LƯƠNG LỄ HOÀNG

Bứt mây động rừng

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
 

Số người bệnh than vắn thở dài vì chứng viêm xoang là một trong mấy điều ngoài dự kiến sau những lần tiếp cận với nhiều giới bệnh nhân thời gian qua. Thực tế đó đã khiến tôi tiến hành một "thống kê bỏ túi" với 50 đối tượng thuộc nhiều nhóm nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác khác nhau. Lời thật khó tránh mất lòng. Tôi đã phải đắn đo thật lâu trước khi quyết định mượn trang báo tuần này để "bàn ra tán vào" về kết quả của cuộc khảo sát…

Cho dù nhiều yếu tố có thể là "điều kiện bắc cầu" khiến xoang mũi, xoang trán, xoang sàn rơi dần vào cảnh viêm tấy, như môi trường ô nhiễm, thay đổi khí hậu..., nhưng không phải vì thế mà mọi người đều đồng loạt sổ mũi hay nghẹt mũi như nhau. Trong đa số trường hợp, viêm xoang không vô cớ mà thành hình theo kiểu "trái thị rớt bị bà già". Ngược lại, viêm xoang rất thường khi là hậu quả của bệnh nào đó trong vùng lân cận đã không được phát hiện và điều trị đến nơi đến chốn. Nguyên nhân gây viêm xoang, vì thế tương đối đa dạng, có thể từ viêm tai bước qua viêm họng cho đến viêm thanh quản... và đặc biệt là sâu răng! Tuy vậy, trong số 50 bệnh nhân tham dự điều tra, chỉ có hai bệnh nhân đã được thầy thuốc gửi đến đồng nghiệp chuyên khoa khác để hội chẩn! Hơn thế nữa, 40 người bệnh được điều trị bởi thầy thuốc không thuộc chuyên khoa tai mũi họng! 36 bệnh nhân thậm chí chưa từng được khám mũi để xác định mức độ dị ứng, viêm nhiễm, xuất huyết hay thoái hóa trên niêm mạc hốc mũi! Điều đáng thắc mắc là có đến 46 bệnh nhân sau nhiều ngày mòn mỏi đã hơn một lần bạo gan hỏi thăm nhà điều trị về nguyên nhân sinh bệnh nhưng không nhận được… câu trả lời!

Với thầy thuốc có thừa kinh nghiệm lâm sàng thì hình quang tuyến thường đã đủ để chẩn đoán viêm xoang. Nhưng để theo dõi tiến triển của bệnh cũng như ảnh hưởng của tình trạng viêm tấy dai dẳng trên các chức năng khác thì chỉ với hình chụp X-quang sẽ không đủ để thầy thuốc làm việc hiệu quả. Thế mà chỉ có 36 bệnh nhân được chẩn đoán viêm xoang nhờ triệu chứng phát hiện trên hình quang tuyến. 28 bệnh nhân chưa hề được xét nghiệm máu mặc dù đã được điều trị nhiều tháng vì viêm xoang. Điểm khó giải thích là có đến 16 bệnh nhân được chụp hình cắt lát não bộ, 14 bệnh nhân đi xa hơn nữa với điện não đồ, trong khi hơn 20 bệnh nhân chưa được xét nghiệm công thức bạch cầu hay vận tốc lắng máu, nghĩa là chỉ tiêu tối thiểu để đánh giá tiến độ viêm nhiễm!

Mặc dù còn nhiều điểm cần tranh cãi về kết quả xét nghiệm nhưng tất cả 50 bệnh nhân đều được chẩn đoán là viêm xoang! 42 trong số đó đã buộc lòng đồng ý với kết quả viêm xoang như một điều rất bình thường mà không hề có dịp thắc mắc về mức độ chính xác của chẩn đoán. 39 trong số đó còn lịch sự hơn nữa khi chưa lần nào đặt thẳng vấn đề với thầy thuốc: nếu chẩn đoán đúng thì tại sao bệnh chữa mãi vẫn không lành!

Viêm không đồng nghĩa với nhiễm. Dù vậy, tất cả 50 bệnh nhân đều đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh. 34 trong số đó thậm chí đã nếm qua hơn năm loại kháng sinh khác nhau trong thời gian điều trị tương đối ngắn ngày. 47 bệnh nhân được trị liệu liên tục bằng thuốc kháng sinh trong thời gian không dưới ba tháng! Điểm nổi bật nhất chính là không có người bệnh nào được giải thích, dù chỉ tóm tắt, về tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Chỉ hai trong số 50 bệnh nhân đã được bổ sung men vi sinh đường ruột, nhưng cũng lúc có lúc không trong suốt liệu trình, trong khi thầy thuốc nào tối thiểu cũng hiểu về tác dụng ngoài ý muốn của thuốc kháng sinh trên cộng đồng vi sinh tá túc trong khung ruột.

Viêm xoang, nếu tái diễn không dứt, là dấu hiệu cho thấy sức kháng bệnh của gia chủ có vấn đề. Thế mà trong số 50 đối tượng được khảo sát, chỉ tìm thấy trên toa thuốc của một bệnh nhân ít loại thuốc gọi là thuốc bổ. Ngược lại, cơ thể của 49 người bệnh hầu như thường xuyên phải đối đầu với gánh nặng của hàng loạt dược phẩm kháng sinh, long đờm, giảm đau, chống dị ứng, chống xuất tiết…, nghĩa là các loại thuốc dễ làm lá gan, trái thận phải "thấm mệt". Điểm đáng tiếc là các loại thuốc có chứa sinh tố, khoáng tố cần thiết cho quy trình phục hồi của niêm mạc, các loại dược phẩm có công năng tăng cường hoạt tính của hệ miễn nhiễm rõ ràng không thiếu nhưng không hiểu sao lại quá xa lạ trên toa thuốc trị viêm xoang?

Trong số 50 bệnh nhân phải đau khổ vì sụt sịt, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi… mỗi khi trở trời, có đến 40 bệnh nhân không hài lòng với kết quả điều trị. Điểm đáng nói không phải là kết quả trên thực tế mà vì không có nhà điều trị nào khuyên bệnh nhân nên tìm thầy thuốc khác sau thời gian dài "tiền mất mà tật vẫn mang"! Tất nhiên, cũng không có thầy thuốc nào khuyên người bệnh thử áp dụng một phương pháp khác, chẳng hạn châm cứu hay dùng thuốc cây cỏ. Ngược lại, hơn phân nửa số bệnh nhân cho dù đã thất vọng vẫn tiếp tục chấp nhận hình thức trị liệu rõ ràng là không hiệu quả.

Nói chi đến trường hợp thất bại, ngay cả trong nhóm 10 đối tượng may mắn, không có người nào được hướng dẫn về các phương pháp hỗ trợ để một mặt duy trì tác dụng và mặt khác ngăn ngừa khả năng tái phát, chẳng hạn cách xông mũi và cổ họng bằng tinh dầu có tính kháng viêm, vệ sinh răng miệng bằng dược thảo, hay đơn giản nhưng hữu hiệu hơn nữa, biện pháp ngâm chân trong nước nóng sau ngày dài làm việc trong không khí ẩm, trong phòng máy lạnh, trong môi trường ô nhiễm… Xét cho cùng, nếu không có phương án dự phòng thì mọi hình thức điều trị viêm xoang, cho dù có hiệu quả trước mắt, cũng không có nghĩa gì khác hơn là... chữa cháy cầm canh.

Mặc dù số lượng thống kê vừa thực hiện chưa đủ để đi đến kết luận định lượng nhưng có một điều không thể phủ nhận. Một bệnh chứng trên nguyên tắc không đến độ phức tạp vẫn có thể trở thành hết sức nhiêu khê cho thầy thuốc, quá đỗi phiền hà cho người bệnh, chỉ vì nhiều yếu tố tương đối đơn giản lại không được chú trọng đúng mức. "Chuyện bé xé to" chẳng qua vì không được giải quyết rốt ráo lúc chuyện còn… bé, vì những điều đáng có lại thành không!

Viêm xoang chỉ là một thí dụ cụ thể. Viêm xoang, nếu xét về mặt cơ chế bệnh lý, không dễ trở thành nghiêm trọng đến thế, nếu thầy thuốc đừng chỉ nhìn vấn đề trên hình quang tuyến, đừng chẩn đoán dựa theo định kiến lâm sàng, mà chịu khó liếc nhẹ… người bệnh! Điểm đáng bàn cãi, cho dù có phật ý nhiều đồng nghiệp, chỉ xoay quanh câu hỏi tại sao để dễ thành khó, để có mà như không?

 

 

theo thời báo kinh tế Sài gòn www.saigontimes.com.vn

'Bệnh' lạm dụng siêu âm
Bứt mây động rừng
Giữ nếp sống cân bằng để tránh Hội chứng Ngày thứ hai
Nuôi ong tay áo
Trễ chuyến tàu đêm
Đổi e thành i
Đừng quên lên dây “đồng hồ sinh học”


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn