BỆNH TỒ ĐỈA
BS. HUỲNH HUY HOÀNG
Khi xã hội càng văn minh, tiến bộ, mức sống càng nâng cao thì con người lại càng tiếp xúc với nhiều hóa chất, cuộc sống tinh thần càng thêm phong phú phức tạp và tỷ lệ người bị bệnh dị ứng càng ngày càng tăng lên. Trong những bệnh dị ứng, bệnh tổ đỉa là một bệnh ngoài da thường gặp.
Bệnh tổ đỉa là một thể Eczema đặc biệt khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân, rìa ngón tay, ngón chân. Bệnh có liên quan nhiều đến yếu tố bên ngoài, bên trong trên một cơ địa đặc biệt dễ bị dị ứng. Bệnh thường gặp ở tuổi từ 20 đến 40, nam nữ có tỷ lệ bằng nhau.
TRIỆU CHỨNG
- Mụn nước màu trắng trong là triệu chứng chính, kích thước nhỏ khoảng 1mm, nằm sâu, chắc, khó vỡ, thường tập trung thành từng chùm hơi gồ trên mặt da. Đôi khi nhiều mụn nước kết tụ thành bóng nước lớn.
- Vị trí: 90% là gặp ở lòng bàn tay và các rìa ngón tay hoặc là chỉ gặp một trong hai chỗ đã nói trên, còn ở lòng bàn chân và rìa ngón chân thì ít gặp hơn. Tổn thương thường đối xứng và bệnh thường không bao giờ vượt quá cổ tay, cổ chân.
- Bệnh thường xảy ra từng đợt, trước khi nổi mụn nước thường có cảm giác ngứa, rát, một số trường hợp kèm tăng tiết mồ hôi. Mụn nước của bệnh tổ đỉa thường có xu hướng khô ít khi tự vỡ, rồi để lại một điểm dày sừng màu vàng đục, tróc da.
- Khi bị nhiễm khuẩn thì mụn nước hoặc bóng nước sẽ đục, sưng đỏ kèm theo sưng hạch bạch huyết ở vùng kế cận và người bệnh nóng sốt.
- Bệnh thường kéo dài khoảng 2-4 tuần, tróc vảy rồi lành, nhưng cũng hay tái phát, làm ảnh hưởng đến lao động và học tập.
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH
Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa rất phức tạp. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:
- Dị ứng với hóa chất trong sinh hoạt, trong nghề nghiệp như xăng, dầu mỡ, thuốc kháng sinh, xà bông thơm, xà phòng giặt, chất tẩy rửa, dầu thơm, xi măng, vôi v.v...
- Do nhiễm khuẩn trong khi làm việc, tiếp xúc với đất, nước bẩn.
- Dị ứng với nấm kẽ chân.
- Do tăng tiết mồ hôi tay chân liên quan đến rối loạn thần kinh giao cảm, làm việc trong môi trường nóng ẩm.
ĐIỀU TRỊ
- Cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh và loại trừ nguyên nhân đó đi.
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất.
- Tránh chích lể mụn nước, tránh gãi, chà xát gây tổn thương.
ĐIỀU TRỊ TẠI CHỖ
- Ngâm rửa tay chân với thuốc tím pha loãng có màu hồng.
- Chấm thuốc BSI 1-3% khi chỉ có mụn nước đơn thuần.
- Khi tổ đỉa đã nhiễm khuẩn có mủ hoặc bóng nước to thì chích cho vỡ ra, sau đó bôi thuốc chống nhiễm khuẩn như Milian, Eosine.
- Chiếu tia tử ngoại (Ultra violet) tại chỗ.
ĐIỀU TRỊ TOÀN THÂN
- Uống thuốc chống dị ứng thông thường như: Chlopheniramin, Cetirizine v.v...
- Dùng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn.
- Dùng thuốc kháng nấm nếu bị nhiễm nấm.
ĐIỀU TRỊ ĐÔNG Y
- Đối với tổ đỉa đơn giản có mụn nước sâu: xông khói thương tuật hoặc thổ phục linh.
- Đối với tổ đỉa nhiễm khuẩn có mụn mủ, trợt loét, ngâm vào dung dịch lá đắng (như là bàng, là chè tươi).