NGUYỄN Ý ĐỨC

Thiết Bị Bảo vệ Cá Nhân

            Nón bảo vệ, kiếng bảo vệ, mặt nạ bảo vệ, ống nghe giảm thanh, giầy mũi thép, máy hô hấp là những trang thiết bị che chở cá nhân dưới nhiều hình thức khác nhau.

            Tài liệu từ Sở Thống Kê Lao Động cho thấy:

            Chỉ có 16% nhân viên bị thương nơi đầu mang nón bảo hộ, mặc dầu 40% được yêu cầu đội nón này khi làm việc tại một số nơi chốn đặc thù;

            Chỉ có 1% mang thiết bị bảo vệ mặt trong số 770 nhân viên bị thương nơi mặt;

            Chỉ có 23% mang giầy bảo hộ trong số nhân viên bị thương nơi bàn chân; và

            Chỉ có khoảng 40% mang dụng cụ bảo vệ mắt trong số nhân viên bị thương nơi mắt.

            Đa số những nhân viên này bị thương khi thi hành  công việc bình thường ở nơi làm việc hàng ngày.

            Tiêu chuẩn OSHA yêu cầu chủ nhân phải cung cấp thiết bị bảo hộ và nhân viên phải sử dụng ở nơi mà các thiết bị này có triển vọng ngăn ngừa thương tích. Tiêu chuẩn OSHA cũng qui định các điều khoản riêng biệt cho từng loại thiết bị.

            Tuy việc sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân rất quan trọng, nhưng đây chỉ là hình thức bảo vệ phụ thêm, cần thiết ở nơi mà hiểm họa chưa được ngăn ngừa bằng những biện pháp khác như quản lý kỹ thuật. Quản lý kỹ thuật đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ thính giác và hô hấp với những tiêu chuẩn đặc biệt đòi hỏi chủ nhân thực hiện các biện pháp khả thi để kiểm soát ngăn ngừa hiểm họa.

Bảo Vệ Đầu

            85% các vụ bị thương nơi đầu là do bị cắt hay bị bầm nơi da đầu và trán, và khoảng 26% là do chấn thương. Hơn một phần ba là do vật rớt trúng đầu. Nón cứng tránh cho đầu khỏi bị chấn thương phải đủ sức chống sự xuyên thủng và phải hấp thụ chấn động gây ra do va chạm mạnh. Trong một số trường hợp, nón phải có khả năng chống điện giật. Các tiêu chuẩn chấp thuận về nón bảo hộ được Cơ Quan Tiêu Chuẩn Quốc Gia Hoa Kỳ (American National Standards Institue, ANSI) ấn định.

Bảo Vệ Chân Và Bàn Chân

            66% nhân viên bị thương khi mang giầy an toàn, thiết bị che chở chân, giầy cao ống và 33% khi mang giầy thường. Trong số những người mang giầy này, 85% bị thương vì vật rơi trúng vào những chỗ mà giầy hay giầy cao ống không bảo vệ được. Để đề phòng các vật rơi hoặc  lăn, vật nhọn, kim loại nóng chảy, mặt bằng nóng và ướt, bề mặt trơn trợt, nhân viên phải mang dụng cụ bảo vệ bàn chân, giầy hay giầy cao cổ và đồ che đùi thích hợp. Giầy an toàn phải cứng và bảo vệ được ngón chân. Giầy phải đạt tiêu chuẩn của ANSI.

Bảo Vệ Mắt Và Mặt

             Khi được thăm dò ý kiến, nhân viên bị thương cho biết việc bảo vệ mắt và mặt ít khi được thực hiện tại nơi làm việc hoặc đã không được đòi hỏi phải tuân hành trong công việc họ làm khi xảy ra tai nạn. Gần 1/3 thương tích ở mặt là do kim loại, thường thường là vật cùn và nặng từ một pound trở lên. Tai nạn gây ra các vết cắt, vết rách, vết đâm tổng cộng khoảng 48%, và gãy xương (kể cả gẫy và mất răng) khoảng 27%. Trang bị bảo vệ phải tuỳ loại và mức độ nguy hiểm nơi làm việc và phải: 1) tương đối thoải mái, 2) vừa khít, 3) bền chắc, 4) có thể chùi rửa, 5) vệ sinh, và 6) trong điều kiện tốt.

Bảo Vệ Tai

            Tiếng động lớn có thể gây lãng tai hay điếc vĩnh viễn và có thể làm cho thể chất  và tinh thần bị căng thẳng. Thiết bị đeo tai giảm thanh được chế tạo hay đúc sẵn phải do chuyên viên thực hiện cho từng cá nhân một. Những đồ đeo tai bằng bông gòn tẩm sáp, chất sốp, hay bằng dạ nhân tạo (fiberglass) tự động co dãn theo người dùng. Thiết bị giảm thanh được sản xuất để dùng một lần phải vứt bỏ sau khi  sử dụng; những thiết bị dùng nhiều lần phải được  bảo trì  đúng cách và lau chùi sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng.. OSHA đã ban hành luật lệ tối hậu về các yêu cầu cho chương trình bảo vệ thính giác. Tài liệu về chương trình này có sẵn tại văn phòng OSHA gần nhất.

Bảo Vệ Cánh Tay và Bàn Tay

            Phỏng, cắt, điện giựt, cụt tay và nhiễm hoá chất là những ví dụ về các hiểm họa liên quan đến thương tích cho tay và cánh tay. Hiện nay có nhiều loại bao tay, nệm bọc tay, tay áo và vòng cổ tay để phòng ngừa các hiểm họa này. Những thứ này phải được chọn lựa cho phù hợp với từng công việc.. Cao su  được coi như  là nguyên liệu tốt nhất làm bao tay và tay áo cản nhiệt và phải đạt tiêu chuẩn của ANSI.

Bảo Vệ Phần Bán Thân

            Nhiều hiểm họa có thể gây thương tích cho phần bán thân: độ nóng, tia bắn từ kim loại nóng và chất lỏng nóng, va chạm, vết cắt, chất axít và phóng xạ. Hiện nay có nhiều loại áo quần bảo vệ: áo khoác, áo choàng, yếm che, quần áo liền nhau, và bộ đồ che toàn thân. Quần áo làm bằng chất ngăn lửa len hay lông mặc thoải mái và dễ dàng thích ứng với nhiệt độ khác nhau nơi làm việc. Những loại bảo hộ khác gồm có đồ bằng da, vật liệu được cao  su hóa, và áo bảo hộ dùng một lần.

Bảo Vệ Hô Hấp

            Tài liệu OSHA 29 CFR 191.134 cung cấp tin tức về điều kiện đòi hỏi nơi thiết bị hô hấp để kiểm soát các bịnh liên quan đến nghề nghiệp gây ra do hít thở không khí nhiễm bụi nguy hại, sương, hơi dầu, ga, khói, hơi xịt, và chất bốc hơi. Sự chọn lựa thiết bị hô hấp đúng nguyên tắc phải dựa theo sự chỉ dẫn của tài liệu ANSI về Phương Pháp Thực Hành Để Bảo Vệ Hô Hấp (ANSI Practices for Respiratory Protection).

Ghi Chú!!!

            Sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân đòi hỏi ý thức về hiểm họa và việc huấn luyện người sử dụng.   Nhân viên phải nhận biết rằng chỉ riêng thiết bị không thể loại trừ được hiểm họa. Nếu thiết bị trục trặc, hiểm họa sẽ xảy ra.


Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Câu chuyện Thấy lang
Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Sức khỏe nghề nghiệp
TỰA - An hưởng tuổi vàng - BS Nguyễn Ý Đức


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn