Nội sinh của da
Tác giả : TS. BS. NGUYỄN TRÍ DŨNG (Trường Ðại học Y Dược TPHCM)
DA LÀ GÌ?
Theo Ham?s Histology, quyển sách chuẩn mực của chuyên ngành mô, mở đầu bài Da, tác giả viết: "Ðiều mà các sinh viên y khoa hay nhầm lẫn là hiểu về da như chỉ là biểu bì, trong khi da còn có bì". Trong thực tế, việc "điều trị" da, các hành động "đối xử" với da đã thể hiện sự hiểu biết nhầm lẫn về da như thế, và "tẩy trắng da" là một thí dụ.
Thực ra, da gồm có biểu bì phủ bên ngoài và bì ở bên ngay dưới biểu bì. Biểu bì có nguồn gốc phôi thai học là ngoại bì, bản chất là biểu mô (1 trong 5 loại mô cơ bản tạo nên cơ thể người bao gồm: biểu mô, mô liên kết, mô cơ, mô máu và mô thần kinh). Bì có nguồn gốc phôi thai học là trung bì, có bản chất là mô liên kết.
DA CÓ CẤU TẠO NHƯ THẾ NÀO?
Biểu bì: được phân chia thành 5 lớp tế bào từ dưới lên trên là: (1) Lớp tế bào đáy (còn gọi là lớp sinh sản), bao gồm một hàng tế bào vuông hay trụ đơn; trong lớp sinh sản có các tế bào sắc tố, bên trong bào tương có rất nhiều hạt bọc chứa melanin. Việc điều hòa và chế tiết melanin của các tế bào sắc tố phụ thuộc trước hết vào yếu tố di truyền và các yếu tố môi trường, nội tiết, thần kinh. (2) Lớp Malpighi (còn gọi là lớp gai), bao gồm nhiều hàng tế bào đa diện, liên kết nhau bằng hình thức "khớp mộng" cho hình ảnh các "gai" dưới kính hiển vi quang học ở độ phóng đại lớn, đây là những tế bào trưởng thành của biểu bì. (3) Lớp hạt bao gồm vài hàng tế bào mà bên trong bào tương có nhiều hạt keratohyalin tiền sừng, thể hiện hình ảnh đã có sự thoái triển của các tế bào biểu mô. (4) Lớp bóng chỉ có ở da dày lòng bàn tay, lòng bàn chân, có vân, không có lông và tuyến bã) thể hiện các tế bào biểu mô đã chết. (5) Lớp sừng, không còn cấu trúc tế bào, có bản chất là mô chết đã được sừng hóa (lớp sừng còn được phân ra lớp phụ là lớp bong vảy thể hiện sự bong tróc có tính chu kỳ của biểu bì).
Bì: được chia ra làm: (1) chân bì (bao gồm lớp nhú và lớp lưới) và, (2) hạ bì (còn gọi là lớp mỡ dưới da). Bì chứa mô liên kết, nhiều mạch máu, thần kinh... đảm bảo cho da sống và thực hiện các chức năng của mình.
ÐẶC ÐIỂM MÔ HỌC CỦA DA
Vì mang bản chất biểu mô nên biểu bì có các đặc điểm mô học của biểu mô đó là:
- Có tính phân cực: Thể hiện ở trong mỗi tế bào và ở trong chỉnh thể nhiều tế bào. Ở tế bào, tính phân cực thể hiện ở mỗi tế bào đều có mặt đỉnh, mặt bên và mặt đáy với những đặc điểm riêng giúp chúng ta có thể nhận ra chúng dưới kính hiển vi quang học. Có thể nói, qua kính hiển vi có thể xác định tế bào biểu mô. Ở chỉnh thể nhiều tế bào (cả biểu bì), tính phân cực của biểu mô thể hiện ở sự sắp xếp có hướng ngoài-trong và sự trưởng thành, sinh sản của các lớp tế bào cũng diễn ra theo một hướng qui định. "Tẩy trắng da" là can thiệp đến qui luật tự nhiên này.
- Tính sinh sản thay thế mạnh: Thể hiện ở chỗ lớp tế bào đáy (tế bào sinh sản) phân bào, cho ra các tế bào mới thay thế lớp tế bào ở phía trên bị thoái triển dần đi, hình thành các lớp của biểu bì. Hầu hết đời sống của các tế bào trong cơ thể người đều có hạn, biểu bì cũng vậy, phải chết đi và được thay thế. Ðời sống có hạn này kéo dài bình thường hay bị rút ngắn là tùy thuộc vào điều kiện môi trường sống và sự can thiệp của chúng ta. Thí dụ: bạch cầu có đời sống trung bình trong máu ngoại vi là 5 ngày ở điều kiện bình thường, sau thực bào bạch cầu chỉ sống khoảng 2-3 ngày; Ðiều này giải thích sự sinh mủ sau nhiễm trùng. Tinh trùng trong đường sinh dục nam sống khoảng 3 ngày, trong đường sinh dục nữ sống khoảng 1 ngày; điều này giải thích cơ sở ứng dụng của việc thắt ống dẫn tinh và phương pháp ngừa thai tự nhiên. Với biểu bì, đời sống trung bình trong điều kiện bình thường là 3 tuần lễ, nghĩa là sau thời gian này da sẽ có một lớp biểu bì mới. Trong điều kiện bất thường, sự thay thế biểu bì diễn ra nhanh hơn và không hoàn chỉnh. "Tẩy trắng da" là can thiệp rút ngắn đời sống của da, làm tổn thương biểu bì dẫn đến sự lành thương biểu bì trong điều kiện bất thường.
- Không có mạch máu: Biểu bì, biểu mô nói chung được nuôi dưỡng nhờ sự thẩm thấu chất sinh dưỡng từ mô liên kết kế cận. Sự sống, sự biểu hiện của biểu bì tùy thuộc vào tình trạng của mô liên kết bên dưới (bì). Các bệnh lý của da có liên quan đến tổn thương của biểu bì và bì. Dưới kính hiển vi, những trường hợp biểu bì teo đét, mỏng thường đi đôi với xơ hóa, thiểu mạch dưới của bì ở người có bệnh da.
Vì mang bản chất mô liên kết nên bì có các đặc điểm mô học của mô liên kết, đó là:
- Có nhiều mạch máu để nuôi bản thân và các mô khác: Ðây chính là cơ sở cho sự dinh dưỡng của biểu bì. Ở da những người có biểu bì bị tổn thương thì bì cũng bị bất thường khi quan sát dưới kính hiển vi quang học. Mặt khác, đây cũng là một yếu tố tạo nên màu sắc của da. Những tình huống lo lắng, căng thẳng, dinh dưỡng kém có liên quan đến tuần hoàn của da sẽ làm người bệnh có một làn da với biểu hiện bên ngoài không bình thường.
- Giữ cho cơ thể có hình dạng nhất định, giữ vai trò trao đổi chất, bảo vệ, tổng hợp các chất có hoạt tính sinh học: Bệnh nhân bị bệnh nội tiết, da bị xơ cứng chính là có liên quan mật thiết với sự xơ cứng của lớp bì. Xem da có thể dự đoán bệnh, tình trạng sức khỏe của con người. Da người cao tuổi có biểu hiện các nốt sắc tố (da đồi mồi), nhăn nheo, lỏng lẻo kém đàn hồi.
- Có khoảng gian bào rộng chứa chất căn bản, và sợi liên kết vùi trong chất gian bào đó là nhiều loại tế bào khác nhau: Chính vì vậy, một số bệnh có triệu chứng là các biểu hiện của da. Với cái nhìn chỉnh thể thì da là biểu hiện bề mặt của mọi hoạt động bên trong cơ thể người.
Màu da người phụ thuộc vào một số yếu tố, trước hết và quan trọng nhất là hàm lượng melanin và caroten, số lượng mạch máu ở chân bì và màu của máu trong các mao mạch đó. Bạch tạng là bệnh di truyền với biểu bì không có melanin, mặc dù số lượng tế bào sắc tố bình thường và trong tế bào sắc tố vẫn có các hạt bọc melanin, nguyên nhân chính là không có hoặc bất hoạt men tyronasinase. Da trắng trong tình huống này là bệnh lý. Tất cả các yếu tố kể trên sẽ không thay đổi được khi thực hiện "tẩy trắng da" bằng các hóa chất, mà ngược lại còn làm hư hỏng cấu trúc, thay đổi các đặc điểm mô học của da.
KẾT LUẬN
Công việc điều trị, chăm sóc da có liên quan đến nhiều chuyên ngành như phẫu thuật thẩm mỹ, thể dục thẩm mỹ, nội khoa, nội tiết, da liễu, dinh dưỡng, Ðông y, gia truyền...
Tất cả các phương pháp điều trị đều có 2 phần: (1) Kỹ thuật điều trị và (2) Cơ sở điều trị. Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu một số vấn đề thuộc cơ sở điều trị, mong bạn đọc xem xét, cân nhắc trước khi có quyết định cụ thể đối với làn da của mình, nhất là không nên "tẩy trắng da" theo cách hiểu biết giới hạn về da.
Muốn có làn da đẹp, không những phải chú ý chăm sóc biểu bì của da mà còn phải quan tâm đến bì, đồng thời chú ý đến tình trạng sức khỏe chung về các mặt tinh thần và thể chất, vì làn da chỉ đẹp ở một cơ thể có sức khỏe tốt.
Chú thích ảnh: Dùng da nhân tạo để ghép cho bệnh nhân bị phỏng.