Dị ứng sứa biển
Sứa chứa độc tố rất mạnh. |
Nhiều người đi tắm biển vô tình chạm phải sứa biển. Nơi bị sứa bám vào nổi mẩn đỏ, ngứa. Bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ và tử vong.
Sứa biển là động vật không có xương sống, sống ở biển hay những nơi nước mặn. Khi vồ mồi, chúng sử dụng cả chân và râu túm lấy mồi, đồng thời tiết ra độc tố làm cho con vật chết ngay. Nếu sữa vồ phải người hoặc vô tình chạm phải, con người sẽ bị dị ứng.
Ở thể tối cấp, tai biến xảy ra tức thì sau khi độc tố của sứa biển xâm nhập vào máu nạn nhân. Nạn nhân nôn nao, nhức đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở nhanh, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt. Nạn nhân đi vào trạng thái lơ mơ, nhiều khi co giật, có thể hôn mê; cần đưa ngay vào bệnh viện để chống sốc phản vệ.
Ở thể cấp hay bán cấp, sau chừng 15 phút chạm phải sữa, nạn nhân ngứa ở bàn tay, bàn chân, trên da nổi ban đỏ từng vùng, nổi mày đay toàn thân, phù Quineke ở mắt, môi, mặt, thanh quản nên ngạt thở, mạch nhanh, yếu. Tim đập nhanh đều, huyết áp hạ thấp, ho khan, khó thở khò khè. Thanh quản phù gây khó thở. Nạn nhân buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chảy nước mắt, chảy nước mũi, vã mồ hôi. Đây là biểu hiện sốc phản vệ, cần đưa ngay vào bệnh viện chống sốc.
Ở thể nhẹ, nạn nhân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều. Toàn thân chỉ cảm thấy khó chịu, không nên quá lo lắng.
Về điều trị, bệnh nhân dị ứng sữa biển thể tối cấp, cấp và bán cấp cần đến ngay bệnh viện để hồi sức, chống sốc. Với thể nhẹ, dùng thuốc kháng histamin, canxi, vitamin C trong 10 ngày. Nếu nạn nhân bị ngứa nhiều, có thể dùng sirô phenergan hoặc dimedrol. Tại chỗ tổn thương, cần rửa sạch bằng nước ôxy già, không băng kín.
BS. Hoàng Anh, Sức Khỏe & Đời Sống