Lưu ý khi dùng thuốc bôi ngoài da
Thuốc bôi ngoài da có thể gây nguy hiểm. |
Cũng như thuốc uống hoặc tiêm, các dược phẩm bôi ngoài cũng có thể thấm qua da để vào máu và cơ thể. Hầu hết các thuốc bôi đều độc nên không được uống, tra mắt, mũi... Mức ngộ độc càng lớn nếu dùng trên diện rộng và lâu dài một số thuốc chứa thủy ngân, chẳng hạn như thuốc đỏ.
Khi dùng thuốc bôi ngoài da, phải chú ý đến cơ chế tác dụng của nó cũng như phản ứng của cơ thể đối với thuốc. Ngoài ra, thuốc còn phải thích hợp với tính chất và giai đoạn của thương tổn, tùy thuộc vào tuổi tác, vùng da của cơ thể (vùng nhạy cảm nhiều hay ít), tùy theo mùa, thời tiết, tính chất công tác, nghề nghiệp của người bệnh...
Một số vấn đề cần lưu ý khi dùng thuốc bôi ngoài da:
- Đối với các thương tổn còn viêm trợt, chảy nước, chỉ sử dụng các loại thuốc đắp gạc, phun nước, hồ nước...
- Với trẻ nhỏ, do sự nhạy cảm của da mạnh hơn ở người lớn, nên dùng thuốc bôi ngoài với tỷ lệ thấp hơn. Ví dụ: Mỡ lưu huỳnh bôi ghẻ ở người lớn có thể dùng đến 30%, song ở trẻ em chỉ dùng 10%, hoặc không nên dùng ở vùng da mỏng vì dễ bị kích thích.
- Khi bị nấm bẹn (hắc lào), dùng dung dịch idode salicylic 1-2%, nhưng nếu là nấm kẽ chân hoặc các vùng da dày thì có thể dùng tới 3% hoặc cao hơn.
- Đối với các nếp nhăn tự nhiên hay khe kẽ, nên tránh dùng thuốc mỡ vì dễ gây dính, bí hơi, nhất là vào mùa hè nóng bức; chỉ dùng thuốc bôi dạng bột, nước hoặc hồ.
- Trước khi sử dụng một loại thuốc nào, cần thăm dò phản ứng thuốc đối với từng người. Có như vậy mới tránh được các phản ứng nguy hiểm hoặc không làm bệnh nặng thêm.
- Cần bôi thử ở từng vùng nhỏ và theo dõi phản ứng, nếu không thấy có hiện tượng gì lạ xuất hiện như ngứa tăng lên, nổi mẩn... thì mới dùng thuốc bôi rộng toàn vùng tổn thương. Tỷ lệ hoạt chất trong thuốc bôi cũng thay đổi tùy từng cơ thể, vì vậy cần xác định tỷ lệ thích hợp để sử dụng thông qua những chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Cần khám nghiệm cẩn thận trước khi dùng một loại thuốc bôi ngoài da nào đó. Khi sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, phải khám cụ thể, không hỏi qua thư từ (nhất là đối với trẻ em) để đề phòng các phản ứng bất lợi làm bệnh nặng thêm.
- Thận trọng khi dùng các loại thuốc bôi dễ gây nhiễm độc như acid salixylic, acid crisophanic, acid boric, gudron... Không được bôi toàn thân hay dùng dài ngày, không bôi cho trẻ em, phụ nữ đang kỳ thai nghén, nhất là nơi tổn thương rộng lại có trợt loét. Những loại thuốc khác tuy không gây nhiễm độc nhưng cũng không nên dùng kéo dài vì dễ gây lờn thuốc, chỉ nên dùng từ 15-20 ngày rồi thay thuốc khác.
- Luôn phải lưu ý đến sự tương kỵ giữa các thuốc. Ví dụ, thuốc có chứa thủy ngân như oxid vàng, thủy ngân, subline, calomel... tuyệt đối không bôi cùng một chỗ với iod vì có thể xảy ra phản ứng hóa học làm cháy da. Một số thuốc dễ gây tai biến như mỡ crisophanic không bôi vào các vùng da mỏng như bẹn, nách, bìu vì dễ gây viêm da. Không được bôi ở cạnh mắt vì dễ gây viêm kết mạc, không bôi lên đầu vì có thể làm tóc hung đỏ.
BS Hoàng Xuân Đại, Sức Khỏe & Đời Sống