NGUYỄN HỮU ĐỨC

VACXIN NGỪA UNG THƯ CỔ TỬ CUNG: TIN VUI CHƯA TRỌN VẸN!

Tác giả : TS. DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học Y dược TP.HCM)

Gần đây các phương tiện truyền thông có đưa tin vacxin có tên Gardasia được thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn ở nhiều nước chứng tỏ có tác dụng phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Tin này không những làm cho giới chuyên môn phấn khởi mà còn tạo nỗi vui mừng khôn xiết đối với chị em phụ nữ trên toàn thế giới. Bởi vì, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư đứng hàng đầu đối với phụ nữ và mỗi năm có thể gây tử vong gần 300.000 phụ nữ trên toàn cầu.

MỚI CHỈ LÀ NGHIÊN CỨU

Nếu thật sự “Vacxin Gardasie cho thấy hiệu quả ngăn ngừa 100% ung thư cổ tử cung do nhiễm virus HPV (Human papilloma virus)” như một số hãng thông tấn loan báo thì cơ may phòng ngừa các bệnh nhiễm virus khác (như nhiễm HIV/AIDS đang gây khủng hoảng toàn thế giới chẳng hạn) là rất lớn. Đối với bệnh gây ra bởi virus, cách tốt nhất để khống chế các bệnh này là phòng ngừa bằng vacxin hữu hiệu. Tuy nhiên, đối với một số nhà khoa học có tính dè dặt, thông tin ban đầu về loại vacxin phòng ngừa bệnh có tính đột phá này đủ để đem đến tin vui gọi là trọn vẹn. Bởi vì dù trải qua một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên quy mô rất lớn trên nhiều quốc gia, kết quả thử nghiệm vẫn còn một số hạn chế được kể như sau:

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đối với vacxin Gardasil được đặt tên Future II (viết tắt của Female United to Unilaterally Reduce Endo/Ectocervical disease) là nghiên cứu có định hướng, ngẫu nhiên, mù đôi. Nghiên cứu được thực hiện trên 12.167 phụ nữ trong lứa tuổi 16-23 đã có quan hệ tình dục và các dữ kiện được thu thập từ hơn 90 trung tâm nghiên cứu của 13 quốc gia thuộc châu Âu, châu Á và các nước châu Mỹ, kéo dài trong 2 năm. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá hiệu quả của vacxin liệu có làm giảm tần suất mắc giai đoạn tiền ung thư (loạn sản tế bào nội thượng bì cổ tử cung độ 2 và 3) và ung thư không xâm lấn (carcinoma in situ) do liên quan đến virus HPV thuộc 2 dòng 16 và 18. Ta cần biết, HPV là tác nhân gây bệnh mào gà (một bệnh lây qua đường tình dục với thương tổn ở cơ quan sinh dục sần sùi như mào gà) có rất nhiều chủng loại nhưng có 2 chủng 16 và 18 liên quan đến 70% ung thư cổ tử cung liên kết với HPV có nguy cơ cao. Kết quả của nghiên cứu Future II thật ra chỉ mới được công bố dưới dạng một tóm tắt nghiên cứu (abstract) báo cáo tại Hội nghị thường niên lần thứ 43 của Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ diễn ra vào đầu tháng 10/2005 chứ chưa phải là bài báo khoa học đã được bình duyệt và đăng tải chính thức.

TIN VUI CHƯA TRỌN VẸN

Kết quả của nghiên cứu đi đến kết luận: “Trong nghiên cứu này vacxin dự phòng nhiễm HPV có tác dụng ngăn ngừa loạn sản tế bào nội thượng bì cổ tử cung độ 2 và độ 3, ung thư không xâm lấn, qua 2 năm theo dõi sau khi chủng ngừa “chứ không khẳng định” vacxin có tác dụng ngăn ngừa ung thư cổ tử cung 100% như một số báo đã nêu. Về tiến triển của ung thư cổ tử cung, có đến 5 giai đoạn từ loạn sản nhẹ (độ 1) đến biểu hiện ung thư xâm lấn. Việc nghiên cứu của Future II về hiệu quả của Gardasie trên ung thư cổ tử cung có liên quan đến HPV, thực chất chỉ mới dừng lại ở giai đoạn tiền ung thư hoặc ung thư không xâm lấn. Hơn nữa, nhiễm HPV không phải là nguyên nhân duy nhất mà chỉ là một yếu tố nguy cơ cao của hậu quả là ung thư cổ tử cung về sau. Có nghĩa là đa số người bị ung thư này có tiền sử nhiễm HPV đều bị ung thư cổ tử cung (trong thực tế 90% người bị ung thư cổ tử cung có nhiễm HPV nhưng ngược lại, chỉ có 0,16% phụ nữ bị nhiễm HPV ban đầu mới bị ung thư thực thụ về sau). Như vậy, việc dùng vacxin chống nhiễm trùng HPV không có tác dụng tuyệt đối trong ngăn ngừa ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, mà chỉ có tác dụng giảm bớt tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh phần nào mà thôi. Và để đánh giá chính xác hiệu quả thực của vacxin liệu có thể làm giảm tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh thì sau khi dùng vacxin, cần phải đợi hàng chục năm (chứ không phải trong hai năm), theo đúng tiến trình nhiễm HPV ban đầu dẫn đến ung thư xâm lấn mới có câu trả lời chính xác.

Trên đây là ý kiến của các nhà khoa học có tính dè dặt, cầu toàn về kết quả thử nghiệm lâm sàng của vacxin Gardasil. Ý kiến đúng là hạn chế, làm cho sự vui mừng của nhiều người không được trọn vẹn. Nhưng đây cũng là sự kích thích làm sao tìm ra biện pháp tối ưu xuất phát từ việc đã nghiên cứu vacxin để đi đến ngăn ngừa 100%, ung thư cổ tử cung mà các nhà khoa học đã ấp ủ, mơ ước bấy lâu nay. Trong khi chờ đợi có được biện pháp tối ưu đó, để tự phòng ngừa xin các chị em phụ nữ thực hiện khuyến cáo về cách phòng chống ung thư cổ tử cung của các nhà y học. Đó là đi khám định kỳ phụ khoa để được làm phết mỏng âm đạo (Pap smear, còn gọi phiến đồ cổ tử cung) để xác định tiền ung thư hay ung thư giai đoạn sớm. Phát hiện bệnh sớm trong giai đoạn này và chữa trị tốt xem như giải quyết dứt điểm. Ở các nước tiên tiến, người ta khuyên nữ giới ở tuổi 25 nên làm phết mỏng âm đạo và sau đó cứ 3 năm khám phụ khoa 1 lần cho đến tuổi 49. Còn phụ nữ ở độ tuổi 50-64 nên theo đúng định kỳ hàng năm một lần đến các cơ sở khám bác sĩ chuyên khoa.

Chú thích ảnh:

Human papilloma virus qua kính hiển vi điện tử.


8 điều cần biết về một loại thuốc trước khi sử dụng
Câu chuyện về PENICILLIN
Cần tăng cường chất kháng ô-xy hóa ngoại sinh
Dùng thuốc trị tiêu chảy đúng cách
Giải đáp một số thắc mắc trong sử dụng thuốc kháng sinh ở trẻ em
Mùa xuân nói chuyện nước hoa
Thuốc bổ chống oxy hóa: Selenium, Vitamin E, A, C
Vacxin ngừa ung thư cổ tử cung: tin vui chưa trọn vẹn


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn