"AN HƯỞNG TUỔI VÀNG" Của Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức
Nhị Lang
- Sách dày 275 trang. In khổ chữ lớn, rất tiện lợi cho người già, kém mắt.
- Lời đề Tựa của Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, Cựu Giáo Sư Đại Học Saigon và Vạn Hạnh.
____________
Trung tuần tháng 7 dương lịch vừa qua, Gia Đình Cụ Cố Nguyễn Văn Huyền (tức là nhà Đông-Y danh tiếng An-Phú-Đường đã định cư và hành nghề tại Colorado từ năm 1975 cho tới nay) đã tưng bừng tổ chức ăn mừng "Thượng Thọ Bách Tuế" cho Cụ, bằng một Thánh Lễ Tạ Ơn được cử hành một cách vô cùng trọng thể và trang nghiêm tại nhà thờ Nữ Vương Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Nhân tới tham dự buổi lễ Thượng Thọ hiếm có này, tôi hân hạnh được tiếp xúc với Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức, một thân nhân của Cụ Huyền từ Louisiana tới đây góp mặt, chia vui cùng gia đình và một số đông thân hào nhân sĩ địa phương, không phân biệt tôn giáo. Càng hân hạnh cho tôi hơn nữa là được Bác Sĩ Đức niềm nở đề tặng cho cuốn sách ông vừa mới xuất bản, mang tên "AN HƯỞNG TUỔI VÀNG", mà tôi xét thấy rất nên đem ra giới thiệu với bà con khắp nơi trên thế giới hôm nay, nhất là với các vị Cao Niên.
Thật không gì vui bằng lần đầu tiên trên đời được nhìn tận mắt một Cụ Già cùng quê hương xứ sở đã sống đủ 100 trăm tròn trặn - tức là đã vượt quá xa cái mốc "Thất Thập Cổ Lai Hy" - mà nay hãy còn ngồi chững chạc trên chiếc ghế kia, trước Bàn Thờ Chúa, với mái tóc trắng phau như cước, với gương mặt hồng hào béo tốt phương phi, với đôi mắt tinh anh sáng quắc, với nụ cười tươi như hoa nở, và ... với trăm nghìn hứa hẹn sẽ còn được "An Hưởng Tuổi Vàng" không biết tới bao giờ! Và cũng không gì lý thú cho bằng, giữa cái không khí hoan lạc hiếm hoi chưa dễ sẽ còn được chứng kiến thêm một lần thứ hai trong cộng đồng tị nạn, tôi lại đang cầm trong tay một tác phẩm hiếm quý, một tác phẩm nói về nghệ thuật sống lâu do một Bác Sĩ Tây Y sáng tác riêng cho lớp người già nua dùng làm sách gối đầu!
Hỏi rằng ngẫu nhiên hay cố ý mà có sự trùng hợp quý báu như thế này?
Trong vòng 10 năm trở lại đây, người Việt tị nạn tại nước Mỹ chắc hẳn ít nhiều cũng đã nghe biết dư luận ở cái đất nước giầu sang tột đỉnh này bồng nhiên quay ra có thái độ lạnh nhạt, đầy ác cảm đối với lớp cha ông già nua của họ. Có thể nói không ngoa rằng giai cấp bô lão ở đây bị xã hội hất hủi ra mặt. Thậm chí một nhà chính trị tiếng tăm của Tiểu Bang Colorado, tức là ông cựu Thống Đốc Richard Lamms, trước khi về vườn, đã không ngần ngại thốt ra một câu nói chí ư bạc ác. Rằng: "Người già nua có bổn phận phải chết" (The elderly peple have the duty to die! - Nguyên văn).
Ai ngờ báo chí Mỹ cũng lại hăm hở tiếp tay vào phong trào ngược đãi người già nói trên. Họ luôn luôn phàn nàn về vấn đề người già ở Mỹ mỗi ngày một sống lâu hơn, và trở nên đông đúc hơn, so với 50 năm về trước. Họ lý luận rằng người già càng sống lâu thì càng kéo dài sự "ăn hại" vào quỹ An Sinh Xã Hội của chính phủ, càng xoi mòn quỹ ấy. Khiến lớp trẻ gọi là "Baby Boomers" (ra đời đông như kiến cỏ sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt) sinh ra lo ngại, không chắc nay mai về hưu, có còn được hưởng đồng nào còn sót lại của quỹ An Sinh Xã Hội đó chăng?
Kẻ hèn này thấy thiên hạ chà đạp phũ phàng trên chữ Thọ như thế mà rùng mình. Xét cho cùng, con người - dù văn minh hay lạc hậu - trước sau đều phải chết, không ai tránh khỏi cái chu kỳ "Sinh Lão Bệnh Tử" bất di bất dịch xưa nay. Tuy nhiên, nếu phải nhắm mắt buông tay giã biệt cuộc đời ô trọc này, thì con người đành chịu ra đi khi số mệnh không cho phép kéo dài hơn nữa thôi. Chứ không có thế lực nào, hoặc pháp luật nào, khả dĩ cưỡng bức họ phải tuân hành cái gọi là "Bổn phận phải chết", khi cơ thể họ vẫn còn lành mạnh!
May thay, các vị Bô Lão của chúng ta, dù đang sống nơi cái xứ sở bạc ác này, chắc cũng không bao giờ bị con cháu "đè ra bóp mũi cho ... rảnh nợ đời", theo như lời kêu gọi bất nhân vô đạo của ông Richard Lamms nhà ta! Người Việt không bao giờ buông bỏ cái truyền thống "Kính lão nhi đắc thọ". Bất luận nghèo giầu quý tiện, người Việt luôn luôn sẵn sàng tặng nhau chữ Thọ khi trông thấy nhau. Người Việt triệt để tôn trọng lòng hiếu sinh thiêng liêng của kẻ khác, dẫu vẫn biết rằng người ấy sẽ phải sống trong đau khổ tủi nhục đi nữa . Đó chính là cung cách xử thế của một giống nòi đã có hơn bốn nghìn năm văn hiến.
Kẻ hèn này muốn bày tỏ sự biết ơn đối với Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức, khi ông chẳng bị ai đòi hỏi bắt buộc, mà đã âm thầm tự động đứng ra làm công việc biện hộ cho cái lý lẽ đương nhiên của con người có quyền tồn tại dài lâu trên mặt trái đất, trừ phi người ấy không đếm xỉa tới phương pháp trường sinh dưỡng lão, và không muốn tự tạo cho mình cuộc sống trường sinh độc lập đó. Cuốn sách "An Hưởng Tuổi Vàng" của ông là một cái tát vào mặt những kẻ đang mong muốn chà đạp tuổi già, đang hất hủi họ như đồ phế thải, chỉ vì sợ họ cướp mất miếng cơm manh áo!
Bằng một lối hành văn bình dị, trong sáng, dễ hiểu, và với nỗi lòng thiết tha muốn giúp đỡ người già tận hưởng "Tuổi Vàng" được Trời ban cho, Bác Sĩ Đức đã chia xẻ một cách tận tình những sở kiến, sở học, mà ông đã thu thập được suốt cả cuộc đời làm thầy thuốc của ông. Nói một cách cụ thể hơn, ông muốn đem cống hiến một "Cẩm Nang" cho lớp người già nua vốn thường sinh ra yếm thế, khuyên họ cứ tuân theo đó mà kéo dài tuổi hạc thay vì làm cho nó ngắn đi. Cứ sống an nhiên tự tại, sống hạnh phúc trong những năm tháng cuối cùng của kiếp phù sinh, để khi nằm xuống thì coi như đúng số, không còn điều gì ân hận nữa!
Đọc xong cuốn sách "An Hưởng Tuổi Vàng", ta chợt khám phá ra một điều lý thú. Ấy là việc Tác Giả có lẽ không ngờ rằng ông đã đóng vai một Giáo Sư Y Khoa, dạy cho các "Cụ Học Trò" vô danh của ông, một bài học vỡ lòng về toàn bộ cơ thể của họ. Các Lão Ông Lão Bà ai mà chẳng đã thông qua những bài học "Cách Trí" sơ đẳng nhất ở lớp tuổi đồng ấu ngày xưa? Song đã có mấy ai còn ghi nhớ tận tường những gì đã thu thập được nơi ghế nhà trường, trước đây những năm, sáu mươi năm xa lắc? Cho nên, ngày nay đọc xong mấy trang sách của Bác Sĩ Đức, làm sao không có người sinh ra hoảng hốt, than thầm trong bụng rằng "Hỡi ôi, ta đã quên tất cả đi rồi"! Và vì ta quên tất cả, cho nên ta mới sống một cách bừa bãi, sống vô kỷ luật, từ cách ăn, cách uống, cách ngủ, cách làm, vô tình làm hại cơ thể, vô tình rút ngắn tuổi thọ!
Từ thuở xa xưa, người Tầu đã có một nghệ thuật sống đáng khen. Họ phân định cuộc đời ra làm 4 giai đoạn riêng biệt. Đó là: Định Học, Định Tình, Định Nghiệp, và Định Tử. Nói nôm na là mỗi cá nhân phải tuần tự đi cho đúng 4 chặn đưòng: Học Vấn, Hôn Nhân, Sự Nghiệp, và ... Lâm Chung, với nụ cười thỏa mãn trên môi!
Như vậy thì cuốn sách của Bác Sĩ Đức đã nhằm thẳng vào chặn đường sau rốt kể trên. Tức là ông chỉ muốn giúp đỡ những ai đang lầm lũi dấn bước trên quãng đường "Định Tử" heo hút buồn tênh. Bởi đây chính là giai đoạn khó khăn nhất, thường là thê thảm nhất đối với các Lão Ông Lão Bà, khi mà họ đã bước qua cái ngưỡng cửa "Thất Thập".
Người già lại phải sống kiếp lưu vong nơi xứ lạ quê người dĩ nhiên là luôn luôn cảm thấy cô đơn quạnh quẽ, mặc dù đang sống giữa đàn con lũ cháu. Thế nên những Cụ Ông Cụ Bà nào, cho tới giờ phút này, mà vẫn còn được song toàn bên nhau, thì hãy nên coi là "Đại Phúc" đó vậy. Tuy nhiên, rất có thể đôi khi không trấn áp nổi sự buồn phiền bất chợt, biết đâu các Cụ lại nỡ gây cho nhau những dằn vật đắng cay vô cùng tai hại cho cái tuổi về chiều. Vậy thiết tưởng không gì hơn là hãy lấp đi cái hố cô đơn kia, bằng cách nghiền ngẫm những dòng chữ quý báu trong cuốn sách "An Hưởng Tuổi Vàng" của Bác Sĩ Đức. — đó, ta sẽ thấy lòng mình được an ủi đi nhiều. Ta sẽ thấy những ngày cuối đời vẫn còn đầy dẫy hương hoa hạnh phúc!
Vì những lẽ trên, Tác giả mấy dòng thô thiển này không ngần ngại đem giới thiệu cuốn sách "An Hưởng Tuổi Vàng" với các vị Cao Niên hải ngoại.
Nhị Lang - Colorado- Hoa Kỳ