THỦ PHẠM GÂY TAI BIẾN TRONG MỸ PHẨM

HỒNG LÊ THỌ

Bên cạnh những yếu tố từ bên ngoài tác hại trực tiếp đến da như tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời (gây nám), gió mùa (khô da), nhiệt độ nóng bức (bỏng và nám) và bụi bặm, nước sinh hoạt bị ô nhiễm gây ra (viêm và gây mụn) cũng như các chứng bệnh bị rối loạn nội tiết, tiêu hóa (táo bón, viêm dạ dày...), viêm gan, nhiễm độc tố, sử dụng kháng sinh lâu ngày, chúng ta còn tìm thấy một số nguyên nhân khác từ phía người sản xuất mỹ phẩm như sau:

1. Nguyên liệu làm mỹ phẩm chứa hàm lượng độc tố quá cao mà tế bào da không thể dung nạp

Hầu hết các loại mỹ phẩm chăm sóc da hay làm đẹp (tạo dáng) đều chứa đựng từ 15-20 loại hóa chất khác nhau và các loại nguyên liệu này đều có chứa các loại kim loại nặng không tan, dễ tích tụ ở màng dịch tế bào (thủy ngân, chì, kẽm, cyanure). Ngay như glycérine, một hóa chất cơ bản nhất được sử dụng khá phổ biến trong ngành mỹ phẩm cũng có khoảng 10 chủng loại với độ tinh khiết từ 96% đến 99,9%, nếu là glycérine đi từ công nghệ hóa dầu giá chỉ bằng 1/5-1/7 giá glycérine trích ly từ dầu dừa hay dầu cọ. Nếu loại 96% chỉ vào khoảng 345 USD/tấn thì loại 99% dùng trong mỹ phẩm hay hóa dược (từ thiên nhiên) có giá lên đến 1.800-2.600 USD/tấn. Glycérine, acid stéarique đi từ công nghệ hóa dầu chứa rất nhiều tạp chất, vì vậy sử dụng loại nguyên liệu này sẽ giảm được giá thành(1) nhưng chắc chắn không tránh khỏi việc gây tai biến cho người tiêu dùng. Trường hợp phấn trang điểm, phấn nụ hay son môi cũng tương tự; bột talc, bột màu có hàm lượng độc tố (chì) khá cao, hương liệu (alcohol, aldehyde) dễ gây dị ứng đặc biệt là nám, loét lỡ cho da mặc dù lúc mới thoa cảm thấy "đẹp" và "thơm" hơn.

2. Hoạt chất sử dụng trong mỹ phẩm gây tai biến

Ngoài nguyên liệu cơ bản để tạo nhũ cho kem hay tạo bọt bằng hoạt chất bề mặt (surfactant) các nhà sản xuất thường pha thêm một số hoạt chất nhằm mục đích "mềm da" hoặc "trắng da" như sáp làm mịn giả tạo, mật ong để lột lớp tế bào sừng phủ trên biểu bì, hay các loại thuốc kháng khuẩn, tẩy da cực mạnh như corticoid, hydroquinone làm cho da bị lột, dộp và có khi bị cháy nám. Thậm chí còn có những loại kem dưỡng da pha thêm hoạt chất kháng sinh hay các loại thuốc gây tê nhằm tạo hiệu quả "làm đẹp" nhanh chóng. Từ những năm 1970, để tránh tai biến và các phản ứng của kháng thể, các nhà sản xuất tiên tiến đều cố gắng trở về với những hoạt chất đi từ thiên nhiên, dược thảo hay các loại vitamine từ công nghệ sinh học, có độ thẩm thấu tốt dễ tương hợp với tế bào, đồng thời hạn chế được kích thích da (tránh gây kháng thể để chống lại - sốc phản vệ).

3. Quy trình công nghệ không đảm bảo vệ sinh, an toàn - bị nhiễm khuẩn và nấm mốc

Nhà sản xuất mỹ phẩm Pola nổi tiếng ở Nhật Bản đã nói rằng "không gì dễ bằng làm kem mà khó nhất cũng là nghề này" khi ông mô tả bước đầu tiên trong nghề sản xuất mỹ phẩm. Pola đã đi từ một chiếc máy xay trái cây để gây phản ứng nhủ hóa cho kem ở trong bếp. Tất nhiên Pola không thể thành công bằng lối này và khám phá ra rằng "tất cả đều theo đúng công thức nhưng kem vẫn chua và dễ thối". Quy trình công nghệ sản xuất mỹ phẩm khá nghiêm khắc, không dừng lại ở "cân, đo, đong, đếm" chính xác mà còn kiểm tra vi khuẩn vi sinh, áp suất, nhiệt độ và thời gian chặt chẽ ở phòng bào chế. Rất nhiều loại kem bị nấm mốc và nhiễm khuẩn trong sản xuất cũng như trong quá trình sử dụng của khách hàng (do tay thoa kem từ lọ bị cáu bẩn...) và gây úng, vữa hoặc thối, lớp dầu mỡ và nước trong kem bị phân ly, không thể tiếp tục sử dụng.

4. Làn da mẫn cảm không thích nghi được với "chất lạ" (tính miễn dịch của tế bào)

Có người có làn da không tương hợp (hay thích nghi) được với các "chất lạ" (hóa chất) trong mỹ phẩm, dễ bị dị ứng (mẩn đỏ, khó chịu, ngứa ngáy) đối với bất cứ loại kem nào(2). Chính vì vậy các nhà sản xuất đúng đắn đều phải thử dị ứng trước khi tung hàng của mình ra thị trường, đồng thời ghi rõ "sản phẩm đã được thử dị ứng" hay "không gây dị ứng" và kèm theo lời khuyên "ngừng ngay việc sử dụng" khi cảm thấy khó chịu.

Ở những nước phát triển, cơ quan cấp giấy phép sản xuất (Bộ Y tế) đều buộc các nhà sản xuất cung cấp tư liệu đầy đủ về nguyên liệu và hoạt chất sử dụng, có nơi còn quy định ràng buộc cả hàm lượng lẫn kết quả thực chứng về lâm sàng như trường hợp AHA (Alpha Hydroxy Acid - acid trích ly từ trái cây, một hoạt chất sinh học tẩy da phổ biến) không được quá 2% để tránh gây tai biến. Tổng cục quản lý chất lượng Thực phẩm và Dược phẩm của Hoa Kỳ (FDA) còn buộc các nhà sản xuất phải báo cáo kết quả phân tích nguyên liệu sử dụng, ngăn chặn việc làm hàng "dỏm" bằng những nguyên liệu không đạt yêu cầu nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng đến mức cao nhất. Đứng về phía người tiêu dùng, nên chọn kỹ và yêu cầu người bán mỹ phẩm phải thử ngay trên da mình trước khi chọn mua một sản phẩm nào đó và kiểm tra thời hạn sử dụng cũng như giấy phép (visa) kiểm nghiệm của Bộ Y tế nhằm tránh được nạn "tiền mất tật mang" và chữa chạy tốn kém. Không nên nghe lời đồn đãi, giới thiệu ngọt ngào bằng những thủ pháp tiếp thị tinh vi của thương nhân khi chọn mỹ phẩm cho mình, hãy cảnh giác với những mặt hàng không rõ xuất xứ, nhà sản xuất và nội dung chất lượng.

(1) Điều này giải thích tại sao cũng 1 loại kem dưỡng da mà có hãng chỉ bán 10 - 15.000 đồng/lọ và có loại lên đến 50-80 USD/lọ.

(2) Khi "chất lạ" thâm nhập gây phản ứng làm rối lọan dưỡng bào (Mastocytes) - loại tế bào bạch bào - phóng histamin tự do tạo ra hiện tượng dị ứng như nổi mề đay, ngứa ngáy, sưng phù... do phản ứng xung đột giữa kháng nguyên - Antigen (chất lạ từ bên ngoài) và kháng thể - Antibody (chất chống lại từ bên trong cơ thể). Trên cơ sở của miễn dịch học, các Giáo sư Coombs và Gell phân ra 4 loại phản ứng của tế bào da phát xuất từ cơ chế phân hủy khi có "chất lạ" xâm nhập, có phản ứng cho thấy ngay trong vòng 5-15 phút và cũng có phản ứng phải chờ trên 24-48 tiếng hoặc lâu hơn mới có thể phát hiện nếu chất lạ đó là độc tố do hóa chất (chất tẩy sừng hoặc kim loại nặng) gây ra như chúng ta đã thấy trong các loại kem UB, UA (của Thái Lan), Topgen, Topsil (của Đài Loan). Mặt khác GS. Roiit (Mỹ) còn đưa ra thêm một loại phản ứng dị ứng khác do tuyến giáp trạng bị độc tố kích thích tương tự như bệnh Basedow, được gọi là LATS (Long Acting Thyroid Stimulator) - Xem Clinical Aspect of Immunology - Oxford 1988.

THƯ MỤC DA LIỄU

Bệnh da liễu
Da liễu - Bệnh của tóc
Da liễu - Bệnh dị ứng
Da liễu - Bệnh ngoài da
Da liễu - Chăm sóc da
Da liễu - Các vấn đề về da
Da liễu - Mụn

 

THƯ MỤC Y HỌC PHỔ THÔNG

Bệnh da liễu
Bệnh hệ huyết học
Bệnh hệ hô hấp
Bệnh hệ tim mach
Bệnh hệ tiêu hóa
Bệnh hệ tiết niệu
Bệnh ngoại khoa
Bệnh nhãn khoa
Bệnh nội tiết
Bệnh tai mũi họng
Bệnh thường gặp
Bệnh thần kinh
Bệnh truyền nhiễm và ký sinh
Bệnh tâm thần
Bệnh ung bướu
Da liễu - Bệnh của tóc
Da liễu - Bệnh dị ứng
Da liễu - Bệnh ngoài da
Da liễu - Chăm sóc da
Da liễu - Các vấn đề về da
Da liễu - Mụn
Hệ cơ xương khớp - Bệnh cơ và tập luyện
Hệ cơ xương khớp - Bệnh khớp và gout
Hệ cơ xương khớp - Bệnh xương và cột sống
Pháp y
Phương tiện chẩn doán
Sức khỏe du lịch
Sức khỏe sinh sản
Thẩm mỹ