Thay lời nói đầu,
NGHỊCH LÝ! NGƯỜI TĂNG HUYẾT ÁP VÔ TƯ-THẦY THUỐC TIM MẠCH TRĂN TRỞ.
Hàng ngày, trực tiếp khám chữa bệnh tim mạch tại bệnh viện, chứng kiến nhiều cái chết thương tâm đáng ra cứu vãn tốt: chồng bỏ vợ, mẹ bỏ con, bạn bỏ bạn, người bỏ dở sự nghiệp…chỉ bởi không để ý căn bệnh mình đã mắc-TĂNG HUYẾT ÁP. Người bệnh hồn nhiên với bệnh này, nào là có chi đâu, huyết áp lên thì uống thuốc, uống thuốc hoài nóng người lắm, khỏi rồi…
Thực ra, tăng huyết áp là bệnh lý mãn tính, tăng dần và nguy hiểm, gây ra 7,1 triệu người chết hàng năm, con số này tương đương 13% tổng tử vong và chiếm 4,5% gánh nặng bệnh tật chung toàn cầu. Tỷ lệ tăng huyết áp trên thế giới năm 2000 là 26,4% (một tỷ người mắc) sẽ tăng lên 29,2% (1,5 tỷ người bệnh) vào năm 2025. Tại Việt Nam, xu hướng bị tăng huyết áp tăng: tỷ lệ năm 1992 trên toàn quốc là 11,78%, năm 2002 ở miền Bắc là 16,3% còn ở Hà Nội là 23,2% và năm 2004 thành phố Hồ Chí Minh là 20,5%. Điểm đặc biệt là chỉ mới 19,1% người bị tăng huyết áp ở được khống chế, còn 80,9% (khoảng 9 triệu người bệnh Việt Nam) lơ lửng các mối hiểm nguy do tăng huyết áp gây ra.
Thuốc sẵn có mà người bệnh tăng huyết áp vẫn chết và bị biến chứng hàng ngày nhiều và căn bệnh này nguy hiểm hơn dịch cúm gia cầm đang rộ lên thời điểm 2005.
Tập tài liệu này mỏi mong gợi mở một số thông tin có ích cho người bệnh và những ai quan tâm đến tăng huyết áp ngõ hầu xoá bớt nghịch lý trên. Cái hôm nay đúng nhưng ngày mai cần phải xem lại; vì vậy, người viết không tránh khỏi lỗi bất khả kháng. Tài liệu tham khảo dừng lại ở mốc 15/12/2005 và sẽ phải cập nhật hàng năm vì lợi ích người bệnh.
Kon Tum, ngày 15 tháng 12 năm 2005,
Đào Duy An