NGUYỄN HỮU ĐỨC

Dùng thuốc trị tiêu chảy đúng cách

TS. DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC - 10/6/2005

Tiêu chảy là tình trạng đi tiêu nhiều lần trong ngày và lỏng (phân có khi chỉ là nước) do ruột tăng cường sự co thắt và nước không hấp thu qua niêm mạc ruột. Gọi là tiêu chảy cấp khi tình trạng tiêu chảy kéo dài trong 2 tuần. Còn tiêu chảy mạn kéo dài trong thời gian lâu hơn và có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp Tiêu chảy chỉ là triệu chứng, do khá nhiều nguyên nhân gây ra: - Dị ứng hoặc rối loạn do ngộ độc thực phẩm. - Nhiễm trùng: Do nhiễm siêu vi (còn gọi là virus như Rotavirus), nhiễm vi khuẩn (Shigella, Samonella, E. coli…), nhiễm ký sinh trùng (amip). - Do thuốc: Như dùng kháng sinh dạng uống có phổ kháng khuẩn rộng, đặc biệt có kháng sinh gây chứng viêm đại tràng giả mạc rất nặng. Những điều cần lưu ý khi bị tiêu chảy cấp - Do tiêu chảy cấp gây mất nước và chất điện giải nên trong điều trị, đặc biệt là đối với trẻ em, vấn đề hàng đầu được đặt ra là bù nước và chất điện giải. Tức là, trước khi tính đến chuyện cầm tiêu chảy, hãy dùng gói Oresol (đối với trẻ em, có thể đến 80% tiêu chảy là do nhiễm siêu vi, trường hợp này chỉ cần bù nước và chất điện giải là có thể khỏi). - Trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, chất độc, dùng thuốc cầm ngay tiêu chảy là không có lợi, vì cơ thể cần “tiêu chảy” để tống chất độc ra khỏi cơ thể. Chỉ khi tiêu chảy không khu trú, kéo dài mới tính đến chuyện dùng thuốc cầm tiêu chảy. - Chỉ khi xác định chính xác nguyên nhân gây tiêu chảy thì mới dùng thuốc đặc hiệu; Như bị nhiễm khuẩn sẽ dùng kháng sinh, nhiễm ký sinh trùng dùng thuốc trị ký sinh trùng (Ví dụ bị lỵ amip dùng metronidazol…), bị viêm loét đại tràng có thể dùng thuốc chống viêm glucocorticoid… Muốn sử dụng các thuốc đặc hiệu vừa kể, phải có sự chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ, chứ không thể tự ý dùng tùy tiện. Những lưu ý khi dùng thuốc trị tiêu chảy cho trẻ em - Nếu trẻ dưới 2 tuổi hoặc lớn hơn bị tiêu chảy có kèm theo sốt, nôn ói kéo dài (quá 4 lần trong 1 giờ), quá mệt mỏi, có dấu hiệu mất nước nặng, phân có lẫn đàm máu, tiêu chảy quá nhiều, kéo dài quá 3 ngày, không tự chữa trị mà nên đưa trẻ đi bệnh viện. - Để phòng ngừa suy dinh dưỡng, vẫn cho trẻ ăn, bú (nếu bú sữa bò nên pha loãng), không nên bắt trẻ nhịn trong suốt thời gian bị tiêu chảy. Các loại thuốc trị tiêu chảy Thuốc trị tiêu chảy thường dùng là thuốc trị triệu chứng, làm giảm sự co thắt của ruột, giảm sự tiết dịch qua phân, do đó làm giảm đau bụng và giảm đi tiêu, giúp cô đặc phân. - Thuốc là chất làm giảm hay liệt nhu động ruột: Đây là thuốc cho tác dụng cầm tiêu chảy nhanh, mạnh nhưng phải rất thận trọng khi dùng vì thuốc gây tác dụng phụ, đặc biệt có thuốc gây nghiện và trẻ em không dùng được. Thí dụ: Paregoric thực chất có chứa cao thuốc phiện gây nghiện, chống chỉ định đối với trẻ dưới 5 tuổi. Còn diphenoxylat, loperamid là thuốc tổng hợp không gây nghiện, ít tác dụng phụ hơn nhưng vẫn tránh dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. - Thuốc là vi sinh vật giúp ổn định tạp khuẩn ruột: Trong ruột già chúng ta có rất nhiều vi khuẩn, gọi là hệ tạp khuẩn ruột. Khi hệ này bị rối loạn, vi khuẩn có ích bị chết đi, một số vi khuẩn gây bệnh tăng sinh sẽ dẫn đến tiêu chảy. Thuốc loại này là những chế phẩm chứa các vi sinh vật có ích như: tế bào men (levure như Saccharomyces cerevisiae), vi khuẩn (Lactobacillus acidophilus, vi khuẩn loại bifidus…) nhằm tái lập lại sự cân bằng của hệ tạp khuẩn ruột. - Thuốc là chất hấp phụ: Chất hấp phụ là chất trơ về mặt hóa học và có cấu trúc đặc biệt, có khả năng hút giữ vi khuẩn, độc tố vi khuẩn, siêu vi, khí sinh ra trong ống tiêu hóa (là những thứ gây kích thích niêm mạc) và sau đó được thải ra ngoài kéo theo các chất mà nó hút giữ. Chất hấp phụ không hòa tan và không hấp thu nên dùng tương đối an toàn. Vì có cơ chế tác dụng như vừa kể, nên chất hấp phụ thích hợp điều trị tiêu chảy có kèm chướng bụng và do đường tiêu hóa bị nhiễm độc (ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn). Than hoạt là chất hấp phụ được dùng từ lâu đời. Để trị tiêu chảy, than hoạt thường được phối hợp với thuốc chống co thắt, thuốc sát khuẩn đường ruột. Đặc biệt, chất hấp phụ được dùng trị tiêu chảy phổ biến là hợp chất vô cơ như smectite, attapulgite. Attapulgite là hợp chất chứa chủ yếu nhôm silicat được hoạt hóa để dùng làm thuốc, có các đặc tính như: khả năng hấp phụ cao, làm tăng độ đặc của phân, bao phủ và bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa bị viêm, nên thích hợp trong điều trị tiêu chảy. Khi sử dụng thuốc là chất hấp phụ, cần lưu ý chỉ sử dụng thuốc trước hoặc sau khi sử dụng các loại thuốc khác cần sự hấp thu ít nhất 2 giờ, bởi vì chất hấp phụ không được hấp thu sẽ cản trở sự hấp thu của thuốc uống cùng với nó.


8 điều cần biết về một loại thuốc trước khi sử dụng
Câu chuyện về PENICILLIN
Cần tăng cường chất kháng ô-xy hóa ngoại sinh
Dùng thuốc trị tiêu chảy đúng cách
Giải đáp một số thắc mắc trong sử dụng thuốc kháng sinh ở trẻ em
Mùa xuân nói chuyện nước hoa
Thuốc bổ chống oxy hóa: Selenium, Vitamin E, A, C
Vacxin ngừa ung thư cổ tử cung: tin vui chưa trọn vẹn


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn