức độ hoả hoạn và bị phỏng lên đến 3.3% tổng số tai nạn.
Hoa Kỳ có một lịch sử lâu dài và đau thương về các vụ hoả hoạn tại nơi làm việc. Chuyện đáng kể nhất là hoả hoạn tại nhà máy Triangle Shirtwaist ở Nữu Ước năm 1911, có ngót 150 phụ nữ chết vì lối thoát hoả hoạn bị khoá và thiếu hệ thống dập tắt lửa thích hợp. Lịch sử tái diễn cách đây vài năm trong vụ hoả hoạn tại thành phố Hamlet ở North Carolina, với 25 công nhân chết khi một trại gia súc bị cháy. Trong trường hợp này, nguyên do có thể cũng vì vấn đề lối thoát và hệ thống phòng chống hoả hoạn không được chu đáo..
Khi OSHA kiểm tra cơ sở làm việc, họ phối kiểm xem chủ nhân có thực hiện đúng tiêu chuẩn an toàn về hoả hoạn hay không. Tiêu chuẩn của OSHA đòi hỏi chủ nhân phải cung cấp lối thoát, dụng cụ chữa cháy, và huấn luyện cho công nhân nhằm đề phòng tử vong hay thương tích do hoả hoạn nơi làm việc.
Lối Thoát Hoả Hoạn Nơi Làm Việc
Mỗi cơ sở làm việc phải có ít nhất hai lối thoát cách xa nhau để tiện dùng khi có hoả hoạn. Cửa thoát phải không bị chắn hoặc bị khoá làm cản trở việc thoát hiểm khẩn cấp khi công nhân còn ở trong cơ sở làm việc. Cửa thoát mở chậm được cho phép nếu có gắn hệ thống báo động được chấp thuận. Lối thoát từ cơ sở phải trống trải,không bị chướng ngại và phải có bảng chỉ rõ lối thoát ra khỏi cơ sở làm việc.
Bình Chữa Lửa Di Động
Mỗi cơ sở làm việc phải có đầy đủ các bình chữa lửa phù hợp cho từng loại nguy cơ hoả hoạn, trừ khi chủ nhân muốn công nhân di tản thay vì đối phó với những vụ cháy nhỏ.
Công nhân được giao trách nhiệm sử dụng bình chữa lửa phải được huấn luyện trước về những rủi ro khi chữa lửa, về cách sử dụng đúng đắn các dụng cụ chữa lửa sẵn có, và về những thủ tục cần tuân theo để báo động cho mọi người về nguy cấp của tình trạng hoả hoạn/
Chỉ những bình chữa lửa được chấp thuận mới được phép dùng tại các cơ sở làm việc, và chúng phải được bảo quản tốt. Chủ nhân phải bảo trì và kiểm tra đúng cách các thiết bị này.
Nơi nào chủ nhân muốn di tản công nhân thay vì dùng họ chữa hoả hoạn nhỏ thì phải có văn bản về các kế hoạch thoát khẩn cấp và chương trình huấn luyện công nhân về cách thoát đúng đắn.
Kế Hoạch Di Tản Khẩn Cấp
Kế hoạch hành động khẩn cấp phải nói rõ là dùng lối thoát nào và thủ tục nào mà công nhân phải tuân theo. Đồng thời kế hoạch phải ấn định thủ tục phối kiểm số công nhân. Kế hoạch hành động bằng văn bản phải có sẵn sàng để công nhân tìm hiểu, xem xét.
Khi cần, kế hoạch phải có thủ tục đặc biệt dành cho công nhân bị khiếm tật; kế hoạch cũng phải bao gồm những thủ tục dành cho các công nhân phải ở nán lại để đóng tắt các dụng cụ quan trọng nơi làm việc trước khi rời khỏi hiện trường.
Phương thức thường dùng để báo động công nhân về tình trạng hoả hoạn khẩn cấp phải nằm trong kế hoạch, và hệ thống báo động công nhân phải đặt sẵn khắp hiện trường và phải được sử dụng để báo động khẩn cấp việc di tản. Hệ thống báo động có thể là lời nói hay hệ thống âm thanh như chuông, còi hay kèn. Công nhân phải biết và nhớ dấu hiệu di tản.
Phải huấn luyện cho tất cả công nhân biết cần phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp. Chủ nhân phải rà lại kế hoạch này với những công nhân mới thu nhận để họ biết chính xác các việc phải làm trong trường hợp khẩn cấp, và với tất cả công nhân khi kế hoạch thay đổi.
Kế Hoạch Đề Phòng Hoả Hoạn
Chủ nhân cần phải thực hiện kế hoạch phòng hoả để bổ túc cho kế hoạch di tản khi có hoả hoạn hầu giảm thiểu tình trạng phải di tản thường xuyên. Ngăn chặn đám cháy không xảy ra là cách đối phó hữu hiệu nhất đối với hoả hoạn. Kế hoạch này phải để sẵn cho công nhân xem xét.
Thủ tục quản lý việc chứa và dọn sạch chất dễ cháy và rác dễ cháy phải nằm trong kế hoạch. Việc dùng lại rác dễ cháy như giấy được khuyến khích; tuy nhiên các thủ tục xử lý và đóng gói cần được đề cập trong kế hoạch.
Thủ tục kiểm soát nguồn gây cháy tại nơi làm việc như hút thuốc, hàn xì và thiêu đốt phải được nói đến trong kế hoạch. Vật dụng gây nóng như mỏ đèn, máy chuyển nhiệt, nồi xúp de , lò nấu, lò bếp, lò nướng, v.v. phải được bảo trì đúng cách và giữ sạch sẽ để tránh tích luỹ những chất cặn dễ cháy. Chất dễ cháy không được dự trữ gần các thiết bị kể trên.
Nhân công phải được thông báo về nguy cơ hoả hoạn trong công việc của họ cũng như thủ tục cần thiết trong kế hoạch phòng hỏa của chủ nhân. Kế hoạch phải được rà lại với tất cả công nhân mới khi họ bắt đầu công việc và với mọi công nhân khi kế hoạch thay đổi.
Hệ Thống Chặn Hỏa
Các hệ thống chặn hoả bất động được thiết kế và lắp đặt đúng cách sẽ làm tăng sự an toàn về hỏa hoạn tại nơi làm việc. Hệ thống phun nước đặt khắp nơi làm việc là phương thức chống hoả đáng tin cậy nhất. Hệ thống phun nước truy tìm ra nơi có lửa, phát tín hiệu báo động và phun nước vào nơi có lửa hay hơi nóng.
Các hệ thống chặn hoả tự động cần được bảo quản đúng cách để duy trì tình trạng khả dụng. Khi cần phải gián đoạn hệ thống chặn hoả trong lúc cơ sở đang hoạt động, chủ nhân phải tạm thời thay thế bằng đội công nhân có huấn luyện đứng canh phòng hoả hoạn để đối phó nhanh chóng nếu xảy ra hoả hoạn khẩn cấp tại khu vực mà thông thường cần được bảo vệ. Việc canh phòng hoả hoạn phải liên đới với kế hoạch phòng hoả và kế hoạch hành động khẩn cấp của chủ nhân.
Bảng chỉ dẫn phải được niêm yết về các khu vực được bảo vệ bởi hệ thống chặn hỏa bằng cách đổ ngập đám cháy với những chất độc hại cho sức khỏe như carbon dioxide, Halon 1211, v.v. Các hệ thống tự động như vậy phải được trang bị với hệ thống báo động trước cho công nhân trong khu vực về việc loại bỏ những chất độc hại để họ có đủ thời gian di tản ra khỏi khu vực. Phải có một kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo đảm việc di tản công nhân được an toàn trong khu vực được bảo vệ bởi hệ thống chặn hoả. Các kế hoạch như vậy phải nằm trong chương trình toàn diện về di tản của cơ sở..