TÔI ÐI TRỊ MỤN
Xuân Hòa -Mai Dung
*... Bà P. dùng miếng miểng chai sắc nhọn rạch nhẹ trên mặt khách, rồi ấn tay vào chỗ vừa rạch để... nặn mụn
* Ðồ nghề của các "chuyên viên" này có: miểng chai (hoặc dao nhọn), bông gòn, ống hút, "xà beng"... không được sát trùng!
Chiều 25-11-97, chúng tôi tìm đến điểm hút mụn của bà P. ở hẻm 400 đường L.V.S (P.14, Q.3 - TPHCM). Trước chúng tôi đã có 6 người ngồi đợi.
Nặn mụn bằng... miểng chai
Ðến lượt mình, khách hàng được mời ngồi trên chiếc chiếu hoa cũ trải dưới đất, đối diện với bà P. Bằng động tác dứt khoát, bà dùng miếng miểng chai sắc nhọn rạch trên mặt khách. Rạch đến đâu, bà ấn tay vào nặn mụn đến đó. Máu trên mặt người được nặn mụn vọt ra, đỏ bầm. Cùi mụn được bà xem như một "chứng cứ" quan trọng nên bà không ngại ngần gì trét đầy lên tay khách. Khi nghe bà phán tiếng "xong", khách ngồi sang một bên, "tự phục vụ" bằng cách dùng bông gòn để sẵn chấm vào một chai nước trong chùi sạch vết máu trên mặt. Sau đó cũng tự tay bôi lên mặt thứ nước màu trắng đục giống như nước bột gạo hay thạch cao gì đó rồi kiên nhẫn ngồi chờ.
Bắt chuyện với một cô gái vừa mới thực hiện xong các "công đoạn" hút mụn, chúng tôi được biết: Một giờ sau, lớp thuốc bôi sẽ khô mày, tự tróc vảy. Mụn sẽ theo đó mà rơi xuống. Chúng tôi hỏi: "Làm như vậy có hết mụn không?". Cô gái cũng rất chân thật: "Hết mụn này lại nổi mụn khác, nên cứ phải đi hút hoài. Ði riết rồi ghiền". Một cô gái bên cạnh bật cười khi nghe chúng tôi hỏi: "Mặt em láng như vậy, đi hút mụn làm chi?". Cô giải thích: "Ai mà không có mụn!".
Thấy chúng tôi là khách mới, lại có vẻ sốt ruột nhìn đồng hồ hoài, bà P. "ưu tiên" cho chúng tôi bằng một giọng hết sức uy quyền: "Vô ngồi làm đi. Thử một lần cho biết thực tế!". Không dám đưa mặt ra "hy sinh", chúng tôi đành thoái thác: "Thấy máu me đầy mặt, em sợ quá!". Bà P. chẳng hề buông tha: "Không sao đâu. Như kiến cắn thôi". Vẫn không thuyết phục được chúng tôi, bà quay sang "chiêu" khác: "Sợ thì mua thuốc về bôi. Ðây là thuốc gia truyền của gia đình tôi làm để phục vụ vua chúa thời xưa. Xài đồ ngoại không hết đâu". Một chai nước trong rửa mặt độ 20cc giá 20.000 đồng, chai nước đục bôi mụn giá 30.000 đồng.
Hút mụn dạo cũng kiếm ăn được
8 giờ sáng 27-11-97, chúng tôi có mặt tại Bến xe Miền Tây thuộc huyện Bình Chánh. Nghe đồn đãi nơi đây có nhiều người hút mụn dạo, nay mới được chứng kiến: Ba, bốn chị phụ nữ ăn mặc xuề xòa, đầu đội nón lá, tay xách giỏ đồ nghề trị mụn lang thang trong khu vực bến xe, lân la chào mời khách. Thấy một thanh niên đang đứng chờ xe, một người trong nhóm phụ nữ hút mụn dạo mời: "Còn lâu lắm xe mới chạy, mặt cậu mụn nhiều quá, để tôi nặn dùm cho. Tôi nặn kỹ lắm, cậu muốn cho bao nhiêu thì cho, tùy hỷ. Nặn nhanh lắm, chừng 15 phút là xong liền, mặt láng ngay mà". Cậu thanh niên đồng y , thế là chị ngồi xổm xuống, đưa cho khách một cái gương nhỏ để soi mặt, còn chị lấy miếng bông gòn nhỏ xíu thấm nước trong một cái chai bôi lên mặt khách. Sau đó, chị bắt đầu nặn, mụn cồi già thì nặn bằng tay, mụn li ti ở cánh mũi, dưới cằm chỗ trơn khó nặn thì chị dùng "xà beng" (một loại dụng cụ bằng sắt nhỏ, có đầu hở tròn ở phía trên) để nặn. Mặt khách càng lúc càng sưng đỏ, máu từ mụn mủ chảy ra nhiều. Chị lấy bông gòn ra chùi máu, có một miếng bông gòn nhỏ xíu mà chùi hết chỗ này đến chỗ khác. Hơn 15 phút trôi qua, chị nặn xong, anh thanh niên giúi vào tay chị 5.000 đồng, chị cám ơn và biến qua xe khác.
Một buổi sáng ở một bến xe, chúng tôi thấy "nghề " trị mụn dạo rất đắt hàng. "Nghề" mất vệ sinh này hoạt động công khai làm chúng tôi ngạc nhiên. Anh phụ xế tên Thanh cho biết: "Có gì đâu! ở bến xe nào mà chẳng có!".
Con đường... trị mụn
Ðó là đường Tân Hóa thuộc phường 1, quận 11. Hai bên đường, các bảng hiệu trị mụn được treo dày đặc, nào là cô Tám chuyên trị mụn, cho đến cô Năm, Thu Tuyết, Ngọc Mai, Thu Hồng...
Chiều 26-11-97, chúng tôi vào tiệm trị mụn Ngọc Mai ở đường này. Tiệm này chỉ có một gian phòng nhỏ, tối, ngột ngạt. Một tấm phản nhỏ được kê sát góc nhà, bên trên trải một tấm nylon. Khách đến hút mụn nằm dài trên tấm phản, mắt nhắm lim dim, mặc cho các "chuyên viên" làm việc. Ðồ nghề của các "chuyên viên" thật đơn giản: Một nhúm bông gòn được xé nhỏ, vài chai oxy già, nước rửa mặt đựng trong chai, dao nhỏ rạch mụn mủ, "xà beng" cạy mụn. Bên cạnh tấm phản có kê một bếp dầu, lửa đã tắt từ lâu, trên bếp có cái nồi chứa vài ống trúc dùng để hút mụn. Các "chuyên viên" vừa nặn mụn, vừa nói chuyện với khách. Khi máu trên mặt khách chảy nhiều, họ mới dùng miếng bông gòn nhỏ xíu chùi đi chùi lại. Mụn bọc, mụn mủ thì dùng dao rạch rồi nặn. Mụn sâu, mụn cám thì dùng ống trúc hút. Dao rạch mụn, "xà beng", ống trúc, các "chuyên viên" dùng xong không rửa mà tiếp tục sử dụng để nặn mụn người khác.
Chúng tôi hỏi cô Ngọc Mai: "Mỗi ngày khách đến đây trị có đông không?". "Ðông lắm, tụi tui làm từ 7 giờ sáng đến 9 giờ đêm. Có nhiều người mời tụi tui tới nhà làm, nhưng tụi tui từ chối. Làm ở đây không hết khách, còn đi đâu cho mệt".
Chúng tôi hỏi tiếp: "Làm nghề này có phải đóng thuế không? Có được cấp giấy phép chưa?". Chị Ngọc Mai thật tình đáp: "Thuế má gì, còn giấy phép ai mà cấp. Lâu lâu có chiến dịch, mới bị "hốt". Ba cái đồ nghề này rẻ rề, mất thì sắm cái khác, lo gì!". Mới xem trị mụn đã thấy ớn lạnh.
Chi phí cho một lần trị mụn tại đây là 20.000 đồng, có nhiều tiệm sang hơn gắn máy lạnh thì giá nhỉnh hơn một chút.
Xuân Hòa -Mai Dung