ĐÔI ĐIỀU VỀ BỆNH GHẺ
Thạc sĩ ĐỖ XUÂN KHOÁT
Bệnh ghẻ là một bệnh ngoài da khá phổ biến ở những nước có nền kinh tế thấp, điều kiện vệ sinh kém. Cùng với sự nhận thức của người dân cho rằng ghẻ là do ăn ở bẩn, và tự họ cảm thấy xấu hổ với mọi người nên thường giấu bệnh, ngại đi khám. Thậm chí có một số nam nữ thanh niên khi được bác sĩ chẩn đoán là bị ghẻ còn cãi lại không chịu nhận mình bị ghẻ. Trái lại một số bác sĩ khám bệnh qua loa đại khái nên đã nhầm bệnh ghẻ với một số bệnh ngứa khác. Tôi đã gặp một bệnh nhân là nhà giáo về hưu, nghỉ tại thị xã Hưng Yên bị mắc bệnh ghẻ trên 2 năm đi khám bảo hiểm y tế địa phương nhiều lần đều được chẩn đoán là chức năng gan yếu, và cho thuốc bổ gan nên bệnh không khỏi.
Xin nhắc lại đôi điều về bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ do một loại ký sinh trùng có tên gọi: Sarcoptes Scabiei, con cái có kích thước 0,3 - 0,5mm thường bắt được ở cuối đường hầm trong lớp thượng bì. Sở dĩ có từ "cái ghẻ" là do ta chỉ bắt được con cái ít khi bắt được con đực, vì con đực thường chết ngay sau khi giao phối. Trứng nở thành ấu trùng sau 3 - 4 ngày ấu trùng phát triển thành thoa trùng và thành con trưởng thành. Quá trình đào hầm và đẻ trứng đã làm cho ta cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Có lẽ không có ngứa nào như ngứa ghẻ nên cổ nhân có câu "Đau đẻ, ngứa ghẻ, đòn ghen".
Vị trí mà ghẻ ưa thích nhất là kẽ ngón tay, cổ tay, rốn bụng dưới, bẹn sinh dục, mông đùi, nách, khoeo, khuỷu tay và nếp gấp khuỷu, nếp gấp ở lòng bàn tay. Trẻ em dưới 2 tuổi thường gặp ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Vị trí ít gặp là lưng, vai, mặt và đầu, chỉ gặp ở người suy giảm miễn dịch AIDS, phạm nhân biệt giam. Thương tổn là những mụn nước nhỏ như rôm nằm rải rác ở những vị trí nêu trên kèm theo có những rãnh ghẻ nhỏ ở dưới da, u cục ở nách, và bộ phận sinh dục. Đôi khi có vảy dày như vẩy nến gọi là ghẻ vảy hay ghẻ Na-uy. Bệnh ngứa nhiều về đêm lúc đắp chăn ấm, khi lao động nặng, trời nắng nóng. Bệnh lây từ người này sang người khác do tiếp xúc trực tiếp, ngủ chung giường, mặc chung quần áo, lây ở nhà trẻ, trường học. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả những người năng tắm gội. Nên khi chẩn đoán bệnh yếu tố dịch tễ rất quan trọng. Khám cho cháu nhỏ đồng thời cũng phải khám cho bố, mẹ hoặc những người liên quan trong gia đình.
Điều trị ghẻ
Việc điều trị tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất nan giải nếu như chỉ chữa một người trong khi có nhiều người bị trong một nhà. Nên phải bôi thuốc cho tất cả những người trong nhà có biểu hiện ngứa; là, luộc, tẩy uế quần áo, ga, gối, chăn màn, kể cả tất tay, tất chân.
Thuốc chữa ghẻ có lẽ ai cũng biết đến thuốc DEP là thuốc thông dụng, rẻ tiền. Nhưng tránh bôi vào bộ phận sinh dục vì thuốc gây nóng rát như bỏng axít. Ngoài ra một số địa phương có thể tắm biển, tắm nước muối, nước lá ba chạc, bôi nhựa cây máu chó v.v...
Hiện nay cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, các công ty dược đã nhập vào một số thuốc có tác dụng diệt ghẻ. Xin nêu một số loại để bạn đọc tham khảo và biết cách sử dụng:
1. Permethrin dạng Cream 5% tác dụng diệt ghẻ rất tốt và ít độc hơn Lindane.
2. Lindane (gama benzen hexachloride) là hợp chất hóa học tương đương với thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Dạng dung dịch, Cream, Shampoo. Thuốc có thể gây nhiễm độc thần kinh đặc biệt với trẻ sinh non, kém dinh dưỡng, động kinh.
Phun thuốc vào người và quần áo, ga, gối sau 8 giờ phải tắm giặt sạch bằng xà phòng. Chỉ dùng 1 lần, một tuần sau nhắc lại lần 2 là khỏi.
3. Sulfur 5% trong Petrolatum bôi trong 3 tối, tắm sau khi bôi thuốc 8 - 12 giờ.
4. Eurax (Crotaminton) dạng kem hoặc dung dịch bôi trong 2 tối, sau 24 giờ tắm rửa sạch. Thuốc (3) và (4) an toàn có thể dùng cho trẻ em.
5. Benzyl Benzoat biệt dược Ascabiol, Scabifox, Zylate. Dạng nhũ dịch 25% ngày bôi 2 lần cách nhau 15 phút, tắm sau 24 giờ bôi thuốc và thay hết quần áo.
6. Ure 40% dùng cho tổn thương ở dưới móng trong ghẻ vảy (ghẻ Na-uy).
Trên đây là một số kiến thức cơ bản về bệnh ghẻ, mong các bạn đọc xa gần hiểu được và biết cách phòng chữa bệnh cũng là để bảo vệ và chăm sóc làn da của mình.