Bệnh nấm móng
BS Vũ Hồng Thái (BV Da liễu TPHCM)
Nấm móng là một bệnh thường thấy ở những người làm nghề bán nước giải khát, đầu bếp, rửa xe, chăn nuôi... Bệnh làm móng bị hư hủy xấu xí, có khi nung mủ, đau ảnh hưởng đến năng suất làm việc.
Nguyên nhân
Do nhiều loại vi nấm gây ra, có thể kể hai nhóm chính là: Nấm sợi tơ (Dermatophytes) và nấm hạt men (Candida). Người bị bệnh này, do tay chân thường xuyên bị ướt tạo điều kiện cho vi nấm phát triển và gây bệnh.
Triệu chứng lâm sàng
- Bề mặt móng bị xù xì, phủ một lớp vảy mịn như cám, có lằn sọc dọc hay ngang. Chỗ bị tổn thương có màu hơi vàng, hay nâu đen.
- Bên dưới móng cũng có thể bị tổn thương và móng bị tróc.
- ít khi cả mười móng tay hoặc mười móng chân đều bị bệnh. Trên từng móng, tổn thương tấn công từ bờ vào và không bị viêm quanh móng (nếu do Dermatophytes) hoặc từ gốc móng đi ra và có viêm quanh móng (nếu do nấm Candida).
- Khi viêm quanh móng sẽ rất đau, sưng đỏ và có mủ.
Ðiều trị
1. Thuốc bôi tại chỗ: Dùng một trong các thuốc bôi sau: kem hoặc pommade Ketoconazol (Nizoral), Canesten, Trosyd, Exoderil, Naftin v.v...
Cách bôi: Sau khi rửa và cạo sạch chỗ tổn thương móng, bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng, mỗi ngày 2-3 lần, ít nhất trong 3 tháng.
2. Thuốc uống: Có thể dùng: Griséofulvine (chỉ có tác dụng trên nấm sợi tơ), Nizoral, Lamisil,... (có tác dụng trên cả hai loại nấm). Nhưng phải có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Ðể phòng ngừa tái phát, nếu có thể nên thay đổi việc làm hoặc mang bao tay khi làm việc để tránh móng bị ướt.
Tóm lại, nấm móng là một bệnh tuy không nguy hiểm nhưng làm mất vệ sinh, thẩm mỹ và rất khó điều trị. Vì vậy cần phải điều trị sớm và đúng phương pháp.