Có nên dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh trứng cá?
Thuốc kháng sinh, một trong những biện pháp được coi là hữu hiệu nhất để điều trị bệnh trứng cá nặng, đang trở nên vô hiệu trước vi khuẩn gây bệnh.
Tình trạng vi khuẩn Propionibacterium (P.) kháng thuốc ngày càng tăng khiến các bác sĩ phải suy nghĩ và tiến tới hạn chế sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh này.
Hai phương pháp duy nhất để điều trị phần lớn các trường hợp trứng cá nặng (có mụn mủ đau và để lại sẹo) là kháng sinh và vitamin A. Cả hai loại thuốc này đều gây tác dụng phụ. Vitamin A có thể gây dị tật ở thai nhi. Vì vậy, phụ nữ có thai phải rất thận trọng khi dùng thuốc này.
Bác sĩ Carl Nord, Đại học Karolinska (Thụy Điển) và cộng sự đã tiến hành:
- Nghiên cứu mức độ kháng thuốc Erythromycin và Tetracyclin của vi khuẩn P., lấy từ da của 99 bệnh nhân bị trứng cá nặng (nhóm 1). Tất cả những người này đã được điều trị bằng kháng sinh trong vòng 2-6 tháng.
- So sánh số liệu thu được với độ kháng thuốc của 30 bệnh nhân bị bệnh tương tự nhưng chưa bao giờ điều trị bằng kháng sinh (nhóm 2).
- Kết quả là tỷ lệ kháng thuốc của nhóm 1 là 28%, cao hơn nhiều so với nhóm 2 (6%).
Các nghiên cứu ở Anh và Mỹ cũng cho kết quả tương tự. Như vậy, trong tương lai, kháng sinh sẽ trở nên vô hiệu đối với bệnh trứng cá. Theo ông Nord, các bác sĩ da liễu cần theo dõi chặt chẽ tình trạng kháng thuốc khi điều trị cho bệnh nhân. Phải ngừng dùng thuốc ngay nếu thấy có tình trạng kháng thuốc. Nếu không, vô tình chúng ta sẽ làm lan truyền các chủng vi khuẩn kháng thuốc giữa các bệnh nhân và từ bệnh nhân sang những người xung quanh.
Thực trạng này càng thúc đẩy nhu cầu tạo ra vacxin chống bệnh trứng cá. Theo bác sĩ Nord, vacxin trị bệnh trứng cá sắp ra đời sẽ là giải pháp hữu hiệu cho hàng triệu bệnh nhân, chủ yếu là thanh thiếu niên.
Thu Thủy (theo Reuters)