Những mối tình đầu
Học xong phổ thông cơ sở, bước vào phổ thông trung học, các chàng trai, cô gái của chúng ta bắt đầu bước vào thời kỳ dễ phải lòng nhau. Đó là thời kỳ của những tình cảm khác giới, của những mối tình đầu. Đó cũng là lúc các bà mẹ thấy khó mà ngủ ngon, lo lắng theo dõi lịch hành kinh của con gái, phấp phỏng về những điều không hay nào đó đang rình rập quanh đứa con gái vụng dại của mình. Cha mẹ lo con mình sau này yêu phải một người không hợp, lo con quan hệ tình dục trước tuổi, sợ con mình chửa hoang. Không thể giam con nhỏ như giam trong tu viện, cũng không thể theo dõi con ở mọi nơi mọi lúc. Thôi thì… còn cách nào khác hơn là tin vào hiệu quả giáo dục của mình!
Sự trao đổi tâm tình giữa cha mẹ với con cái không phải lúc nào cũng được tiến hành một cách trơn tru. Các cô các cậu ở tuổi trưởng thành nhiều khi rất tự tin. Khi thảo luận với họ, đôi khi ta khó mà giữ được bình tĩnh và độ lượng. Nhiều khi họ tuyên bố những điều làm ta dựng tóc gáy. Có cô gái 16 tuổi tuyên bố rằng cô sẽ lấy chồng vào tuổi 17, hôm khác thì lại tuyên bố sẽ không bao giờ lấy chồng nhưng sẽ có được một đứa con. Nghe thế, cha mẹ nào mà không hết hồn. Nhưng thực ra, nhiều khi những điều cực đoan mà họ tuyên bố không phải là quan điểm thực sự của họ. Nói ra điều này, họ chỉ muốn chứng tỏ là sẽ hành động một cách độc lập, dứt khoát như… một người lớn. Là đối tượng giáo dục của cha mẹ, nhưng họ lại muốn trao đổi với cha mẹ một cách bình đẳng như những người ngang hàng. Có ông bố, bà mẹ kinh ngạc khi nghe lỏm buổi trao đổi chuyên đề tình dục của con với đám thanh niên, bạn bè. Ông con mình hôm qua đã phản đối ra mặt những quan điểm của cha mẹ, bây giờ lại khẳng định những quan điểm ấy rất tự nhiên như đó là quan niệm của chính mình vậy (có thể là hôm qua anh ta thích ngang ngạnh trước cha mẹ). Nhưng dù là thế đi nữa, bạn cũng đừng vội mừng. Những quan niệm ấy vẫn chưa phải là của anh ta. Anh ta vẫn đang tìm kiếm chỗ đứng của mình, chân lý của mình trong cái thế giới người lớn mà anh ta đang trên đường gia nhập.
Không ít thanh niên bước vào đời sống tình dục ngay từ quãng tuổi 16. Điều đó thật tai hại. Cái chín chắn của tuổi 16 vẫn chưa đủ để người ta có thể sống đời sống tình cảm thực sự của một con người. Sự giao tiếp tình dục đầu tiên bao giờ cũng có ý nghĩa sâu sắc, trọng đại trong cả đời người. Sự khởi đầu ấy đòi hỏi độ chín chắn toàn diện cả về thể chất lẫn tâm lý. Cho nên không thể đồng nhất sự giao hợp vì tình yêu với sự giao hợp vì tò mò, vì nhu cầu tình dục bản năng. Thậm chí cũng không thể nói rằng có sự giao hợp trước tuổi chỉ vì cả hai phía quá yêu nhau. Tình yêu là điều kiện cần nhưng ở tuổi mới trưởng thành nó vẫn chưa phải là điều kiện đủ, hơn nữa, chắc gì tình yêu ấy đã bền vững và sâu sắc.
Tuổi 16 hôm nay vẫn nên là thời kỳ của những ước mơ, khao khát, thời kỳ mà trai gái rùng mình khi chạm tay nhau, khi đem lại cho nhau những cái hôn rụt rè. Nói như vậy ta cảm giác như đang nói tới những tiểu thuyết tình ái đầu thế kỷ. Nhưng chúng ta không thể nhầm lẫn nội dung và hình thức của cái gọi là tính hiện đại. Sự phát triển về thể lực lẫn tình dục của con cái chúng ta mấy chục năm gần đây diễn ra nhanh hơn. Nhưng sự trưởng thành về thể chất đó lại phải trả giá bằng sự kéo dài quá trình phát triển về phương diện tinh thần. Các nhà tâm lý học hiện nay đã đặt cái mốc của sự trưởng thành toàn diện mãi tận tuổi 24. Cho nên nếu giải thích cú nhảy đầu tiên của con người vào đời sống tình dục bằng sự trưởng thành về thể chất có nghĩa là ta đã khẳng định con người hiện đại phục tùng sức ép của bản năng.
Về mặt tình dục, sự trưởng thành của nam và nữ cũng rất khác nhau. Các cô gái khao khát sự dịu dàng và một tình yêu nồng nàn. Tuy vậy, về chuyện tình dục, các cô không hề nóng vội. Đây cũng là đặc trưng của phụ nữ tuổi trưởng thành. Trong suốt cả đời, điều người phụ nữ khao khát trước hết vẫn là tình cảm, sự quan tâm, chiều chuộng, tình dục chỉ là hình thức biểu hiện của nó mà thôi. Theo con số điều tra gần đây, bốn phần năm các cô gái ở tuổi trưởng thành không giao tiếp tình dục với người mà mình không yêu. Trong khi đó, chất bản năng của các chàng trai lại mạnh mẽ hơn. Dưới sức ép của bản năng, vào tuổi trưởng thành họ muốn giải phóng độ căng thẳng tình dục của mình. Về tình yêu, tạm thời họ không quan tâm lắm. Họ có nói tới tình yêu chẳng qua cũng chỉ vì cô bạn gái đòi hỏi họ. Trong thâm tâm, thực ra họ chỉ muốn tiến thẳng tới sự giao tiếp tình dục. Đó không phải là do họ xấu xa mà chỉ do khác về thể chất. Chỉ những cô gái chậm hiểu, thiếu nhạy cảm mới đi cáu bẳn về chuyện đó.
Trong một gia đình hòa thuận, mọi người sống trách nhiệm với nhau, chẳng phải ai ngoài ông bố phải là người phải nhắc nhở cho con trai ý thức được rằng, vai trò truyền thống của người đàn ông trong nhà là vệ sĩ của phái yếu. Ông cũng là người có trách nhiệm nói cho con trai mình hiểu rằng, việc tán tỉnh, lợi dụng một cô gái nào đó nhằm giải trí là một việc làm xấu. Trong đời sống văn hóa của nhiều dân tộc, người đàn ông trong chuyện tình dục thường được tha thứ rộng rãi hơn đàn bà. Đôi khi, người đàn ông nào có nhiều “thành tích” trong lĩnh vực ái tình thì lại được coi như một người có uy tín. Chính người đàn ông đó, người mà các cậu con trai lớn thầm vị nể, sẽ có tác động giáo dục nhiều nhất khi ông ta (với tư cách là họ hàng hoặc một người bạn lớn tuổi) nói cho cậu thanh niên đang lớn hiểu rằng, những “chiến công” của ông thực ra rất ít ý nghĩa, “chả được mấy hơi”, rằng thậm chí ông đã phải trả giá cho những chiến công ấy bằng sự cùn mòn, thô lậu dần về mặt tình cảm, sự khủng hoảng, bất lực trong việc tìm kiếm và xây dựng một tổ ấm gia đình thực sự.
Thật ra, các ông bố (đáng tiếc là các ông rất hay quên) cũng có vai trò khá quan trọng trong việc hoàn chỉnh quá trình giáo dục tình dục cho cô con gái trong nhà. Thông qua thái độ cư xử của ông với vợ, con gái ông sẽ biết được vai trò và tầm quan trọng của người phụ nữ trong mình. Thông qua ông, con gái sẽ biết người đàn ông nhiệt tình với “cục cưng” của mình ra sao. Còn các bà mẹ thì phải nói với con gái của mình theo kiểu khác. Trước khi cô gái có những “vệ tinh” đầu tiên theo đuổi, cô phải biết những thứ sáo ngữ, “những lời có cánh” mà đám đàn ông (cả trẻ lẫn già) hay dùng để chinh phục các cô. Người đàn ông yêu cô rất hay khẩn khoản cô phải chứng tỏ “triệt để” rằng cô yêu thật. Đồng thời anh ta cũng có thể vờ bỏ đi để tỏ ra là mình không phải là người thích nài ép. Anh ta cũng đủ trí thông minh để tìm cách khơi dậy ở cô sự cảm thông, cho cô tin rằng đàn ông rất cần “cái đó”, nếu không thực sự yêu anh, thì buộc lòng anh phải đi tìm người khác... Cô gái đang được yêu nên biết rằng trước những lời lẽ đó, nếu cô cả nể, chiều theo thì cô sẽ không bảo vệ được tình yêu, bởi vì sau đó cô chẳng có gì để bảo vệ nữa. Có những người đàn ông đứng tuổi, có vợ rồi cũng cố gắng chinh phục cô bằng những lời lẽ mủi lòng rằng, cho tới bây giờ ông ta mới gặp người phụ nữ duy nhất trên đời này hiểu ông, rằng ông vô cùng hạnh phúc vì đã gặp cô, người mà ông suốt đời mong đợi…
Sự hàng phục trước những lời lẽ ngon ngọt đó dĩ nhiên không phải là biểu hiện của tình yêu mà chỉ là bằng chứng của sự ngây thơ, non nớt. Cho nên, còn ai khác ngoài bà mẹ phải là người phải giải thích kịp thời cho cô con gái biết những điều đó?
Còn ai khác ngoài ông bố, người thực hiện những hành vi cụ thể của mình trong cư xử với vợ, gián tiếp cho cô con gái biết rằng người đàn bà có quyền yêu cầu người đàn ông mình yêu những gì? Còn ai khác ngoài cha mẹ, những người phải làm cho cậu con trai của mình ý thức được trách nhiệm trước người con gái mình yêu?