Trị mụn nhọt bằng Đông dược
Chăm sóc vườn thuốc Nam. |
Những người bị nhọt tái phát nhiều lần có thể do cơ địa huyết nhiệt, nên uống thuốc thanh nhiệt, lương huyết theo hướng dẫn của lương y. Nếu sốt cao liên tục và kéo dài, cần kết hợp với Tây y.
Nhọt chủ yếu do tụ cầu gây nên (theo Đông y là do huyết nhiệt và nhiệt độc) gây nên, phổ biến ở mọi lứa tuổi, nhất là ở nơi có điều kiện khí hậu và mức sống chưa cao như Việt Nam. Tây y điều trị chủ yếu bằng kháng sinh trấn áp, thuốc nâng cao thể trạng và điều trị rối loạn chuyển hóa (nếu có); kết hợp với chích tháo khi có điều kiện.
Y học cổ truyền chữa mụn nhọt bằng các phương pháp sau:
1. Giai đoạn mới phát: Tại chỗ nhọt có sưng, nóng, đỏ, đau, toàn thân có thể kèm theo sốt. Thuốc đắp tại chỗ: Lá cúc hoa trắng giã nát với chút ít muối, đắp vào mụn nhọt. Về thuốc uống trong, có thể dùng một trong các bài sau:
- Thổ phục linh 20 g, thương nhĩ tử (quả ké đầu ngựa) 20 g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Kinh giới 8 g, đỗ đen sao 40 g, kim ngân hoa 20 g, cam thảo dây 8 g, ké đầu ngựa 16 g, liên kiều 12 g, lá sen 16 g, sắc uống. Nếu sốt cao, thêm hoàng liên, hoàng cầm, chi tử (quả dành dành) mỗi thứ 12 g. Tiểu tiện ngắn, đỏ thì thêm xa tiền tử 12 g. Táo bón thêm đại hoàng 4 g.
2. Giai đoạn hóa mủ: Tại vùng nhọt, sưng nhức tăng hơn, xuất hiện mủ trắng và chuyển dần thành màu vàng. Một số nhọt có ngòi (là khối mủ và tổ chức hoại tử đặc quánh), thường nằm giữa trung tâm nhọt.
- Thuốc đắp tại chỗ cho phá vỡ mủ: Dọc ráy, lá xoan, muối liều lượng như nhau, đem giã nhỏ, trộn đều, ngày đắp 2 lần.
- Thuốc uống: Kim ngân hoa 20 g, hoàng cầm, liên kiều, tạo giác thích mỗi thứ 12 g, trần bì 6 g, bồ công anh 16 g, bối mẫu 8 g, cam thảo 4 g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liên tục 3 đến 5 thang.
3. Giai đoạn đã vỡ mủ: Bình thường, cần rửa sạch, thay băng cho mọc tổ chức, liền da. Nếu cơ thể suy nhược, mủ không hết, nhọt lâu liền thì uống thêm các vị thuốc bổ khí huyết như bạch truật, đẳng sâm, hoàng kỳ, đương quy...
Dùng cao dán hút mủ và lên da non: Củ ráy dại 100 g, sáp ong 30 g, nghệ già 50 g, nhựa thông 30 g, dầu vừng 500 ml, cóc vàng 1 con đốt tồn tính. Cho dầu vừng, nghệ, ráy đun sôi cho đến khi teo lại, gạn bỏ bã, cho sáp ong vào đun tan; cho bột cóc, nhựa thông quấy đến khi tan đều, lấy một giọt rỏ vào một cái đĩa thấy không loe ra là được. Rửa sạch mụn nhọt bằng nước lá trầu không và kinh giới. Lấy miếng giấy chọc thủng ở giữa và phết cao lên giấy. Ngày dán một lần.
Các nghiên cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội cho thấy, loại cao dán trên có hiệu quả tương tự kháng sinh cephalexin. Cao không gây tác dụng phụ, người bệnh đỡ đau sau 1đến 2 lần dán.
TS Lê Lương Đống, Sức Khỏe & Đời Sống