LƯƠNG LỄ HOÀNG

Giữ nếp sống cân bằng để tránh Hội chứng Ngày thứ hai

Sau 2 ngày nghỉ, bạn dễ cảm thấy chán ngán và mệt mỏi khi phải đi làm trở lại.

Cứ ngày đầu tuần là chị H. (28 tuổi, thư ký văn phòng) cảm thấy mệt mỏi, nặng đầu, không muốn đi làm. Đôi lần chị còn gọi điện đến công ty nói dối là bị bệnh để xin nghỉ. Đó là biểu hiện của Hội chứng Ngày thứ hai, thường gặp ở những công chức phải làm việc căng thẳng mà không có cách thư giãn hợp lý.

Năm 2000, tạp chí y học British Medical Journal (Anh) đã gây xôn xao dư luận khi công bố kết quả một nghiên cứu được thực hiện trong 10 năm (1986-1995): Vào ngày thứ hai, số ca tử vong do nhồi máu cơ tim ở nam giới dưới 50 tuổi cao hơn 19% so với những ngày khác trong tuần. Phần lớn các ca tử vong xảy ra ngoài bệnh viện và trước đó nạn nhân chưa hề biết mình mắc bệnh mạch vành. Hiện tượng này cũng được ghi nhận ở Nga, Đức và Mỹ. Ở các quốc gia trên, số vụ tự tử cũng tăng cao vào ngày thứ hai.

Nhiều thống kê cho thấy, các các vấn đề sức khỏe khác như căng thẳng, mệt mỏi, chán chường, rối loạn tiêu hóa... cũng gia tăng trong ngày đầu tuần. Tại Bệnh viện Shuguang (Trung Quốc), số ca bệnh này trong ngày thứ hai cao hơn những ngày khác 10-20%.

Ở Việt Nam, gần đây, do người lao động được nghỉ nhiều hơn vào dịp cuối tuần (2 ngày thay vì một ngày như trước) nên tình trạng mệt mỏi, căng thẳng vào thứ hai đang có chiều hướng gia tăng.

Các biểu hiện chính của Hội chứng Ngày thứ hai là mệt mỏi, không còn hứng thú với công việc (chiếm 80% trường hợp). Những người này xuất hiện ở công sở với bộ mặt thiểu não, dáng điệu ủ rũ, chậm chạp, ít nói. Khoảng 20% bệnh nhân cảm thấy bứt rứt, cáu kỉnh, khó chịu với mọi người chung quanh; có khi kèm theo nhức đầu (từng cơn hay âm ỉ), ăn mất ngon, khó tiêu...

Về nguyên nhân gây Hội chứng Ngày thứ hai, hiện vẫn có nhiều giả thuyết. Có người cho rằng đó là do người lao động không biết cách nghỉ ngơi hợp lý vào dịp cuối tuần (một số tranh thủ xem video hay chơi game từ sáng đến tối; số khác đi chơi thật xa và trở về trong tình trạng mệt nhoài; hoặc ngủ bù suốt 2 ngày). Theo một giả thuyết khác, hội chứng trên là hậu quả của việc không ăn uống đúng cách (lơ là hoặc lạm dụng). Hậu quả của cách nghỉ ngơi “tiêu cực” này là nhịp điệu sống quen thuộc trước đó (thức dậy đúng giờ để đến sở làm, ăn uống có giờ giấc... ) bị phá vỡ hoàn toàn. Sau 2 ngày thoải mái, khi mọi chuyện phải trở lại “nề nếp” vào sáng thứ hai thì cơ thể không “kham” nổi, và sự mệt mỏi, chán nản xuất hiện.

Tiến sĩ Võ Thành Nhân, Phó khoa Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, giải thích: “Việc nghỉ ngơi không đúng cách gây ra stress, một trong những yếu tố dẫn đến nhồi máu cơ tim. Mặt khác, cơ thể người cũng như một cỗ máy, sau một thời gian nghỉ ngơi thường khó vận hành vì tính ì lớn, cần khởi động lại từ từ. Nếu đột ngột lao vào hàng núi công việc ngay sau khi nghỉ ngơi, ta sẽ căng thẳng và điều đó dễ ảnh hưởng đến tim”.

Theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng (CHLB Đức), Hội chứng Ngày thứ hai nếu không được ngăn chặn sẽ có thể dẫn đến "hội chứng chiều thứ sáu”. Biểu hiện là người lao động sẽ “hết pin” ngay vào buổi làm việc cuối cùng trong tuần, vì chỉ cần nghĩ đến ngày thứ hai tuần tới là đã thấy mỏi mệt rồi. Tệ hơn nữa, họ có thể mắc chứng mệt mỏi mạn tính.

Để không bị “ngã gục” vào sáng thứ hai, theo tiến sĩ Võ Thành Nhân, cần thực hiện những nguyên tắc sau:

- Cố gắng hoàn tất công việc trong tuần vào thứ sáu. Như vậy, bạn có thể bắt đầu một tuần mới mà không phải lo lắng cho công việc của tuần qua và đến cơ quan với tâm trạng thoải mái hơn.

- Lên chương trình nghỉ ngơi cho 2 ngày cuối tuần. Nếu thứ hai tuần này, bạn cảm thấy quá mệt mỏi khi đi làm thì nên sắp xếp nhiều thời gian nghỉ hơn cho dịp cuối tuần sắp tới.

- Tập luyện thể thao vào dịp cuối tuần, đặc biệt là khi công việc trong tuần của bạn đòi hỏi nhiều thể lực.

- Tránh thức quá khuya vào tối chủ nhật. Việc ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn khỏe khoắn và minh mẫn khi thức dậy. Nhờ thế, bạn sẽ thấy đời đáng yêu hơn.

- Dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị đi làm vào sáng thứ hai. Như thế, bạn sẽ đến cơ quan đúng giờ và “mở hàng” tốt cho tuần lễ đó.

- Nên ăn sáng kỹ, đặc biệt là sáng thứ hai, để có đủ năng lượng làm việc.

- Tránh sắp xếp chương trình làm việc quá nặng vào thứ hai, đặc biệt là không đặt ra thời hạn chót cho một công việc nào đó vào ngày này. Nên dàn đều công việc trong tuần ra cho các ngày.

- Vào tối thứ hai, nên sắp xếp để có càng ít công việc riêng càng tốt. Chẳng hạn, nếu muốn giặt đồ vào tối thứ hai, hãy chuyển sang tối hôm sau. Cần nhớ rằng thứ hai là ngày khởi động của một tuần làm việc; vì thế, bạn hãy “nương tay” cho cơ thể một chút.

Về ăn uống trong những ngày cuối tuần, bác sĩ Trần Thị Hồng Loan (Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM) khuyên:

- Không nên tổ chức ăn uống quá thịnh soạn trong cả 2 ngày nghỉ. Nếu bữa ăn trước bạn đã “tẩm bổ” quá nhiều thì những bữa sau cần tiết chế lại cho cân bằng.

- Tránh quan niệm phải ăn thật nhiều để “bù đắp” cho những ngày làm việc trước đó. Dù có ngon miệng đến mấy cũng nên dừng lại khi có cảm giác “vừa đủ”. Việc ăn quá no sẽ khiến bạn mệt mỏi sau đó.

- Không nên ăn quá nhiều thịt (dưới 200 g/ngày) vì thịt thường kèm theo chất béo và cholesterol. Nên xen kẽ thịt, cá, đậu phụ, trứng để cân đối nguồn đạm và chất béo động - thực vật.

- Không nên vì quá vui mà tiệc tùng thâu đêm suốt sáng.

- Vào chiều chủ nhật, nên điều chỉnh số lượng, chất lượng bữa ăn và nhịp điệu sinh hoạt trở về bình thường.

Theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng, biện pháp hiệu quả và lâu dài nhất để tránh Hội chứng Ngày thứ hai là phải tạo niềm vui mỗi ngày, trung hòa các áp lực cuộc sống: "Nếu ngày nào cũng an vui, tiềm năng kháng bệnh của cơ thể sẽ dồi dào và ngày thứ hai chắc chắn sẽ bắt đầu với buổi ban mai rạng màu hy vọng". Ông Hoàng cũng cho rằng, trong cuộc sống đầy căng thẳng, gia đình chính là lá chắn giúp ngăn chặn nguy cơ lan rộng tình trạng đuối sức tâm thể. Mọi biện pháp y học sẽ khó phát huy hiệu quả nếu gia đình không còn là mái ấm.

(Theo Người Lao Động)


'Bệnh' lạm dụng siêu âm
Bứt mây động rừng
Giữ nếp sống cân bằng để tránh Hội chứng Ngày thứ hai
Nuôi ong tay áo
Trễ chuyến tàu đêm
Đổi e thành i
Đừng quên lên dây “đồng hồ sinh học”


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn