POND'S VÀ NỖI OAN CỦA MỘT CÔ SINH VIÊN
PTS. BS NGUYỄN VĂN ĐOÀN
Khoa Dị ứng - MDLS Bệnh viện Bạch Mai
Khoảng 9 giờ sáng một ngày chủ nhật của tháng 12 năm 1998. Khi tôi đang chăm chú khám lại mấy bệnh nhân nặng trong bệnh phòng khoa Dị ứng - MDLS Bệnh viện Bạch Mai thì cô y tá vội vã bước tới, mời tôi ra cấp cứu một bệnh nhân đang che kín mặt, mới được người nhà đưa đến. Bệnh nhân là một phụ nữ 48 tuổi, giáo viên một trường đại học ở Hà Nội, mắc một căn bệnh "quái dị", cả đêm qua bệnh nhân đứng ngồi không yên vì mặt mũi sưng húp biến dạng và ngứa ngáy khủng khiếp, mặc dù đã dùng nhiều thứ thuốc nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm. Sau khi hỏi tỉ mỉ bệnh nhân và người nhà đi theo, khám toàn thân và với hiểu biết chuyên môn của mình, tôi nói với bệnh nhân: "Chị đã bị viêm da dị ứng do mỹ phẩm, vì bệnh này thường xảy ra từ 6 đến 12 giờ sau khi dùng, với các triệu chứng điển hình là xuất hiện ban đỏ, nổi nhiều mụn nước và ngứa như móc thịt tại vùng da tiếp xúc với mỹ phẩm". Đôi lông mày của bệnh nhân rúm lại và một tiếng thở dài: "Toàn đồ rởm...". Rồi bệnh nhân kể lại trong nỗi bực dọc: "Có một cô sinh viên đi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh về, biếu tôi một hộp phấn Pond's nhân ngày sinh nhật của tôi. Món quà tuy nhỏ nhưng tôi rất trân trọng. Tối qua, vợ chồng tôi có vé mời xem biểu diễn hòa nhạc tại Nhà hát lớn Thành phố, vì thế tôi mới dùng chút mỹ phẩm cho thêm phần lịch sự, nhưng không ngờ..."
Sau khi được truyền tĩnh mạch một chai dịch Glucose 5% với 2 lọ Methyl prednisilone và tiêm bắp một ống Dimedrol 10mg, bệnh nhân đỡ ngứa và mặt bớt sưng đỏ. Do công việc và hoàn cảnh gia đình, bệnh nhân không thể ở lại bệnh viện, tôi đã kê đơn gồm Celestone và Hismanal cho bệnh nhân về tiếp tục điều trị ngoại trú 5 ngày nữa. Tôi còn giải thích cho bệnh nhân hiểu: "Bất cứ loại mỹ phẩm hoặc thuốc chữa bệnh nào cũng có thể gây dị ứng ở những người có cơ địa dị ứng mạnh như chị! Nếu nó rởm còn đáng sợ hơn! Lần sau, trước khi dùng một loại mỹ phẩm nào đó để tránh dị ứng, chị chỉ cần làm test áp đơn giản như thế này: bôi mỹ phẩm lên trên một miếng gạc hoặc vải sạch diện tích 1 cm2, áp vào mặt da vùng trước trong cẳng tay, phủ lên trên miếng gạc đó một mảnh Polyethy-lene hoặc giấy bóng kính rồi cố định lại bằng hai dải băng dính hình chữ thập, sau 1 ngày nếu ở chỗ thử nghiệm không có mụn nước hoặc sẩn ngứa thì có thể dùng được loại mỹ phẩm đó".
Chắc tôi sẽ quên câu chuyện này nếu sau đó không có một phụ nữ có khuôn mặt khá đẹp đến gặp tôi với giọng nói chân thành: "Cảm ơn bác sĩ và các thầy thuốc không những chữa khỏi bệnh, lại còn dạy cho tôi cách phòng dị ứng mỹ phẩm và điều quan trọng hơn cả là đã minh oan cho cô sinh viên đáng yêu của tôi!".