Những dấu ấn thai kỳ trên da

Tác giả : BS. NGUYỄN VĂN HƯNG

Những lần mang thai trong đời người phụ nữ sẽ làm thay đổi không những về vóc dáng, mà còn để lại những dấu ấn trên da, như sự thay đổi về màu sắc của da hoặc vết rạn nứt trên da, khiến nhiều người mang tâm lý mặc cảm và phải mất khá nhiều công sức, tiền bạc để điều trị. Hiện tại, chưa có một phương pháp điều trị nào tỏ ra hiệu quả. Qua bài báo này, xin giới thiệu cùng các bà mẹ tương lai một số cách dự phòng, giúp khắc phục được làn da đẹp như trước khi có thai.

NHỮNG THAY ÐỔI VỀ MÀU SẮC DA

Da trở nên sậm màu (tăng sắc tố da), thường quan sát thấy trong quá trình mang thai. Nguyên nhân sự thay đổi này là do tác động của nội tiết tố estrogene hoặc progesterone trên những tế bào sắc tố da. Sự thay đổi màu sắc da xuất hiện đầu tiên ở đường giữa bụng, cũng có thể thấy ở quầng vú hay núm vú, rốn, nách hoặc đùi.

Chứng nám da xảy ra ở khoảng 50% các trường hợp. Ðó là những mảng tăng sắc tố da (da trở nên sậm màu) không đồng nhất, bờ không đều ở mặt. Ở những phụ nữ da sáng và tiếp xúc nhiều với ánh nắng thì bị nhiều hơn. Cũng như những rối loạn màu sắc da khác, nám da có thể giảm dần vài tháng sau khi sinh, nhưng đôi khi nó cũng tồn tại vĩnh viễn. Ðây cũng là những thay đổi làm ảnh hưởng đến sắc đẹp của người phụ nữ, vì thế có nhiều phương pháp điều trị đã được đề nghị (tẩy nám hay sử dụng tia laser) nhưng chỉ đạt hiệu quả tương đối. Cách dự phòng hiệu quả nhất vẫn là tránh ánh nắng mặt trời.

NHỮNG VẾT RẠN NỨT DA

Những vết rạn nứt da xuất hiện ở 60-80% các phụ nữ mang thai. Xuất hiện thường nhất ở bụng, vú, háng hay mông. Ðó là những vết rạn nứt da có màu đỏ hay đỏ tím, sau đó chuyển sang màu trắng với hiện tượng teo da và lõm. Những loại kem bôi chống rạn nứt da hiện nay vẫn chưa tỏ ra hiệu quả trong việc dự phòng cũng như điều trị. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu cho thấy, việc bôi những loại kem giàu vitamin A trong nhiều tuần dường như có khả năng cải thiện những vết rạn nứt da, với điều kiện phải bôi trước khi hiện tượng teo da xảy ra. Tuy nhiên phải thận trọng khi sử dụng vitamin A trong thai kỳ vì có thể ảnh hưởng đến thai. Ngoài ra cũng có thể bôi các loại kem dạng mỡ vào những vùng da có nguy cơ để phòng ngừa.

NHỮNG BIẾN ÐỔI CỦA MẠCH MÁU

Dấu sao mạch xuất hiện ở khoảng 50% các phụ nữ mang thai, vị trí thường ở mặt, cổ; Ngoài ra cũng có thể thấy ở ngực, bàn tay, hai tay hay chân. Có thể biến mất sau khi sinh và xuất hiện trở lại ở những lần mang thai sau hoặc khi sử dụng thuốc ngừa thai dạng uống. Ðiều trị bằng tia laser hay đốt điện.

Giãn tĩnh mạch hai chân hay giãn mao mạch, quan sát thấy ở 30-50% phụ nữ mang thai.

Phù và chấm xuất huyết dưới da ở hai chân có thể xuất hiện vào cuối thai kỳ.

NHỮNG BIỂU HIỆN KHÁC

Viêm lợi và chảy máu lợi cũng thường gặp ở đầu thai kỳ, nếu vệ sinh răng miệng kém có thể sẽ bị nặng hơn.

Rụng tóc có thể xảy ra sau khi sinh 4 hay 5 tháng, không cần điều trị vì tóc sẽ mọc lại hoàn toàn.

Những thay đổi ở móng: Có những đường ngang ở móng, hiện tượng bong móng hay tăng sừng dưới móng.

NHỮNG BỆNH DA ÐẶC BIỆT XUẤT HIỆN TRONG THAI KỲ

Bệnh Pemphigus thai kỳ, đó là những bệnh da có bóng nước, là một bệnh tự miễn xuất hiện vào ba tháng giữa hay ba tháng cuối thai kỳ. Lúc đầu ngứa dữ dội, sau đó hình thành những mảng cứng đỏ, thường ở quanh rốn rồi xuất hiện bóng nước. Chẩn đoán chắc chắn dựa trên mẫu sinh thiết. Bệnh sẽ tự thuyên giảm sau khi sinh vài tuần. Ảnh hưởng của bệnh đối với thai vẫn còn đang được bàn cãi, nhưng có thể làm tăng nguy cơ sinh non hoặc suy dinh dưỡng trong tử cung.

Viêm da sần đỏ, bắt đầu xuất hiện ở ba tháng cuối thai kỳ, biểu hiện lâm sàng là ngứa, kết hợp với sang thương mề đay sần ở bụng. Bệnh lui nhanh sau khi sinh và không ảnh hưởng tới thai.

Chốc lở dạng herpes được đặc trưng bởi hiện tượng phát ban mảng đỏ có mụn mủ trên bề mặt. Những sang thương xuất hiện chủ yếu ở bụng và các nếp nhăn, được xem như một dạng vẩy nến mủ xuất hiện trong quá trình mang thai. Ðối với mẹ, có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc; Ðối với thai có thể gây thai chết lưu, sinh non hay dị tật bẩm sinh. Bệnh sẽ hết sau khi sinh.

 

 

THƯ MỤC DA LIỄU

Bệnh da liễu
Da liễu - Bệnh của tóc
Da liễu - Bệnh dị ứng
Da liễu - Bệnh ngoài da
Da liễu - Chăm sóc da
Da liễu - Các vấn đề về da
Da liễu - Mụn

 

THƯ MỤC Y HỌC PHỔ THÔNG

Bệnh da liễu
Bệnh hệ huyết học
Bệnh hệ hô hấp
Bệnh hệ tim mach
Bệnh hệ tiêu hóa
Bệnh hệ tiết niệu
Bệnh ngoại khoa
Bệnh nhãn khoa
Bệnh nội tiết
Bệnh tai mũi họng
Bệnh thường gặp
Bệnh thần kinh
Bệnh truyền nhiễm và ký sinh
Bệnh tâm thần
Bệnh ung bướu
Da liễu - Bệnh của tóc
Da liễu - Bệnh dị ứng
Da liễu - Bệnh ngoài da
Da liễu - Chăm sóc da
Da liễu - Các vấn đề về da
Da liễu - Mụn
Hệ cơ xương khớp - Bệnh cơ và tập luyện
Hệ cơ xương khớp - Bệnh khớp và gout
Hệ cơ xương khớp - Bệnh xương và cột sống
Pháp y
Phương tiện chẩn doán
Sức khỏe du lịch
Sức khỏe sinh sản
Thẩm mỹ