RỤNG TÓC, RỤNG LÔNG
(Pelade décalvante)
Bác Sĩ Bùi Văn Thọ
Đã từ ngàn năm xưa, mái tóc luôn luôn tượng trưng cho những gì đẹp, cao quý, duyên dáng, đóng một vai trò không kém phần quan trọng qua cách ăn vận, chải chuốt bên ngoài hẳn sẽ tăng thêm phần nào trang nhã. Riêng đối với giới nữ, mái tóc còn là một lợi khí bén nhọn, nhậy cảm chiếm hầu hết trên mọi địa hạt từ cách giao thiệp cho đến mọi ngành nghệ thuật. Nhìn qua mái tóc chấm ngang vai của người thiếu nữ, phất phơ trước gió,
"...đẹp như lụa là, êm ả như bể lặng, đen như suối huyền..."
là cả một nguồn cảm hứng cho các văn, thi, nghệ sĩ, đã chẳng ngần ngại làm thành thơ, kết thành bài, nắn nên điệu đàn, kết thành khúc nhạc, hát lên những bài ca đầy trữ tình muôn thuở. Qua các ca dao, các thành ngữ, chúng ta đã được thả hồn mặc cho dòng thời gian lôi cuốn vào những cảnh mộng mơ, với những lời thơ
"Tóc thề đã chấm ngang vai,
nào lời non nước, nào lời sắt son..."
Tả sao hết được ý như... "Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu
da..." Ta đã được thưởng thức qua những khúc ca: "Tóc em
đẹp như mây chiều, thơm như loài hoa dại, Anh mơ được ngồi bên em,
được vuốt tóc em, và được hôn lên mái tóc em". Thật vậy, tóc
đâu phải là vật vô tri, mà cả một tâm hồn sống động, một hình ảnh
quyến rũ, gắn liền với con người. Tóc còn là cả một sức mạnh vô
song như nhân vật trong truyền thuyết, "Samson..., có một sức mạnh
hercules vô thường nhờ mái tóc huyền bí... và Dalila, nắm được nhược
điểm của Samson, người nữ diễm kiều đã trộm gọt hết mái tóc của
Samson đang giấc ngủ. Khi tỉnh dậy, thì đã muộn, sức mạnh phi thường
của Samson đã biến mất, nhưng sau đó..." Tóc còn là tượng trưng
cho một báu vật của con người. Có những tâm hồn cao cả dâng trọn mái
tóc để theo một lý tưởng đạo đức cao siêu của các vị tu hành, sống
đời ẩn dật tâm niệm ngày đêm. Qua Phúc Âm, có đoạn nói: "Thánh
nữ Madelena lấy mái tóc của mình để chùi chân Chúa..." Thánh
kinh cũng có đoạn nói: "Một sợi tóc trên đầu con rụng xuống,
là do thánh ý ta..."
Mái tóc dài vẫn là truyền thống còn lại ở một vài quốc gia Âu Châu làm tước hiệu
dành riêng cho các bậc vua chúa, quý tộc, công hầu bá tước, vì vậy mỗi lần nghi
lễ trọng đại, họ vẫn thường mang bộ tóc giả (perruque). Tóc còn là tiêu
biểu cho những gì đau thương, tang tóc, khi ta thấy người phụ nữ
"đầu tang tóc rối", tóc xõa mắt nhòa, còn thường thấy ở xứ ta.
Nhưng xã hội ngày nay qua nhiều biến chuyển, mái tóc cũng theo thế
hệ mà đổi theo đà sống văn minh cho hợp thời trang. Đâu còn những
mái tóc chấm gót, hình ảnh đó nay đã nhường lại cho lối tóc hớt thật
cao (coiffure garçonne) như các chàng trai trẻ. Vai trò giới nữ tân
tiến ngày nay đã thay ngôi vị, lôi cuốn họ vào một đợt sống mới.
Tóc còn là phản ảnh những gì bất mãn, những thái độ chống đối. Có
những thành phần giới trẻ họp từng nhóm, kết thành đảng, phát biểu
công phẫn qua xã hội ngày nay bằng cách "xuống tóc", cạo gọt đầu
nhẵn trụi "skinheads", một hiện tượng mới lạ của thế hệ hiện đại,
hay để lại chùm tóc đường giữa sọ như bờm ngựa, tô điểm thêm son,
sơn trắng nhuộm vàng, đốm xanh đốm đỏ muôn màu gọi là "punks", hoặc
tóc chải theo lối bờm xờm như bàn chải ngựa (cheveux en bataille),
hoặc hớt như bàn chải rễ dừa (brosse carrée), hoặc mặc cho "tóc xờm
như ổ quạ". Một số lớn tài tử tên tuổi quốc tế, nghệ sĩ danh
tiếng, cũng chen đua "xuống tóc" đầu nhẵn trụi nom rất ngộ nghĩnh
ban đầu, nhưng thét rồi cũng quen, mốt (mode) mới, là thời trang
hiện đại rất được quần chúng ngưỡng mộ. Tóc còn nói lên những
gì bệnh hoạn, là dấu hiệu của yếu đuối: "tóc xanh nanh vàng, tóc
rối, tóc sâu, tóc không hồn..." Chung quy, mái tóc, tùy lối
trang phục, cách chải chuốt, đường ngôi ngang dọc, thêm cánh hoa cài
lên mái tóc, đủ làm thay đổi nét mặt và diện mạo của người phụ nữ,
sẽ gia tăng bội phần xinh đẹp, và kiều diễm của một cô gái. Chẳng
may cho một thiếu nữ mất trụi cả mái tóc, thì thật là điều bất hạnh,
một hình phạt quá khắt khe giáng xuống cho đời người con gái đang
tuổi xuân thì.
Hỏi: Tóc rụng (alopecies), lông rụng, phải chăng là bệnh? Đáp:
Thưa đúng vậy.
Hỏi: Tóc là gì, quan hệ với cơ thể là thế nào?
Đáp:
A) Lý thuyết Tây phương:
Trên đầu ta trung bình, có chừng một trăm ngàn đến một trăm năm chục ngàn sợi tóc, rậm hay thưa tùy thuộc qua nhiều yếu tố, nam hay nữ, di truyền, bệnh tật, môi sinh, địa thế, thời khí... Cũng như vạn vật, sợi tóc có sanh, có trưởng, và có tử, cũng được nuôi dưỡng như mọi phần cơ thể khác. Trung bình sợi tóc sống được từ 3 đến 5 năm; có khi hơn và trải qua ba giai đoạn: thời kỳ sinh trưởng (anagène) là thời kỳ mà sợi tóc đạt đến mức độ vượng nhất, chiếm đến tỉ lệ từ 80% đến 85% trên toàn bộ tóc. Thời kỳ chuyển tiếp (catagène), 1% sợi tóc ngưng hoạt động độ chừng 3 tuần lễ trước khi rụng. Thời kỳ cuối (télogène) 20%, chân tóc và rễ tóc khô héo, chỉ chờ ngày rụng. Ta thường thấy "trăm ngày" sau khi sanh đẻ, số tóc rụng gia tăng đến 30%. Số tóc rụng trung bình mỗi ngày từ 50 đến 100 sợi và sẽ được thay thế ngay bằng số tóc tương đương. Sức dẻo dai của tóc rất đáng kể, chừng một trăm ngàn sợi tóc có thể chịu đựng được sức nặng năm trăm kilogrammes.
B) Quan niệm Đông phương:
Tóc là do thận sinh ra. Tinh hoa của thận được biểu hiện ở tóc. Tinh hoa của phổi được biểu hiệu ở lông. Tóc sanh trưởng được là nhờ có sự nuôi dưỡng của Dương minh, như thức ăn chánh. Dương minh được dồi dào, thì tóc được rậm rạp, sum sê, dài ra. Chẳng may kém, thì tóc sẽ thưa dần, và mọc ít đi. Tóc còn được tồn tại trên da đầu cũng nhờ đến thận khí giữ gìn chăm bón. Thận mang lại cho tóc những gì tinh nhuệ. Khi đến tuổi già nua, thận kém, khí suy, tóc sẽ thưa dần, khô héo và màu sắc cũng thay đổi mà ta thường nói: "Tóc hoa râm (tóc muối tiêu), tóc bạc". Tóc có được mượt mà, tươi nhuận, óng ánh là nhờ đến phế khí. Vì vậy phổi yếu kèm thì làn da, mái tóc mất sắc, da nhăn nheo, tóc phờ phạc, khô héo và quắt lại. (Trường hợp lao tâm, sầu não, buồn phiều dai dẳng không giải quyết được). Cho thấy mỗi sợi tóc trên đầu đều được nuôi dưỡng với sự phối hợp nhịp nhàng đều đặn của bao nhiêu thành phần vừa nói trên, như các đường kinh lạc và khí huyết qua lại chằng chịt trên đầu.
Yếu tố nào làm rụng tóc?
A) Yếu tố bên ngoài (ngoại nhân)
Ta nhận thấy tóc rụng vào mùa thu nhiều hơn, và vào mùa xuân, tóc lại mọc nhiều hơn. Tóc thường rụng sau thời kỳ sanh đẻ, ta thường nói sau "trăm ngày", thời kỳ sẩy thai, phá thai, các bệnh nhiễm trùng, thương hàn, màng óc, bệnh giang mai... sau cuộc giải phẫn, trị liệu cho ốm người (cures d'amaigrissement) quá nhanh, thuốc trị liệu ung thư... và một số rất nhiều loại thuốc được ghi là độc dược thường làm cho rụng tóc.
Bệnh tóc rụng còn có rất nhiều nguyên nhân, do bệnh hoạn, do tăng tiết bã nhờn (alphaiécies séborrhéiques), hay do kích thích tố nam.
B) Yếu tố bên trong (nội nhân):
Nội Kinh, đã hơn bốn ngàn năm nay, có nói rõ: tình chí con người, có mối quan hệ mật thiết với môi sinh, như vui buồn, giận dữ, suy tư, lo âu, sợ hãi, nếu quá độ, sẽ ảnh hưởng đến cơ thể bên trong, do đó gây nên bệnh hoạn, và đến thời kỳ nặng sẽ gây nên tóc rụng, lông rụng:
"Quá độ bi ai, buồn rầu sẽ ảnh hưởng tới tâm hồn, mà phát cuồng điên, gân mạch co quắp... thời kỳ nặng, làm cho tóc rụng, lông rụng, sắc da khô héo...
Sợ hãi quá mức sẽ làm tổn thương đến tinh thần..., mà hậu quả là các bắp thịt bị teo..., lông, tóc đều rụng, da bì khô héo...
Buồn bã quá độ, thời gian kéo dài dai dẳng, sẽ chạm tới tỳ, làm cho trong tâm ngực buồn rầu phiền loạn, tứ chi không sức cử động,... lông tóc rụng, sắc da khô héo...
Vui mừng quá độ, không kềm hãm được làm tổn thương đến phổi, dẫn đến điên cuồng, mất cả ý thức... lông và tóc rụng, sắc da mất tươi nhuận...
Tức giận quá độ không kiềm chế được, làm cho trí nhớ giảm sút... thời kỳ nặng sẽ làm cho lông, tóc rụng, sắc da hết tươi nhuận, và sẽ chết vào Quý hạ (cuối mùa hè)."
Nội Kinh còn nói rằng: "Hãy giữ cho được tinh thần yên tịnh bền vững bên trong, thì không bệnh tật nào đe dọa cả...
... Khi tinh thần được vững chắc thì chẳng sợ gì chết non." Đó là nền tảng của thuật dưỡng sinh.
Nói một cách cụ thể, muốn cho tóc ngưng rụng bất thường, ấy là giữ gìn tình chí được vững chắc bên trong. Tình chí bên trong được kiên cố, thì chẳng tóc, lông nào còn rụng bừa bãi. Tóc, và da bì bên ngoài được vững bền, để che chở cơ thể bên trong lại được hữu hiệu hơn, mà khỏi sợ nắng mưa xâm nhập. Đấy là bí quyết của Đông y chúng ta, nó vô cùng tế nhị, ý nghĩa thật là sâu sắc.
Rụng tóc, và lông mang nhiều hình dạng khác nhau:
Giai đoạn khởi đầu, tóc bắt đầu hói ở vùng trước trán như các vịnh biển (golfe) chiếm dần vào mặt đất, song song là nơi địa điểm xoáy tóc, làm thành khoanh tròn như tôn lễ gọt tóc đỉnh đầu (tonsure). Cứ như thế tóc rụng tiếp tục lan dần ra đường ngôi giữa và chiếm từ trước trán ra sau đến quá đỉnh đầu (vertex), để lại phần tóc vòng quanh hai bên vùng thái dương và xương chẩm, sau đó một thời gian mái tóc còn lại vẽ thành hình như một vành tóc tròn cuốn quanh sọ đầu (couronne).
Những trường hợp nặng, lông mày, lông nheo, lông nách, lông ở bộ phận sinh dục, lông bì da khắp châu thân đều bị nhẵn trụi.
Trị bệnh rụng tóc thế nào?
A) Phương pháp Tây phương:
1) Nên chọn lựa loại thuốc gội đầu, có loại mạnh, nhẹ (Shampooing) tùy thuộc với da đầu. Cẩn thận khi xấy tóc, uốn tóc, hay làm cho tóc giãn thẳng, cũng như nhiều loại thuốc nhuộm tóc khác nhau, để tránh các dị ứng.
2) Âu dược như: B5, B, Cystine, Méthionine.. nhau (placenta)...
3) Corticoides
4) Psoralènes
5) Loại mới đây: Minoxidil dùng ngoài da, tình cờ tìm được trong khi chữa bệnh áp huyết cao.
6) Loại mới nhất: Finastéride dùng để uống, nhưng chưa được phổ biến rộng lớn.
7) Giải pháp cùng kế: Kỹ thuật giải phẫu ngày nay tiến rất xa đã mang lại nhiều kết quả v.v...
B) Chữa trị theo Đông phương:
Phải chẩn bệnh và tìm cho được nguyên nhân, bằng không chỉ là kết quả nhất thời mà thôi. Tìm hiểu căn nguyên của bệnh hầu áp dụng phương pháp trị liệu cho được thích ứng, như đã nêu trên, có được như vậy thì kết quả mang lại mới được lâu bền. Công việc chữa trị sẽ lâu dài.
Sau đây là ảnh của hai nữ bệnh nhân, tượng trưng cho một số đáng kể trong giới trẻ ngày nay, mà tôi được dịp chữa trị sau một thời gian, đã cho hái được kết quả khích lệ. Cả hai nữ thân chủ đều cho hay, trước đấy đã được điều trị theo lối Tây phương thuần túy thế nhưng không mang lại những gì mong muốn.
Kết luận
Bên Tây phương, rụng tóc, rụng lông được xếp vào một chuyên khoa, bệnh ngoài da, đieu trị với lối chữa tối tân qua những máy móc cực kỳ tinh xảo đã mang lại nhiều kết quả. Tuy nhiên bệnh tình tái phát không phải là ít. Lý do thời đại ngày nay, giới trẻ đa số là nạn nhân, hầu hết là nam giới, bắt đầu tuổi mới hai mươi tóc đã thưa dần. Theo báo chí hiện nay cho biết, tỉ lệ chiếm tới 30% vào lừa tuổi ba mươi, tóc rụng nhiều, và cứ một trên hai người, tuổi từ năm mươi trở lên bị mắc phải. Số người rụng tóc ngày càng nhiều, có đến sáu người trên mười than phiền vì chứng này. Trong mọi trường hợp, chứng rụng tóc đã ảnh hưởng đến nhiều về mặt nội tâm, và tự mang một mặc cảm trên nhiều địa hạt, qua sự giao thiệp ngoài xã hội cũng như mối liên lạc về cá nhân. Nói chung, chứng rụng tóc, một bệnh của thời đại, mà trong đó tình chí con người, dầu muốn dầu không, đã bị sa vào lưới nhện của xã hội ngày nay, như thể vòng xoáy ốc của một nhịp sống ganh đua không ngừng đầy gay go, tâm thần luôn luôn căng thẳng mà khó tìm thấy được một lối thoát... đủ chứng minh rằng, một sợi tóc trên đầu không đáng chi, một sợi lông phủ trên thân người không nghĩa gì, nhưng dầu nhỏ đến đâu, đều mang một sự sống, có liên hệ mật thiết với mọi cơ thể bên trong. Trong ngoài đều mang một vai trò quan trọng như nhau. Trong được mạnh, ngoài mới được phát triển, ngoài che chở hữu hiệu, trong mới được tăng suất vững bền. Đó là luật âm dương, quy luật chung của tạo hóa, chính là bí quyết của ngành Đông y vậy. Nếu chữa trị theo quy định của thiên nhiên, lý luận tuần tự, không vội vã, áp dụng theo đường lối thích đáng, tương xứng, thì bao giờ cũng mang lại cho ta không nhiều thì ít những kết quả mong muốn.