LƯƠNG LỄ HOÀNG

Đổi e thành i

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

Cơ thể bắt buộc phải phản ứng mỗi lần gặp stress. Nhưng vấn đề cốt lõi lại không gắn liền với tính chất phản xạ của bản năng sinh tồn, mà do các hiện tượng thứ cấp sau khi cơ thể đã phản ứng.

 

Cụ thể hơn, cơ thể sinh bệnh không phải vì tác động trực tiếp của stress mà do tác dụng sau đó của lượng nội tiết tố chống stress còn tồn đọng trong cơ thể, khiến huyết áp tăng cao, tim đập loạn nhịp, rối loạn tiêu hóa, suy giảm chức năng tư duy… Tình trạng này không có tính cố định mà thay đổi tùy theo mỗi đối tượng. Nói một cách hình tượng, tùy theo người “cứng cựa” hay “run tay” trước stress mà lượng nội tiết tố chống stress sẽ được phóng thích vừa đủ xài, hay quá thừa thãi. Trong trường hợp sau, nếu stress xảy đến liên tục thì nguy cơ tích lũy nội tiết tố chống stress càng cao, người bị stress càng dễ suy sụp về mọi mặt.

 

Như thế, nếu không tránh được stress, và chắc chắn sẽ không tránh được trong cuộc sống hiện nay, giải pháp chỉ còn là làm sao phân hủy lượng nội tiết tố stress còn thừa sau mỗi lần đối đầu với stress, càng nhanh càng tốt, càng sớm càng hay. Một trong các biện pháp tương đối khả thi chính là hoạt động thể dục thể thao. Nếu hiểu nhờ rượt theo trái bóng hay tạo dáng cho thể hình bằng quả tạ nên stress sợ quá mà rút lui thì hiểu sai. Không phải vì đổ mồ hôi mà chính tình trạng tâm lý thoải mái khi tham gia hoạt động thể dục thể thao là liều thuốc đối kháng với tác dụng phụ của nội tiết tố chống stress. Nói đúng hơn, nội tiết tố endorphin, hoạt chất gây thư giãn cho toàn bộ cơ thể, khi được phóng thích trong lúc và sau quá trình vận động, là đòn bẩy để trung hòa các loại nội tiết trước đó vì muốn chống stress nên gây co thắt từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.

 

Trên cơ sở vừa trình bày, người muốn tìm vui trong vận động không nhất thiết phải chọn bộ môn có đụng chạm để mong lấy thịt đè… stress! Không khéo sẽ phản tác dụng, vì hình thức thể dục thể thao nếu quá căng thẳng, nếu đòi hỏi ăn thua đến cùng, lại là một thể dạng stress mới, trong khi cơ thể đã quá ngao ngán với stress. Trái lại, các hình thức nhẹ nhàng, thậm chí không cần được thua, các thể dạng giúp vận động viên qua đó có đủ thời giờ để nghĩ nhiều hơn về chính mình, để ngẫm rõ hơn về cuộc đời, như chạy bộ, đạp xe, bơi lội… chắc chắn có ích hơn cho người đã bị thương vì stress. Doanh nhân ở Nhật, nơi stress dường như có mặt “mọi lúc mọi nơi”, ắt không vô cớ mà cho điểm cao môn bắn cung. Có lẽ để người tập bắn khi nhắm bia chợt thấy rõ hơn về ý nghĩa và mục tiêu của cuộc sống.

 

Như đã trình bày, hoạt động thể dục thể thao là “mánh” để cơ thể tổng hợp endorphin. Mục tiêu đó khó mà khả thi nếu người tập suốt ngày đã tự đầu độc cơ thể bằng thuốc lá, cà phê, rượu bia, bữa ăn thất thường, khẩu phần đơn điệu. Cơ thể nào mà tổng hợp endorphin cho nổi với quy trình biến dưỡng tréo cẳng ngỗng. Làm sao phân hủy lượng thừa của nội tiết tố chống stress khi các loại sinh và khoáng tố cần thiết cho phản ứng biến dưỡng đã tiêu sạch theo khói thuốc, cặn cà phê, men rượu? Chọn tập thể dục mà không thay đổi được thói xấu trong nếp sinh hoạt thường ngày thì tập chi cho thêm cực thân!

 

Không hẳn phải luôn luôn động mới tìm ra giải pháp. Có khi chỉ cần hiểu thêm một chút về tĩnh. Biện pháp kế tiếp để vừa đốt sạch lượng nội tiết tố chống stress còn núp đâu đó trong cơ thể, vừa tiếp sức cho sức kháng bệnh chính là giấc ngủ! Qua một công trình nghiên cứu rất công phu, Trung tâm Nghiên cứu giấc ngủ ở Đại học Lubeck, CHLB Đức, đã chứng minh:

- Hàm lượng kháng thể, cụ thể là quy trình tổng hợp kháng thể và huy động thực bào, tăng lên gấp nhiều lần chỉ sau một đêm ngủ ngon.

- Hoạt tính kháng bệnh của hệ miễn nhiễm đạt đến cao điểm vào lúc 1 giờ và chấm dứt vào 3 giờ sáng. Tín hiệu được ghi vào bộ nhớ lâu dài là các hình ảnh được não bộ phân tích cũng trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 3 giờ sáng. Như thế, người càng thức khuya thì sức đề kháng càng ít có thời giờ để đua nước rút. “Ngủ sớm, dậy sớm giúp con người khỏe mạnh và giàu có”, ngạn ngữ Mỹ cũng không diễn tả điều gì khác hơn.

- Giấc ngủ là phương tiện tuyệt vời để tiêu hao năng lượng và hạ lượng đường trong máu. 70% số người ngủ không đủ sáu giờ trong ngày là đối tượng tăng trọng cho đến trở thành béo phì, cho dù có kiêng ăn cữ béo gắt gao. Bệnh tiểu đường, mặc dù người bệnh không hề lạm dụng chất ngọt, vẫn chiếm tỷ lệ rất cao ở người mất ngủ hay không thể ngủ vì lý do nghề nghiệp, như nhân viên bảo vệ, nhà hàng bán khuya, trực đêm bệnh viện...

 

Sau hết, đừng tưởng mượn rượu giải sầu có thể tạm quên stress. Rượu chỉ là một loại thuốc an thần... giả! Sau vài giờ say mèm thì hệ thần kinh đột ngột trở lại tình trạng hưng phấn, nghĩa là hệ thống kháng bệnh chưa kịp rồ ga ngon trớn thì lại tắt máy giữa đường. Stress chỉ đợi có thế để đánh bồi vào sáng hôm sau.

 

Có một điều chắc chắn. Người không có giấc ngủ sâu tối thiểu đến 3 giờ sáng không cần phải tìm thầy chạy thuốc chống stress làm gì cho nhọc công dã tràng, vì đàng nào cũng nắm chắc phần thất bại! Giải pháp phòng chống hậu quả của stress trên thực tế cũng không quá nhiêu khê đến độ phải mưu cầu biện pháp phức tạp. Yếu tố quyết định nằm ngay trung điểm của cán cân quân bình giữa cung ứng và tiêu hao năng lượng, sao cho nội tiết tố chống stress một khi có mặt trong cơ thể thì phải được dùng cho hết.

 

Không thể có nghệ thuật nếu thiếu sáng tác. Nhưng trong nghệ thuật sống đôi khi không cần đến độ cầu kỳ như thế, mà chỉ cần biết cách hoán chuyển nhẹ nhàng. Tiếng Việt thật tuyệt vời không chỉ nhờ âm điệu hay ý nghĩa tượng hình. Tiếng Việt còn khéo vô cùng nhờ đủ kiểu chơi chữ. Đang từ chỗ tuyệt vọng vì sắp hết thỞ chỉ cần thay Ê thành I thì có ngay hít thỞ để cuộc đời vẫn đẹp làm sao.  


'Bệnh' lạm dụng siêu âm
Bứt mây động rừng
Giữ nếp sống cân bằng để tránh Hội chứng Ngày thứ hai
Nuôi ong tay áo
Trễ chuyến tàu đêm
Đổi e thành i
Đừng quên lên dây “đồng hồ sinh học”


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn