Một vài nhắc nhở

Như các bạn có thể đoán được, tôi nhận khá nhiều email hàng ngày từ các bạn đọc, đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới.  Trong số đó, có không ít email hỏi về chi tiết kĩ thuật trong những bài viết của tôi, từ y học đến dịch tễ học và thống kê học.  Dù bận cách mấy, dù sớm hay muộn, tôi cũng cố gắng trả lời.  Các bạn từng trao đổi với tôi có thể “làm chứng” cho câu phát biểu đó!

            Nhưng trong một số email, tôi phải nói là hơi … buồn.  Buồn là vì nhiều lí do: câu hỏi không cụ thể, người viết không hề xưng tên họ, lối hành văn như … ra lệnh, và thậm chí có khi như đùa cợt.  Tôi không thể kể ra hết ở đây những email mà tôi nhận được, vì nếu tôi trích dẫn ra chắc có bạn sẽ “cười ra nước mắt” như bỡn!  Nhưng cực chẳng đã, tôi phải nhắc nhẹ các bạn vài điều căn bản khi đặt câu hỏi như sau:

            Thứ nhất, xin các bạn chịu khó xưng danh tính cho dễ trao đổi.  Tôi đếm khoảng phân nửa email từ các bạn ở trong nước gửi đến tôi không hề có một dòng nào tự giới thiệu; thành ra, tôi không biết người gửi tên gì, đang làm việc ở đâu.  Trong khoa học, không có gì phải dấu diếm nhau!  Phần lớn email (chắc cũng phải 90%) là xuất phát từ những địa chỉ “công cộng” (như yahoo, hotmail, google, v.v…) với những cái “nick name” rất lạ lùng, như rongden (chắc là “rồng đen”), nửa Tây nửa ta như copwhite (có thể là “cọp trắng), hay thậm chí embexinhxinh (như muốn khoe cái xinh xắn của mình?), v.v…  Điều này gây ra không ít lúng túng cho tôi khi trả lời, vì tôi không biết người gửi thư có thực sự nghiêm túc hỏi chuyện hay chỉ muốn đùa làm mất thì giờ người khác.

            Các bạn thử gửi một thư không danh tính đến một giáo sư người Mĩ hay Úc (hay người Tây phương nói chung), các bạn sẽ thấy họ phản ứng như thế nào.  Họ sẽ nhấn nút “delete” ngay, vì cho rằng người gửi không tôn trọng thời gian của người nhận, và đó là một bất lịch sự lớn.  Đó là chưa kể đến những ý nghĩ tiêu cực của họ về văn hóa trong giao tiếp khoa học. 

            Thứ hai, các bạn nên đặt câu hỏi cho có đầu có đuôi.  Không cần phải khúc chiết (vì cái này đòi hỏi kĩ năng của người viết mà không phải ai cũng có được), nhưng câu hỏi phải nằm trong một bối cảnh cụ thể.  Hai cữ “cụ thể” ở đây rất quan trọng, bởi vì thông tin thiếu tính cụ thể thì tôi không thể nào trả lời được.  Khi có câu hỏi liên quan đến số liệu, các bạn nên cung cấp những thông tin sau đây:

  • Mục đích là gì ?
  • Thiết kế của nghiên cứu ra sao (cross-sectional hay prospective hay case-control)?
  • Đo lường bằng cái gì ?
  • Đối tượng từ đâu ?

Trong thực tế, tôi nhận được nhiều câu hỏi kiểu “úp úp mở mở”, và tôi hiểu ngay người hỏi muốn dấu diếm chuyên ngành của mình (tôi không hiểu tại sao), và vì mập mờ như thế tôi không thể nào trả lời được.  Tôi muốn giúp các bạn giải quyết vấn đề có kết quả, và kết quả chỉ có được khi câu hỏi phải rõ ràng.  Không ai muốn tốn thì giờ (mà tôi thì lại rất bận) để trả lời những câu hỏi chung chung sẽ chẳng đi đến đâu. 

            Thứ ba, xin đừng có những câu hỏi mang tính bài tập.  Có nhiều người viết thư mà tôi đoán là sinh viên y khoa hay sinh viên khoa học muốn nhờ người khác làm bài tập cho mình.  Đây là một hành động rất … khiếm nhã.  Với kinh nghiệm giảng dạy cũng lâu năm, tôi có thể nhận ra những câu hỏi như thế rất dễ dàng, dù không muốn nói ra mà thôi.

Có lẽ các bạn biết tôi không phải là người tiêu thời gian ra để làm bài tập cho các bạn, vì đó không phải là nhiệm vụ của tôi. 

            Thế giới internet làm cho chúng ta gần nhau hơn.  Hôm nay không gặp nhau, nhưng có thể ngày mai sẽ biết nhau.  Không nên xem email như là một cách nặc danh để hỏi qua quít, mà nên xem nó là một phương tiện rất hữu hiệu cho việc học hỏi lẫn nhau và làm quen trên tinh thần đồng nghiệp với nhau.  Trong môi trường cyber như thế này, chúng ta chỉ “nói chuyện” qua chữ nghĩa, mà nếu không cẩn thận thì chữ nghĩa có thể phản tác dụng.  Tôi tôn trọng câu hỏi và quan tâm đến vấn đề của các bạn, nên tôi mới tiêu ra thì giờ để trả lời và trao đổi.  Tôi mong rằng các bạn nên tử tế với chữ nghĩa để chúng có thể giúp cả bạn và tôi.

Nguyễn Văn Tuấn

25/4/2007

BÀI GIẢNG

Bài giảng thống kê y khoa - GS Nguyễn Văn Tuấn
Hướng dẫn Nghiên cứu khoa học
Hướng dẫn Phân tích số liệu và vẽ biểu đồ bằng R
Lâm sàng thống kê
Sổ tay các thông số cận lâm sàng cần nhớ
Sổ tay thực hành tim mạch
Thông số cận lâm sàng
Triệu chứng học Nội Khoa
Điều dưỡng cơ bản