Đoán bệnh qua da
Làn da bạn vốn bình thường bỗng chuyển sang màu đỏ, đó là do hàm lượng hồng cầu tăng cao, thường là biểu hiện của bệnh tim, gan và đường ruột... Còn nếu da chuyển màu xanh lam, có thể bạn đã bị bệnh tim và phổi.
Da có vai trò quan trọng trong việc bài tiết, điều hòa thân nhiệt và hô hấp. Đây cũng là nơi biểu hiện sớm sự thay đổi của các cơ quan khác trong cơ thể. Vì vậy, chỉ qua quan sát da, ta có thể nhận biết một số bệnh tật.
Quan sát màu sắc da
- Da trắng bệch, răng tê, môi, miệng và niêm mạc cũng trắng bệch: Thường là do thiếu máu.
- Da trở nên đen thô: Thường là dấu hiệu của ung thư dạ dày (một chất của tế bào ung thư tiết ra gây đen da) hoặc của bệnh tiểu đường (những biến đổi bất thường của tuyến yên gây đen da).
- Trên da có các mảng màu trắng, to nhỏ không đều, hình dạng không giống nhau, có ranh giới rõ ràng: Thường là biểu hiện của bệnh bạch biến. Bệnh bắt đầu ở những chỗ dễ bị cọ xát và bị ánh sáng chiếu vào như mặt, cổ, lưng, bụng, mặt tay trước, mu bàn tay, ngón tay.
- Da vàng, lòng trắng mắt cũng bị vàng: Do viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật.
Quan sát các nốt trên da
- Các nốt bầm tím: Có thể là dấu hiệu bệnh giảm tiểu cầu.
- Những hình nốt ruồi con nhện: Thường thấy ở bệnh xơ gan. Nốt ruồi con nhện đường kính 0,2-2 cm, có một chấm nhỏ ở giữa, xung quanh chiếu ra nhiều sợi dây màu đỏ; khi dùng vật cứng ấn vào thì mạng nhện mất ngay.
- Các nốt ruồi đột nhiên to lên, ngứa và sưng đỏ, đau, bên cạnh có các nốt ruồi vệ tinh nhỏ hơn: Tín hiệu của bệnh u ác tính.
BS Việt Dũng, Khoa Học & Đời Sống