Nghĩa
- Dạ, có gì mà giận cô đâu. Sức khỏe của cô, chứ đâu phải của cháu.
- Cô biết mà. Bác sĩ từng nói với cô rằng : Sức khỏe là quan trọng nhất. Có sức khỏe rồi ta có thể làm mọi thứ. Còn không có sức khỏe chỉ ngồi đó mơ ước có sức khỏe.
- ...
- Bác sĩ còn nói ''đầu tư cho sức khỏe là đầu tư có lời nhất''.
- ...
- Cô biết mà ... Nhưng ông chồng cô, người đã bỏ mẹ con cô gần hai mươi năm để đi theo tình nhân nay bỗng trở về. Trở về với căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Ban đầu khi ổng bấm chuông, cô định không mở cửa, không cho vô, nhưng nhìn thấy ổng tiều tụy xơ xác quá, lòng không nỡ ... Với lại ổng là ba của hai đứa con mình nữa. Đành đoạn sau.
- ...
- Cô cho ổng về, bác sĩ ạ. Và cô phải chăm sóc người bệnh cả năm, cô cứ mua toa thuốc của bác sĩ uống. Hôm qua vừa 49 ngày của ổng. Mọi thứ đã xong, cô đi tái khám với bác sĩ ngay.
Buổi chiều thứ sáu, nắng nóng kinh khủng, mọi thứ trở nên ngột ngạt và bức bối ... nhưng nghe cô Lan, người bệnh cuối ngày kể chuyện mình cảm nhận như đất trời vừa được tưới mát bởi một cơn mưa. Cơn mưa của tình thương, của lòng bao dung trắc ẩn, của nghĩa vợ tình chồng.
Thật, không thể đếm hết trong xã hội có này bao nhiêu gia đình, mà người chồng đã ra ngoài có tình nhân, phản bội vợ và bỏ bê con, hay nhẹ nhàng hơn là ''quan hệ qua đường'' một vài lần rồi thôi. Và trong số đó, có bao nhiêu người chồng sau thời gian ra đi, lại trở về bên vợ bên con với thân xác bệnh tật và túi rỗng.
Hình như phần lớn người phụ nữ Việt Nam luôn sống theo cách đó, dù họ biết họ đang chịu nhiều thiệt thòi và mất mát. Thời con gái, tuổi thanh xuân vốn ngắn ngủi ... Nhưng đối với họ, được sống, được yêu thương, được vun vén lo cho đàn con bé bỏng ... đó là niềm hạnh phúc lớn lao, nên họ đã chấp nhận tất cả.
Có ai biết được rằng, chạy đuổi theo phù du, chỉ vớt được phù du. Có ai biết được rằng, mỗi bước chân đi phải cẩn trọng, bởi đôi khi vì cảm xúc nhất thời nào đó, mà phá nát cả một đời sống yên bình trong mái nhà.
Những đứa con, có tha thứ cho cha? Những người vợ lúc nào cũng bao dung?
- Cháu khâm phục cô thiệt. Ngần ấy năm trời một mình gánh chè đi bán nuôi con. Ngần ấy năm trời thui thủi chấp nhận cô đơn trong khi có biết bao đòi hỏi về tâm sinh lý. Ngần ấy năm trời gầy dựng nên mái nhà đàng hoàng ... Rồi người ta về ... Cô lại chăm sóc lại lo chu toàn ma chay ...
- Bác sĩ biết sao không, có câu thơ rằng ''sống ở đời mắc lỗi lầm không sợ, sợ lòng người không đủ bao dung ...''. Sống ở đời này cần lắm lòng bao dung. Lòng bao dung mở cho nhau con đường quay về, mở cho nhau một lối thoát, và mở cho mình một bầu trời trong không nặng nề oán hận.
- Tháng ngày cuối đời, ổng đã khóc nhiều, có lẽ là những giọt nước mắt ăn năn. Nhưng cô nói : chuyện gì đã qua, hãy để cho nó qua đi, cứ giữ mãi trong lòng không tốt. Hai đứa con cô nó cũng nói thế.
Cô nhận lại sổ khám bệnh và chào mình về. Mười sáu giờ đúng, mình cũng đứng lên ra về. Tự dưng mình thấy lòng đầy ắp những niềm vui. Sài Gòn như dịu lại, như rộng ra.
Ừ thì, sống trong đời cần lắm lòng bao dung nhân hậu. Khi có lòng bao dung nhân hậu rồi, chúng ta sẽ nhìn thấy trong những lỡ lầm của người còn có chỗ để thương, trong những hoang tàn đổ nát của xã hội còn có chỗ để tin.
Mất niềm tin chúng ta mất nhiều thứ lắm.
Và mất tình thương, lòng bao dung rồi, chúng ta mất tất cả.