VIÊM ÂM ĐẠO DO NÂM
BS. HUỲNH HUY HOÀNG
Bệnh viện Da liễu TPHCM
Nhiễm nấm Candida
albicans (C. albicans) là bệnh lý khá phổ biến ở Việt Nam trong số các loại
nhiễm nấm Candida nói chung. Candida albicans thường gặp ở trên da, niêm mạc,
gây bệnh ở móng tay móng chân, miệng, họng, nội tạng; nhưng gặp nhiều nhất ở âm
đạo phái nữ. Trong một cuộc thăm dò tình hình huyết trắng âm đạo của các bệnh
nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu, cho thấy trên 30% phụ nữ bị nhiễm nấm này.
I. Các yếu tố dễ đưa đến
phát triển nấm gây bệnh
1. Do môi trường
Những người làm việc thường
xuyên trong môi trường ẩm ướt như phải dầm mình trong ruộng đồng, ao hồ hoặc mặc
quần bó sát, ít có điều kiện giữ vệ sinh bộ phận sinh dục là môi trường thuận
lợi cho nấm phát triển.
2. Do lây lan từ bên
ngoài
Do quan hệ tình dục với đàn
ông bị nhiễm nấm C. albicans, những người đàn ông bị dư bao qui đầu thường có
nhiều nấm ở bên trong bao qui đầu.
Do khăn lau hoặc đồ dùng bị
nhiễm C. albicans.
3. Do thay đổi độ pH của
âm đạo
Sự thay đổi nội tiết tố
trong cơ thể do dùng thuốc ngừa thai, thời kỳ mang thai ở những tháng sau cùng,
giai đoạn tiền mãn kinh làm pH của âm đạo chuyển sang môi trường toan nhiều hơn,
điều này giúp C. albicans phát triển thuận lợi.
4. Do mất cân bằng vi
khuẩn âm đạo
Bình thường ở âm đạo có
loại vi khuẩn sống trong âm đạo và giúp âm đạo chống lại sự gây bệnh của vi
trùng khác và không cho nấm phát triển gây bệnh. Khi vì lý do nào đó như người
bệnh phải dùng thuốc kháng sinh dài ngày thì chính kháng sinh đó đã tiêu diệt
luôn những vi khuẩn có lợi, nhờ đó C.albicans có điều kiện phát triển.
5. Do bệnh lý
Thường gặp ở người bệnh bị
đái đường, bệnh suy giảm miễn dịch, dùng thuốc corticoide kéo dài.
II. Triệu chứng bệnh
- Ngứa: là triệu chứng thường gặp ở âm đạo,
thường hay ngứa về đêm.
- Huyết trắng: có màu trắng đục, lợn cợn đóng
thành từng cục.
- Khi bộ phận sinh dục bị
sưng đỏ thì sẽ có cảm giác đau rát khi đi tiểu, khi bị đụng chạm nhẹ, mỗi lần
giao hợp rất khó chịu.
Ngoài triệu chứng ở bộ phận
sinh dục, có thể gặp triệu chứng ở vùng khác như góc móng tay, niêm mạc miệng,
họng đi kèm, nhất là người bị suy giảm miễn dịch.
III. Điều trị
- Tại chỗ
+ Đặt vào âm đạo Miconazole
hoặc Clortrimazole 200mg, mỗi ngày, liên tục 3 ngày.
+ Nystatin 100.000UI, đặt
vào âm đạo mỗi ngày trong vòng 7-10 ngày.
- Thuốc uống
+ Sporal 100mg, uống 2 viên
1 lần mỗi ngày, liên tục 3 ngày.
+ Nizoral 200mg, uống 2
viên 1 lần mỗi ngày, liên tục 5 ngày.
Liều dùng thuốc uống ở đàn
bà và đàn ông đều như nhau.
Vừa phối hợp thuốc đặt vào
âm đạo và thuốc uống cho tỷ lệ lành cao hơn ở phụ nữ; Riêng ở đàn ông bôi thuốc
cũng cho tỷ lệ lành cao.
IV. Phòng ngừa
- Không ngâm mình quá lâu ở
dưới nước, sau khi đã ngâm xong cần rửa lại với nước sạch rồi lau khô.
- Hạn chế mặc quần chật
chội bó sát như quần Jean. Sau khi đi vệ sinh xong cần rửa sạch sẽ và lau khô.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ trước
và sau khi quan hệ tình dục, không dùng khăn lau chung, cần điều trị cho người
có quan hệ tình dục.
- Sử dụng thuốc kháng sinh, corticoid, thuốc giảm miễn dịch kéo dài nên đi khám thêm phụ khoa nhất là khi có huyết trắng nhiều.