NGUYỄN HỮU ĐỨC

Giải đáp một số thắc mắc trong sử dụng thuốc kháng sinh ở trẻ em

TS.DS. Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP.HCM)

Sử dụng kháng sinh (KS) nhất thiết phải đạt hiệu quả, an toàn và hợp lý. Người không có những hiểu biết cơ bản về KS không thể nào sử dụng đạt các mục tiêu trên. Có lời khuyên phải dùng KS theo chỉ định của bác sĩ vì bác sĩ là người biết rõ việc sử dụng KS, biết khi nào sử dụng, cần lựa chọn loại gì để cho dùng đúng thuốc, đúng cách, đủ liều, đủ thời gian. Chính người trực tiếp sử dụng thuốc cũng cần có những hiểu biết cơ bản về KS, phải biết thắc mắc để tìm hiểu những điều còn nghi ngờ với những nhà chuyên môn là bác sĩ, dược sĩ về sử dụng KS để sử dụng KS sao cho đúng. Trong thời gian qua, chúng tôi nhận được một số thắc mắc về sử dụng KS đặc biệt ở trẻ em, xin nêu ra đây cùng với lời giải đáp.
Nghe nói trẻ bị sốt, cảm cúm là bị nhiễm khuẩn, tại sao không được dùng ngay KS?
Một số bệnh nhiễm khuẩn thường có triệu chứng sốt nhưng không phải tất cả các trường hợp sốt đều do nhiễm khuẩn. Thí dụ, trẻ có thể bị sốt do mọc răng hay cảm nắng. Do vậy, khi trẻ sốt thì đừng vội cho dùng ngay KS mà hãy tìm cách hạ nhiệt cho trẻ bằng cách cho dùng thuốc hạ nhiệt paracetamol hay đắp trán, lau mình bằng khăn nhúng nước mát. Còn đối với cảm cúm là do siêu vi (còn gọi là virut) gây ra, KS không có tác dụng chữa trị bệnh do siêu vi. Có thể trẻ bị viêm mũi, viêm hầu họng, nhưng chỉ bị nhiễm siêu vi và chưa có biến chứng thì dùng KS không những không có tác dụng mà còn có thể gây tình trạng đề kháng KS (kháng thuốc) về sau. Trong trường hợp này, nếu trẻ bị sốt chỉ nên cho dùng thuốc hạ nhiệt, kèm theo hút sạch mũi, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% (pha 9g muối NaCl trong 1 lít nước sạch hoặc hỏi mua ở nhà thuốc). Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm khuẩn, nên cho trẻ đến bác sĩ để được khám, định bệnh chính xác và chỉ định dùng KS khi cần thiết. Xin được nhắc lại, cho trẻ dùng KS theo sự chỉ định của bác sĩ là an toàn nhất. Chỉ có bác sĩ mới xác định được trường hợp nhiễm siêu vi kèm theo bội nhiễm vi khuẩn (triệu chứng viêm nhiễm kéo dài không bớt, có xu hướng nặng thêm). Lúc này rõ ràng dùng KS là cần thiết, bác sĩ sẽ cho dùng KS.
Biết rằng dùng KS bắt buộc phải đủ liều, tại sao ở những lần khám bệnh khác nhau, bác sĩ chỉ định cho dùng thuốc khác nhau, như có lần bác sĩ cho dùng 3 lần (còn gọi là 3 cữ) trong ngày, lần khác lại là 2 lần/ngày, nhưng đặc biệt có khi chỉ dùng 1 liều duy nhất trong ngày?
Tuy bác sĩ chỉ định cho dùng thuốc số lần khác nhau như thế nhưng đều là đúng liều. Bởi vì tùy theo loại KS, có KS bị đào thải ra khỏi cơ thể nhanh quá, phải dùng nhiều lần trong ngày, nhưng có KS được giữ lại trong cơ thể lâu hơn và duy trì tác dụng nên chỉ cần dùng một lần duy nhất trong ngày. Như erythromycin là kháng sinh thông thường phải uống 3-4 lần/ngày, trong khi đó azithromycin là kháng sinh mới cùng nhóm macrolid với erythromycin chỉ cần uống 1 lần trong ngày.
Biết rằng dùng KS phải đủ thời gian, nên trẻ em bị bệnh bác sĩ chỉ định dùng thuốc 10 ngày nhưng đến ngày thứ 5 cháu có vẻ hoàn toàn khỏi, ngưng dùng thuốc lúc này có được không? Hoặc đợt điều trị thông thường đối với nhiều KS phải từ 5 ngày trở lên, vậy tại sao gần đây trẻ em bị viêm tai giữa được khám, bác sĩ cho uống KS chỉ trong 3 ngày?
Nên lưu ý, phải dùng KS theo đúng chỉ định của bác sĩ. Triệu chứng bệnh như sốt, đau (như đau họng trong viêm họng) có vẻ hết nhưng nhiễm khuẩn vẫn còn, cần dùng KS đủ thời gian theo đơn thuốc của bác sĩ để tiêu diệt hết vi khuẩn. Thông thường, dùng KS đủ thời gian phải từ 5 ngày trở lên. Tuy nhiên, một số KS mới được dùng gần đây có thể rút ngắn thời gian điều trị. Như azithromycin có thể dùng trong 3 ngày, cho hiệu quả điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn tương đương với một số KS khác phải uống trong 10 ngày.
Trẻ em được bố mẹ cho dùng KS nhầm với liều dành cho người lớn bị ngứa, nổi mẩn ngoài da, phải chăng dùng quá liều KS thì bị dị ứng?
Trường hợp dùng quá liều thuốc bị tai biến được gọi là ngộ độc thuốc. Đối với dị ứng thuốc, trong đó có dị ứng KS, chỉ cần tiếp xúc với liều thật nhỏ vẫn có thể bị rối loạn này. Có rất nhiều tác nhân trong môi trường, thức ăn, thức uống gây ra dị ứng. Vì vậy, trong trường hợp vừa nêu không thể khẳng định dị ứng là do dùng KS. Điều hết sức lưu ý là đối với trẻ phải dùng thuốc đúng liều, nếu quá liều là rất nguy hiểm.

TS.DS. Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP.HCM)


8 điều cần biết về một loại thuốc trước khi sử dụng
Câu chuyện về PENICILLIN
Cần tăng cường chất kháng ô-xy hóa ngoại sinh
Dùng thuốc trị tiêu chảy đúng cách
Giải đáp một số thắc mắc trong sử dụng thuốc kháng sinh ở trẻ em
Mùa xuân nói chuyện nước hoa
Thuốc bổ chống oxy hóa: Selenium, Vitamin E, A, C
Vacxin ngừa ung thư cổ tử cung: tin vui chưa trọn vẹn


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn