THƯƠNG TÍCH NƠI LƯNG
Phòng ngừa thương tích ở phần lưng của cơ thể là một thử thách lớn về an toàn tại nơi làm việc.
Theo Phòng Thống Kê Lao Động (Bureau of Labor Statistics), mỗi năm có hơn một triệu công nhân bị trấn thương ở lưng, và cứ năm trường hợp thương tích hoặc bệnh tật xẩy ra tại sở làm thì có một thương tích ở lưng. Hơn nữa, một phần tư tổng số tiền bồi thường tai nạn đều là do thương tích ở lưng và đã gây tổn thất cho các ngành kỹ nghệ hàng tỷ mỹ kim, chưa kể đến những đau đớn, buồn khổ mà công nhân phải gánh chịu.
Ngoài ra, tuy rằng việc bốc dỡ hàng hoá chủ yếu là làm bằng tay (nguyên nhân chính gây thương tích có thể được bồi thường) như nâng cao, sắp đặt, khuân, vác, ôm và hạ thấp đồ vật, cuộc khảo sát của Phòng Thống Kê Lao Động cho thấy là bốn trong năm trường hợp thương tích như vậy xảy ra ở dưới thắt lưng và ba trong bốn truờng hợp xảy ra khi nâng vật nặng lên cao.
Cho tới nay, chưa có một phương thức nào có thể hoàn toàn loại bỏ tai nạn gây thương tích nơi lưng do khiêng vác, mặc dù nhiều người nghĩ rằng phần lớn những thương tích này có thể ngăn ngừa bằng các chương trình kiểm soát hữu hiệu và áp dụng tư thế thích hợp khi làm việc.
OSHA đang nghiên cứu biện pháp để giúp chủ nhân và công nhân giảm thiểu các loại thương tích này. Năm 1986, cơ quan đã yêu cầu dân chúng góp ý để hình thành các hướng dẫn hoặc quy luật về công việc nâng vác bằng tay.
Cơ quan OSHA đang nghiên cứu hai loại phương pháp chính để ngăn ngừa các thương tích do khuân vác: kiểm soát hành chánh và kiểm soát kỹ thuật. Phương pháp thứ nhất gồm chọn lựa công nhân và/hoặc huấn luyện tường tận để họ biết khuân vác một cách an toàn. Phương pháp sau cố gắng sắp đặt lại công việc để nâng vác ít nguy hiểm hơn.
Kiểm Soát Hành Chánh Gồm Có:
Huấn luyện nhân công sử dụng các kỹ thuật nâng vác để phần dưới lưng chịu ít sức nặng hơn.
Đưa ra những chương trình vận động cơ thể hoặc tập co giãn gân cốt để giảm thiểu nguy cơ tổn thương bắp thịt.
Kiểm Soát Kỹ Thuật Gồm Có:
Giảm bớt trọng lượng hoặc dung tích những vật liệu cần nâng vác. Các yếu tố được quy định gồm một trọng lượng tối đa khả dĩ nhấc được cho từng loại công việc; độ chắc đặc của kiện hàng; tình trạng của tay cầm và mức độ bền vững của kiện hàng khi được nhấc lên.
Điều chỉnh chiều cao của giá để hàng hoặc các ngăn kệ. Khi nâng vật nặng nằm dưới đầu gối hoặc cao hơn vai thì phải dùng sức nhiều hơn là nâng vật ở khoảng giữa hai điểm này. Chướng ngại vật cản trở sự tiếp xúc giữa cơ thể nhân viên với vật được khiêng cũng làm tăng nguy cơ thương tích.
Lắp đặt các máy móc phụ như cầu nâng bằng hơi, băng tải và/hoặc dụng cụ nâng chuyển hàng hóa tự động.
Kết quả của một nghiên cứu cho thấy ít nhất ta có thể ngăn ngừa một phần ba thương tích nơi lưng nếu công việc được sắp đặt phù hợp với cơ thể con người. Một số yếu tố khác bao gồm số lần nâng vác, thời gian nâng vác, và loại vật liệu được nâng vác, cũng như điều kiện cá nhân chẳng hạn tuổi tác, phái tính, kích thước cơ thể, tình trạng sức khỏe, và thể lực tổng quát.
Những phương pháp đề nghị gồm có Bảng Hướng Dẫn thực hành công tác nâng vác của Viện Quốc Gia về Sức Khoẻ và An Toàn Nghề Nghiệp (NIOSH), áp dụng vị trí ngang bằng, vị trí thẳng đứng, chiều dài tính từ dưới lên trên và tần số nâng vác. Một phương pháp khác là giới hạn sức nặng tối đa cho mỗi lần nâng vác hoặc đặt giới hạn thời gian và khoảng cách mà kiện hàng di chuyển trên cơ thể người khuân vác. Bảng ghi trọng lượng tối đa cho tỷ lệ bách phân công nhân nam nữ cũng đã được đề nghị nghiên cứu.