Du lịch nghỉ dưỡng
Cập nhật lúc 10h46" , ngày 12/01/2007
Khái niệm “nghỉ dưỡng”, “du lịch chữa bệnh” không còn xa lạ với đời sống hiện đại. Nhưng chúng ta cần có một số hiểu biết nhất định, kẻo không khéo có thể thành “nghỉ... bệnh”.
Với những người viêm xoang, viêm mũi dị ứng, nhiệt độ môi trường thấp dưới 10 độ có thể làm phù nề, bít tắc các đường dẫn xoang và khiến bệnh nặng hơn, nên cần mang theo đủ quần áo, mũ chống lạnh và che mũi miệng bằng khẩu trang.
Các nguồn nước khoáng, bùn khoáng chứa nhiều thành phần khoáng vô cơ và hữu cơ có tác dụng rất tốt với các bệnh tê thấp, viêm khớp mãn ở người cao tuổi, nhưng cần lưu ý nhiệt độ nước khi ngâm, 30-350C là tốt nhất.
Những người bị bệnh giãn tĩnh mạch, suy van tĩnh mạch phải ngâm nhanh và nhiệt độ thật thấp. Nhiệt độ nước quá cao và ngâm thời gian dài trên 30-60 phút thường làm giãn nở các tĩnh mạch.
Tương tự ở những bệnh nhân dễ bị rối loạn cảm giác như bệnh nhân tiểu đường, viêm thần kinh ngoại biên. Tránh uống nước khoáng lấy trực tiếp từ nguồn, chưa qua thanh lọc, tiệt trùng. Những người có bệnh lý thận, gan mật, trẻ em... cũng không nên uống nước có thành phần khoáng cao. Một số người có cơ địa viêm da dị ứng, chàm, vảy nến... không nên ngâm nếu tổn thương da hở hoặc đang bị bội nhiễm.
Các thức ăn chữa bệnh rất được quan tâm trong những chuyến "nghỉ dưỡng". Những chất có chứa sâm thường không dùng được cho người cao huyết áp, các dạng dịch chiết trong dung môi cồn không phù hợp cho người bệnh gan mật.
Bệnh nhân tiểu đường, nên tránh những chất cao được chiết xuất và bảo quản trong dung dịch đường, những chất có tác dụng lợi tiểu như a-ti-sô nên dùng hạn chế khi đường huyết chưa ổn định... Các dạng thức ăn có tác dụng trị bệnh được dùng lần đầu cần lưu ý nguy cơ gây dị ứng. Cũng nên tránh các loại thức ăn - bài thuốc đã vào sách đỏ như dơi quạ, mật gấu, hổ cốt, sừng tê...
(theo Thanh Niên)