Trà dược cho người bị hen phế quản

Trà dược nên dùng ngay trong ngày.
Tiết trời khô và lạnh của mùa thu rất thuận lợi cho hen phế quản phát triển. Theo Đông y, khô hanh dễ gây thương tổn âm dịch, lạnh lẽo gây thương tổn dương khí. Hai thứ tà khí này phối hợp với nhau rất dễ làm tổn thương tạng phế, gây nên các chứng bệnh mà ngày nay y học hiện đại gọi là viêm phế quản, hen phế quản, giãn phế quản, khí phế thũng.

Sau đây là một số bài thuốc đơn giản dành cho người bị hen phế quản dùng dưới dạng trà dược:

Bài 1

- Cách pha chế: Tô tử 6 g, hạnh nhân 6 g, quất bì 4 g. Ba vị tán vụn, cho vào túi vải, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút có thể dùng được. Chế thêm 1 thìa mật ong, uống thay trà trong ngày.

- Công dụng: Nhuận phế chỉ khái, trừ đàm bình suyễn. Dùng cho người bị hen phế quản có ho và khạc đờm nhiều.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, cả ba vị đều có tác dụng long đờm, chống co thắt phế quản và giảm ho. Tuy nhiên, những người dễ bị rối loạn tiêu hóa và đi lỏng không nên dùng bài này.

Bài 2

- Cách pha chế: Nấm linh chi 6 g, bán hạ chế 5 g, tô diệp 5 g, hậu phác 3 g, bạch linh 9 g, đường phèn vừa đủ. Các vị tán vụn, cho vào túi vải, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút có thể dùng được. Chế thêm đường phèn, uống thay trà trong ngày.

- Công dụng: Phù chính ích phế, trừ đàm bình suyễn. Dùng cho những người bị viêm phế quản co thắt, hen phế quản. 

Bài này có nguồn gốc từ một phương thuốc cổ gọi là "Bán hạ hậu phác thang" được ghi trong y thư cổ "Kim quỹ yếu lược", bỏ sinh khương gia thêm nấm linh chi. Công dụng của từng vị như sau:

 * Bán hạ phối hợp hậu phác có tác dụng trừ đàm, làm thông thoáng đường thở.

 * Bạch linh kiện tỳ lợi thấp, có khả năng nâng cao năng lực miễn dịch, làm tăng hàm lượng IgG trong máu.

 * Nấm linh chi ngoài tác dụng giảm ho bình suyễn còn có khả năng thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào niêm mạc phế quản, ức chế phản ứng quá mẫn, cải thiện năng lực miễn dịch và bồi bổ cơ thể.

Người bị hen phế quản kèm theo sốt, ho và khạc đờm mủ vàng không nên dùng loại trà này.

Bài 3

- Cách pha chế: Vỏ rễ cây bông 30 g thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút có thể dùng được. Chế thêm một chút đường đỏ, uống thay trà trong ngày.

- Công dụng: Bổ trung ích khí, chỉ khái bình suyễn. Dùng thích hợp cho những người bị viêm phế quản mạn tính, hen phế quản.

Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ rễ cây bông có thể chữa hen suyễn, thiếu máu, phụ nữ bế kinh, sa tử cung...

Kết quả nghiên cứu trên thực nghiệm và lâm sàng cho thấy, vị thuốc này có khả năng làm giảm ho, tiêu viêm và chống co thắt phế quản. Phụ nữ có thai không được dùng bài này.

Bài 4

- Cách pha chế: Địa long khô (giun đất) 2 phần, cam thảo sống 1 phần. Hai vị thái vụn, mỗi lần lấy 3-4 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được. Mỗi ngày có thể pha chế 2-3 lần, dùng ngay trong ngày.

- Công dụng: Thanh nhiệt, bình suyễn. Dùng cho người bị hen phế quản thể đàm nhiệt (biểu hiện bằng các triệu chứng sốt, ho rát họng, khó thở, khạc đờm vàng đục, đại tiện táo...).

Theo quan niệm của y học cổ truyền, địa long vị mặn, tính lạnh có công dụng thanh nhiệt, bình can, định kính, chỉ suyễn, thông lạc, được dùng để chữa khá nhiều chứng bệnh, trong đó có chứng hen suyễn.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, địa long có tác dụng chống dị ứng, chống co thắt phế quản và tham gia vào quá trình điều tiết miễn dịch nên rất hữu ích cho người bị hen phế quản. Tuy nhiên, những người bị bệnh thể hàn không nên dùng bài này.

Bài 5

- Cách pha chế: Xuyên bối mẫu 15 g, lai phục tử 15 g. Hai vị tán vụn, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần lấy 3 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút có thể dùng được, uống thay trà.

- Công dụng: Chỉ khái hóa đàm, giáng khí bình suyễn.

Trong y thư cổ "Bản thảo cương mục", lai phục tử có khả năng: hạ khí định suyễn, trị đàm, tiêu thực, trừ chướng, lợi đại tiểu tiện, chỉ khí thống, hạ lỵ hậu trọng, phát sang chẩn.

Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại, xuyên bối mẫu có tác dụng trừ đàm, giảm ho, bình suyễn, kháng khuẩn và nâng cao khả năng chống đỡ của cơ thể trong điều kiện thiếu ôxy.

Bài 6

- Cách pha chế: Ngũ vị tử 4 g, nhân sâm 4 g, tô ngạnh 3 g, đường phèn lượng vừa đủ. Tất cả thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút có thể dùng được. Chế thêm đường phèn, uống thay trà trong ngày.

- Công dụng: Bổ khí liễm phế, chỉ khái bình suyễn. Dùng cho người già bị hen phế quản lâu năm, khó thở nhiều, tức ngực, ho khạc đờm trắng dính... Những người thể chất béo bệu không nên dùng.

Nhìn chung, các phương trà dược trên đây đều rất đơn giản, dễ kiếm, dễ pha chế và tiện sử dụng. Có thể dùng để phối hợp điều trị trong giai đoạn bệnh tái phát hoặc dùng đơn thuần trong giai đoạn bệnh ổn định. Nên tìm mua các vị thuốc ở những cơ sở đông dược có giấy phép kinh doanh.

Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống  

TRÀ DƯỢC
10 loại trà dược chống mệt mỏi
Những tác dụng của việc uống trà
Những điều cần tránh khi uống trà
Rượu dâm dương hoắc
Rượu thuốc cho người cao tuổi
Rượu thuốc dùng trong mùa thu
Trà có thể giúp xương thêm chắc
Trà cúc giúp giảm đau trong
Trà cúc giúp giảm đau trong 'ngày ấy'
Trà dược an thần
Trà dược cho người bị hen phế quản
Trà dược cho người bị hen phế quản
Trà dược phòng chống tiểu đường
Trà dược phòng chống tiểu đường
Trà kỷ tử - vị thuốc chữa nhiều bệnh
Trà làm tăng cơ hội sống của người bị đau tim
Trà tang thầm, đồ uống dân gian độc đáo
Trà thuốc làm giảm mỡ máu
Trà và những điều cấm kỵ
Trà xanh có thể bảo vệ tim
Trà xanh không có tác dụng với bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Trà xanh ngăn chặn sự lây lan của ung thư
Trà xanh trị viêm họng
Trà ô long ngừa tăng huyết áp
Trà đen cải thiện tuần hoàn máu
Trà đen làm giảm cholesterol xấu
Trà, cà phê có thể cắt cơn đau đầu
Uống trà có lợi cho tóc và da
Uống trà giúp ngăn ngừa ung thư
“Trà vi bách bệnh chi dược”

 

THƯ MỤC Y HỌC CỔ TRUYỀN
Bài thuốc Đông Y
Bình luận Đông Y
Dược thiện
Thảo Dược
Trang Võ Hà
Trà dược
Tài dược
Tự chữa bệnh
Xoa bóp trị liệu
Điều trị Đông Y