Nuôi ong tay áo
Tình trạng mệt mỏi là dấu hiệu thường gặp trên người phải căng thẳng tinh thần vì cuộc sống, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình… Do đó, rất nhiều người cứ tưởng cảm giác thở không ra hơi là do stress. Thường thì không sai nhưng không phải lúc nào cũng đúng.
Thống kê gần đây của DAK, một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu ở CHLB Đức, cho thấy một số rất đông thân chủ của “hội chứng mệt mỏi kinh niên” là nạn nhân của tình trạng nhiễm độc thủy ngân từ sản phẩm của ngành nha khoa. Điểm lắt léo là vì đa số người đã từng được trám răng với thủy ngân đều phải sống chung với stress, nên ít ai để ý đến kẻ “nội gián” núp ngay trong miệng mà chỉ tập trung vào nguyên nhân stress do áp lực rõ hơn ban ngày.
Phải nói ngay để đừng gây hiểu lầm. Không phải cứ hễ trám răng bằng thủy ngân thì nhiễm độc. Chỉ khi nào chỗ trám bị hư, khi đó nước bọt sẽ tiếp tục bào mòn chỗ hở khiến thủy ngân cùng các hợp chất kim loại khác có dịp ngấm vào máu. Tình trạng gọi là nhiễm độc amalgam không xảy ra cấp kỳ mà tích lũy theo thời gian. Triệu chứng bệnh lý vì thế cũng không đột phát khiến người bị bệnh chạy ngay đến thầy thuốc. Trái lại, tình trạng mệt mỏi diễn tiến rất ngầm ngầm. Bên cạnh khuynh hướng nay cảm mai cúm, dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn… không rõ nguyên nhân cũng là hình ảnh thường gặp do nhiễm độc amalgam. Thêm vào đó là tình trạng dễ bị bội nhiễm trong xoang miệng, đường hô hấp, ngoài da và thậm chí trên đường tiết niệu. Khi hàm lượng thủy ngân và các kim loại nặng khác như chì, nhôm… tích lũy đến mức độ trầm trọng thì rõ ràng hơn hết là dấu hiệu dị ứng, thiếu máu và suy nhược cơ thể lẫn thần kinh. Theo báo cáo gần đây ở Phần Lan, một số không ít người bị rối loạn thị giác nhưng tìm hoài không ra nguyên nhân là do bàn tay ngấm ngầm của amalgam.
Vấn đề không dừng lại ở đó. Tình trạng nhiễm độc amalgam bao giờ cũng kéo theo rối loạn biến dưỡng của nhiều sinh tố và khoáng tố cần thiết cho cơ thể, như selen, kẽm, crôm, mangan… Đó chính là lý do khiến sức đề kháng của cơ thể phải hao mòn. Nhiều bệnh chứng nghiêm trọng có thể hoành hành chỉ vì một khe hở trên răng.
Đã ngộ độc thủy ngân thì hầu như khó tránh nhiễm độc chất nhôm. Độc tính của kim loại này cũng không chịu kém thủy ngân với mũi dùi tập trung chủ yếu vào hệ thần kinh trung ương và chức năng tư duy. Từ suy giảm óc sáng tạo bước qua đãng trí hay thậm chí mất cả trí nhớ, tất cả đều có thể xảy ra dưới ảnh hưởng của nhôm. Nghiên cứu hồi năm ngoái ở Mỹ đã chứng minh chất nhôm có hàm lượng quá cao trong máu của người bị bệnh Alzheimer.
Như thế, đừng vội vàng quy tội cho stress. Có nhiều phương pháp để chẩn đoán tình trạng nhiễm độc kim loại nặng, như thử khoáng tố trong tóc, trong móng tay, trong máu, trong nước tiểu… Nhưng cách đơn giản nhất để phát hiện tình trạng nhiễm độc amalgam vẫn là trở lại nha sĩ nếu trước đây đã có lần trám răng với thủy ngân để nhờ kiểm soát chỗ trám. Rất nhiều dấu hiệu bệnh lý dai dẳng bỗng biến mất sau khi nha sĩ dọn sạch chất trám bằng thủy ngân và trám lại bằng chất khác. Điều đáng tiếc là tầm tai hại của amalgam hiện nay vẫn chưa được viên chức ngành y tế trong nước lưu tâm đúng mức.
Tình trạng nhiễm độc amalgam không chừa một ai. Biện pháp kiểm soát nên được đặc biệt lưu ý cho thai phụ để tránh ảnh hưởng trên sức khỏe của thai nhi, trên học sinh, sinh viên… để tránh hậu quả lâu dài trên tiềm năng học tập và lao động của giới trẻ. Lẽ tất nhiên cũng không nên quên giới doanh nhân, những người vì áp lực công việc nên dễ gì có thời giờ nhớ đến “trái bom nổ chậm” đang gắn đâu đó trên hàm răng.
Tiền nhân có câu “nuôi ong tay áo” nhằm nhắc nhở người đời đừng ngây thơ đến độ nuôi dưỡng kẻ thù trong nhà rồi có ngày mang họa. Với nhiều đối tượng đang muốn xuôi tay chịu thua trước áp lực của stress mà không biết lý do thì lời hay ý đẹp của người xưa phải sửa thành “chớ nuôi gì đó trong… răng!”.