CÔNG DỤNG VÀ CÁCH DÙNG RƯỢU DÂM DƯƠNG HOẮC

Tác giả : Thạc sĩ HOÀNG KHÁNH TOÀN

Khi tiễn chân thực khách, nhiều nhà hàng đặc sản thường không quên biếu thêm một chai rượu nhỏ để làm kỷ niệm. Thứ rượu này có màu xanh trong khá đẹp, hương vị thơm ngon và đặc biệt được quảng cáo là rất hữu ích cho cánh "mày râu". Ðó là rượu Dâm dương hoắc, hay còn gọi là rượu Tiên linh tỳ.

DÂM DƯƠNG HOẮC LÀ GÌ?

Dâm dương hoắc là một trong những vị thuốc bổ dương của dược học cổ truyền. Thực chất đó là lá phơi hay sấy khô của nhiều loại cây thuộc chi Epimedium như dâm dương hoắc lá to (E.macranthum Morr. et Decne), dâm dương hoắc lá mác (E. sagittatum Sieb. et Zucc), dâm dương hoắc lá hình tim (E. brevicornu Maxim), dâm dương hoắc có lông mềm (E. koreanum Nakai)... Gọi là dâm dương hoắc vì dân gian thường lấy lá của loại cây này cho dê ăn và có công dụng làm tăng ham muốn tình dục. Dâm dương hoắc còn có nhiều tên gọi như Cương tiền, Phương trượng thảo, Thiên lưỡng kim, Hoàng liên tổ, Ngưu giác hoa, Phế kinh thảo...

CÔNG DỤNG CỦA RƯỢU DÂM DƯƠNG HOẮC

Theo dược học cổ truyền, dâm dương hoắc vị cay ngọt, tính ấm; Có công dụng ôn thận tráng dương (làm ấm tạng thận và khỏe dương khí), cường cân tráng cốt (làm mạnh gân xương) và khứ phong trừ thấp; Thường được dùng để chữa các chứng bệnh như liệt dương, di tinh, tinh lạnh, muộn con, lưng đau gối mỏi, gân cốt co rút, bán thân bất toại, tay chân yếu lạnh, phong thấp, tiểu tiện bất cấm...

Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy: Dâm dương hoắc có tác dụng tương tự như nội tiết tố sinh dục, làm tăng trọng lượng của thùy trước tuyến yên, tinh hoàn, buồng trứng và tử cung trên động vật thực nghiệm, kích thích quá trình bài tiết tinh dịch, nâng cao năng lực hoạt động của tinh hoàn, qua đó gián tiếp làm hưng phấn và tăng cường khả năng tình dục. Mặt khác, dâm dương hoắc còn có khả năng ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu trắng, tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn, thậm chí cả trực khuẩn lao. Ngoài ra, vị thuốc này cũng có tác dụng giảm ho, trừ đờm, chống co thắt phế quản, làm hạ huyết áp và bảo hộ tế bào cơ tim trong điều kiện thiếu oxy nhờ khả năng làm tăng lưu lượng động mạch vành.

Trên thực tiễn lâm sàng học hiện đại, đã có những công trình nghiên cứu khảo sát khả năng trị liệu của dâm dương hoắc đối với một số bệnh lý nội khoa như cơn đau thắt ngực do thiểu năng động mạch vành, suy nhược thần kinh, viêm phế quản mạn tính, viêm khớp trẻ em, thiểu năng sinh dục...

CÁCH CHẾ RƯỢU DÂM DƯƠNG HOẮC

Trước hết phải tiến hành bào chế dâm dương hoắc. Theo cổ nhân, có thể dùng dưới dạng sống hoặc sao, nhưng tốt nhất là nên dùng dạng sao. Có năm cách sao: (1) Sao với mỡ dê, một lạng dâm dương hoắc thường phải cần 20g mỡ dê. Ðem mỡ dê rán lấy mỡ nước, bỏ tóp rồi cho dâm dương hoắc đã thái vụn vào sao nhỏ lửa cho đến khi thấm hết mỡ là được; (2) Sao với muối, thường dùng nước muối 2% với lượng vừa đủ, sao dâm dương hoắc cho đến khi khô hết nước, dược liệu chuyển màu hơi đen là được; (3) Sao với rượu, mỗi lạng dâm dương hoắc cần dùng từ 20-25ml rượu, phun đều rồi sao nhỏ lửa cho đến khi dược liệu khô là được; (4) Sao với bơ, mỗi lạng dâm dương hoắc cần dùng 25g bơ, đem bơ đun nóng chảy rồi cho dược liệu vào sao cho đến khi khô là được; (5) Sao thường, cho dâm dương hoắc vào chảo, sao lửa nhỏ cho đến khi chuyển màu hơi đen là được.

Sau đó đem ngâm với rượu, thông thường cứ 500g dâm dương hoắc thì cần 5 lít rượu gạo loại một. Ðây là công thức cổ nhân thường dùng, được ghi trong y thư cổ Thọ thế bảo nguyên. Tốt nhất là chọn loại bình gốm miệng hẹp, lòng rộng để ngâm. Mùa xuân và mùa hạ sau 3 ngày, mùa thu và mùa đông sau 5 ngày là có thể dùng được. Mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần từ 15-20ml.

NÊN NGÂM PHỐI HỢP DÂM DƯƠNG HẮC VỚI NHỮNG VỊ THUỐC NÀO?

Ðể nâng cao hiệu quả của rượu dâm dương hoắc, người ta thường phối hợp với một số vị thuốc như tiên mao, ba kích, nhục thung dung, tử thạch anh, uy linh tiên, cao lương khương, sinh khương... Phối hợp với tiên mao, ba kích và nhục thung dung nhằm nâng cao khả năng bổ thận tráng dương, tăng cường năng lực tình dục, phòng chống liệt dương và di mộng tinh. Phối hợp với tử thạch anh để làm ấm tử cung, phòng chống tích cực các chứng bệnh ở phụ nữ như thống kinh, bế kinh, băng huyết, rong kinh, khó thụ thai do thận dương hư suy. Phối hợp với uy linh tiên để tăng cường khả năng khu phong trừ thấp, phòng chống hữu hiệu bệnh lý viêm khớp do hư lạnh. Phối hợp với cao lương khương (củ riềng) hoặc sinh khương (gừng tươi) để nâng cao khả năng trừ hàn, phòng chống tích cực bệnh lý viêm loét dạ dày, tá tràng và đại tràng do hư lạnh.

NHỮNG ÐIỀU CẦN LƯU Ý KHI DÙNG RƯỢU DÂM DƯƠNG HOẮC

Thứ nhất là không nên uống quá liều chỉ định. Thứ hai, những người thể chất âm hư hoặc đang mắc các bệnh lý thuộc thể âm hư không nên dùng. Bệnh cảnh âm hư được biểu hiện bằng các triệu chứng như: người gầy, hay có cảm giác sốt nhẹ về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, môi khô họng khát, thích uống nước mát, trong ngực bồn chồn không yên, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ khô...

Chú thích ảnh: Dâm dương hoắc lá mác.

 

 

TRÀ DƯỢC
10 loại trà dược chống mệt mỏi
Những tác dụng của việc uống trà
Những điều cần tránh khi uống trà
Rượu dâm dương hoắc
Rượu thuốc cho người cao tuổi
Rượu thuốc dùng trong mùa thu
Trà có thể giúp xương thêm chắc
Trà cúc giúp giảm đau trong
Trà cúc giúp giảm đau trong 'ngày ấy'
Trà dược an thần
Trà dược cho người bị hen phế quản
Trà dược cho người bị hen phế quản
Trà dược phòng chống tiểu đường
Trà dược phòng chống tiểu đường
Trà kỷ tử - vị thuốc chữa nhiều bệnh
Trà làm tăng cơ hội sống của người bị đau tim
Trà tang thầm, đồ uống dân gian độc đáo
Trà thuốc làm giảm mỡ máu
Trà và những điều cấm kỵ
Trà xanh có thể bảo vệ tim
Trà xanh không có tác dụng với bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Trà xanh ngăn chặn sự lây lan của ung thư
Trà xanh trị viêm họng
Trà ô long ngừa tăng huyết áp
Trà đen cải thiện tuần hoàn máu
Trà đen làm giảm cholesterol xấu
Trà, cà phê có thể cắt cơn đau đầu
Uống trà có lợi cho tóc và da
Uống trà giúp ngăn ngừa ung thư
“Trà vi bách bệnh chi dược”

 

THƯ MỤC Y HỌC CỔ TRUYỀN
Bài thuốc Đông Y
Bình luận Đông Y
Dược thiện
Thảo Dược
Trang Võ Hà
Trà dược
Tài dược
Tự chữa bệnh
Xoa bóp trị liệu
Điều trị Đông Y