CHỨNG RỤNG TÓC & BỆNH TIM MẠCH

Tác giả : BS. TRẦN THIỆN TƯ

Nhiều nghiên cứu y học đã cho thấy chứng rụng tóc có liên quan đến sức khỏe. Nghiên cứu đầu tiên được công bố cách đây khoảng 200 năm: Năm 1812, Napoléon đưa 500.000 quân sang đánh nước Nga, khi rút lui chỉ còn 40.000 quân. Bác sĩ phẫu thuật của Napoleon đã nhận thấy những người bị rụng tóc nhiều (sói đầu) thường có nguy cơ bệnh tật và tử vong cao hơn. Ngày nay, người ta ghi nhận rụng tóc có liên quan đến bệnh mạch vành ở tim. Vì vậy việc tìm nguyên nhân và tích cực phòng ngừa rụng tóc có thể giúp hạn chế được bệnh mạch vành và kéo dài tuổi thọ.

MỐI LIÊN QUAN GIỮA RỤNG TÓC VÀ BỆNH TIM MẠCH

Một nghiên cứu gần đây của Lesko trên 665 bệnh nhân bị bệnh tim chưa tử vong và 772 bệnh nhân nhập viện vì bệnh khác, cho thấy tỷ lệ bệnh tim cao ở người bị rụng tóc vùng đỉnh đầu: Nam giới dưới 55 tuổi sói đầu ít thì nguy cơ bị bệnh tim cao hơn người bình thường 30%; Còn người bị sói đầu nhiều có nguy cơ bị bệnh tim cao hơn người bình thường tới 3 lần.

Rụng tóc vùng đỉnh đầu thường xảy ra ở phái nam, do ảnh hưởng của kích thích tố nam có tên là Dihydrotestosterone. Chất này gây rụng tóc ở người dưới 55 tuổi. Trên 55 tuổi, rụng tóc thường không do Dihydrotestosterone và không gây bệnh tim mạch. Chất Dihydrotes-

tosterone còn gây bệnh ở cơ quan khác như tiền liệt tuyến (Prostate). Trevisan và các cộng sự đã nghiên cứu mối liên quan này bằng cách đo cholesterol trong máu và thấy người rụng tóc có lượng cholesterol trong máu cao hơn so với người bình thường. Càng lớn tuổi, tỷ lệ cholesterol cao và rụng tóc càng ít liên quan với nhau. Rụng tóc do cao tuổi không liên quan với sự tăng cholesterol trong máu và không gây bệnh tim.

Dihydrotestosterone là một kích thích tố có nhóm steroid. Tất cả các kích thích tố có nhóm steroid đều được hình thành từ cholesterol. Nói cách khác, nếu không có cholesterol thì không thể có được dihydrotestosterone. Như vậy, cholesterol tăng cao không chỉ làm nghẹt mạch máu tim mà có thể còn làm hẹp các mạch máu cực nhỏ ở da đầu, gây trở ngại cho vi tuần hoàn da đầu, làm rụng tóc và tăng lượng dihydrotestosterone.

CHOLESTEROL VÀ BỆNH TIM MẠCH

Cholesterol cao là nguyên nhân của nhiều bệnh tim mạch. Trong máu, cholesterol kết hợp với một chất protein thành lipoprotein. Có hai loại lipoprotein: loại có tỷ trọng thấp được gọi là LDL (low density lipoprotein) và loại có tỷ trong cao gọi là HDL (high density lipoprotein). HDL là loại cholesterol tốt, mang cholesterol từ mạch máu về gan, ở đó nó được phân hủy thành muối mật và thải ra ngoài. Còn LDL là cholesterol có hại và nguy hiểm, khi được oxy hóa sẽ đọng vào thành mạch máu làm cho mạch máu bị hẹp lại.

Người ta đã nghiên cứu và thấy có mối liên quan giữa cholesterol toàn phần và HDL cholesterol (HDL-c) trong việc gây ra các bệnh về tim mạch. Lượng HDL-c càng nhiều so với cholesterol toàn phần thì nguy cơ bị bệnh tim mạch càng ít. Tỷ số nguy cơ được tính như sau:

Cholesterol toàn phần

= tỷ số nguy cơ

HDL- Cholesterol

Kết quả: tỷ số nguy cơ được đánh giá như sau:

Số Nguy cơ

6 Cao

5 Trên trung bình

4,5 Trung bình

4 Dưới trung bình

3 Thấp

PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ CHOLESTEROL MÁU CAO

1. Tập thể dục, vận động cơ thể

Tập thể dục, nhất là thể dục nhịp điệu sẽ đem lại tác dụng có lợi như:

- Gia tăng HDL, giảm LDL.

- Làm hạ huyết áp, giảm co thắt thành mạch máu.

- Hạn chế được hiện tượng đông máu trong các mạch nhỏ.

Nên tập thể dục, vận động cơ thể từ từ và thường xuyên, vì những người ít vận động cơ thể có thể gặp nguy hiểm khi vận động quá sức.

2. Theo dõi lượng cholesterol trong máu, nhất là LDL-c

Nếu cholesterol cao phải hạn chế ăn mỡ bão hòa có ở động vật. Trái lại, các loại mỡ không bão hòa (unsaturated fats) có thể ngừa được bệnh tim mạch. Phần lớn mỡ không bão hòa có ở cá và thực vật, ngoại trừ một số loại dầu như dầu dừa, dầu ca cao, dầu palm...

Cần hạn chế dùng các thức ăn có nhiều cholesterol như thịt bò và thịt heo. Cá và gà vịt có ít cholesterol hơn.

Ăn nhiều thịt còn gây ra một vấn đề là khi tiêu hóa thịt, cơ thể sẽ tạo ra một chất khác nữa là homocystéine. Chất này làm cho thành mạch máu dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho cholesterol thành lập các tổ chức xơ mỡ làm mạch máu hẹp lại. Người ta nhận thấy lượng homocystéine càng cao, chúng ta sẽ càng dễ bị bệnh mạch vành ở tim, không kể tuổi cao hay thấp, nam hay nữ.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy lượng homocystéine trong máu cao còn đưa đến hẹp động mạch cảnh và có thể gây thiếu máu não hoặc tai biến mạch máu não. Tuy vậy, chất homocystéine cao trong máu có thể điều trị được bằng Folic acide và sinh tố B6. Người ta đã làm hạ được chất homocystéine sau 15 tuần điều trị với 5mg folic acid và 100mg sinh tố B6 mỗi ngày. Dĩ nhiên, cách tốt nhất để tránh homocystéine cao là ăn chay (không ăn thịt) vì ngoài homocystéine ra, trong thịt còn chứa nhiều chất độc khác mà không phải lúc nào cũng có thể điều trị được bằng sinh tố như chất mỡ bão hòa, hoặc quá trình chế biến thịt thành thức ăn có thể phóng thích các gốc tự do có hại. Các gốc tự do này có thể phản ứng với bất cứ cấu trúc nào của cơ thể, đặc biệt là trên thành mạch máu và gây xơ mỡ động mạch. Những bệnh khác có thể do gốc tự do gây ra là tiểu đường, ung thư, đục thủy tinh thể ở mắt (cataracts). Các biểu hiện của tuổi già cũng có thể có do việc phóng thích các gốc tự do.

Các gốc tự do không tự có trong thực phẩm, nhưng nó được sinh ra qua quá trình nấu nướng, nhất là chiên xào.

3. Ngăn chặn cơ chế gây xơ mỡ động mạch

Xơ mỡ động mạch được khởi đầu do chất LDH-c trong máu cao. LDH-c xuyên vào thành mạch máu. Mức độ xuyên thấu này tùy thuộc vào lượng LDH-c trong máu. Thêm vào đó, các yếu tố như hút thuốc lá, tiểu đường, cao huyết áp cũng góp phần đưa LDH-c vào thành mạch máu. Các tế bào trong mạch máu có các gốc oxy tự do, các gốc này tác dụng với LDH-c, làm LDH-c được oxy hóa và sau đó trở thành các gốc mỡ tự do. Các gốc mỡ tự do này lại tác dụng tiếp với LDH-c, oxy hóa LDH-c tạo ra nhiều gốc mỡ tự do khác và chu trình cứ thế tiếp tục, mỡ được tạo ra ngày càng nhiều trên thành mạch máu làm mạch máu bị hẹp lại. Ngoài ra, chất LDH-c bị biến đổi còn có thể ngăn chặn sự sản xuất các chất làm giãn mạch.

Có thể phá vỡ chu trình này bằng cách trung hòa các gốc tự

do, làm cho chúng không oxy hóa được LDH-c. Đây là vai trò của các chất chống oxy hóa như sinh tố E,

Coenzyme Q10, sinh tố C, Boiflavinoide, Beta-carotene.

Sinh tố C là một chất chống oxy hóa gốc tự do, vì vậy dùng thức ăn nhiều sinh tố C sẽ giúp phòng ngừa được tử vong đột ngột ở tuổi trung niên do làm giảm nguy cơ bị ung thư và bệnh tim mạch.

Ngoài ra, một số chất khác như Niacine, Aspirine... và tỏi cũng được dùng để điều trị LDH-c cao và phòng ngừa tai biến về tim mạch.

Đặc biệt, tỏi rất hiệu quả trong việc làm giảm lượng mỡ trong máu, giảm độ nhờn của máu, hạ huyết áp, ngăn chặn sự kết dính tiểu cầu và làm giãn mạch. Do đó, tỏi được xem là thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh xơ mỡ động mạch rất tốt.

Hoạt chất chính trong tỏi là chất allicin. Ở Mỹ, tỏi đã được công ty dược phẩm Kwai sản xuất dưới dạng viên chứa 0,6% allicin. Một nghiên cứu thực hiện trên 42 người có cholesterol trong máu cao, uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên tỏi 300mg. Kết quả cho thấy ngoài việc làm giảm mỡ trong máu, tỏi còn ngăn chặn sự oxy hóa LDH-c, tăng 55% lượng máu đến da, tăng sự nuôi dưỡng da đầu, tóc, lông...

Còn Aspirine có tác dụng ngăn ngừa sự kết dính tiểu cầu, phòng ngừa đông máu gây tắc mạch máu tim.

KẾT LUẬN

Rụng tóc là một trong những triệu chứng báo trước sự suy yếu của cơ thể, đặc biệt là chứng cholesterol máu cao và bệnh tim mạch (Nhất là rụng tóc theo kiểu nhiều kích thích tố nam). Giải phẫu thẩm mỹ có thể cấy tóc, phân phối lại tóc ở da đầu cho đẹp, nhưng bên cạnh vấn đề thẩm mỹ, điều quan trọng là chúng ta phải chú ý đến tình trạng dinh dưỡng tóc của toàn thân và các bệnh nguy hiểm được báo trước qua hiện tượng rụng tóc.

Chú thích ảnh:

- Rụng tóc gây hói đầu.

- Hướng mọc của tóc.

- Nhồi máu cơ tim.  

 

THƯ MỤC DA LIỄU

Bệnh da liễu
Da liễu - Bệnh của tóc
Da liễu - Bệnh dị ứng
Da liễu - Bệnh ngoài da
Da liễu - Chăm sóc da
Da liễu - Các vấn đề về da
Da liễu - Mụn

 

THƯ MỤC Y HỌC PHỔ THÔNG

Bệnh da liễu
Bệnh hệ huyết học
Bệnh hệ hô hấp
Bệnh hệ tim mach
Bệnh hệ tiêu hóa
Bệnh hệ tiết niệu
Bệnh ngoại khoa
Bệnh nhãn khoa
Bệnh nội tiết
Bệnh tai mũi họng
Bệnh thường gặp
Bệnh thần kinh
Bệnh truyền nhiễm và ký sinh
Bệnh tâm thần
Bệnh ung bướu
Da liễu - Bệnh của tóc
Da liễu - Bệnh dị ứng
Da liễu - Bệnh ngoài da
Da liễu - Chăm sóc da
Da liễu - Các vấn đề về da
Da liễu - Mụn
Hệ cơ xương khớp - Bệnh cơ và tập luyện
Hệ cơ xương khớp - Bệnh khớp và gout
Hệ cơ xương khớp - Bệnh xương và cột sống
Pháp y
Phương tiện chẩn doán
Sức khỏe du lịch
Sức khỏe sinh sản
Thẩm mỹ