Trà dược cho người bị hen phế quản
Nhân sâm, ngũ vị tử, tô ngạnh làm thành một bài thuốc cho người già bị hen phế quản lâu năm. |
Tiết trời khô lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh hen phế quản phát sinh và phát triển. Ngoài tân dược, người bệnh có thể dùng trà thảo dược có nấm linh chi, nhân sâm, ngũ vị tử kết hợp với một số vị thuốc khác để chống co thắt phế quản và tăng cường miễn dịch.
Bài 1: Nấm linh chi 6 g, bán hạ chế 5 g, tô diệp 5 g, hậu phác 3 g, bạch linh 9 g, đường phèn vừa đủ. Các vị tán vụn, cho vào túi vải, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút có thể dùng được, chế thêm đường phèn, uống thay trà hằng ngày. Công dụng: phù chích ích phế, trừ đàm bình suyễn, dùng cho bệnh nhân viêm phế quản co thắt, hen phế quản. Trong đó, bán hạ phối hợp hậu phác có tác dụng trừ đàm, làm thông thoáng đường thở; bạch linh kiện tỳ lợi thấp, có khả năng tăng cường miễn dịch. Nấm linh chi ngoài tác dụng giảm ho bình suyễn còn thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào niêm mạc phế quản, ức chế phản ứng quá mẫn, bồi bổ cơ thể. Người bị hen phế quản kèm theo sốt, ho và khạc đàm mủ vàng không nên dùng loại trà này.
Bài 2: Vỏ rễ cây bông 30 g thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút có thể dùng được, chế thêm đường đỏ uống thay trà hằng ngày. Công dụng: bổ trung ích khí, chỉ khái bình suyễn. Thích hợp cho người viêm phế quản mạn tính và he phế quản. Kết quả nghiên cứu tên thực nghiệm và lâm sàng cho thấy vị thuốc này có thể giảm ho, tiêu viêm và chống co thắt phế quản. Phụ nữ có thai không dùng bài này.
Bài 3: ngũ vị tử 4 g, nhân sâm 4 g, tô ngạnh 3 g, đường phèn. Các vị thai vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút có thể dùng được. Công dụng, bổ khí liễm phế, dùng cho người già bị hen phế quản lâu năm, khó thở nhiều, tức ngực, ho khạc đờm trắng dình. Người thể béo bệu không nên dùng.
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Khoa Học & Đời Sống