Chạy trốn bệnh tật bằng du lịch tự sát
Cánh cửa văn phòng Dignitas tại Zurich cũng bình thường như bao cánh cửa khác trên đất nước Thụy Sĩ. Nhưng tất cả những người đã bước qua nó đều biết rõ rằng họ sẽ không bao giờ quay ra. Đó là cánh cửa giúp họ từ giã bệnh tật để sang thế giới bên kia.
Thành lập năm 1998, đến nay Dignitas đã giúp 619 người thực hiện ước mơ cuối cùng trong đời: Có một cái chết nhẹ nhàng êm ái sau những ngày tháng dài bị bệnh tật và đau đớn hành hạ. Hơn 90% khách hàng đến từ nước ngoài, đông nhất là người Đức, sau đó là Anh, Pháp, Mỹ và thậm chí có cả công dân những đất nước xa xôi như Libăng hay Israel. Họ đến bằng visa du lịch, một mình hoặc cùng với vài người thân hay bạn bè, hầu như không mang theo hành lý và khi trở về sẽ chỉ còn là cát bụi.
Thụy Sĩ không phải là nơi duy nhất trên thế giới nhận giúp đỡ những người khác tự tử hợp pháp. Bang Oregon (Mỹ), Hà Lan và Bỉ cũng có quy định tương tự. Nhưng những người muốn tự kết thúc cuộc đời mình thường chọn Thụy Sĩ vì đây là nơi duy nhất không quy định bác sĩ và bệnh nhân muốn tự sát phải có mối quan hệ mật thiết, cũng không bắt buộc bệnh nhân phải là công dân nước sở tại. Chính những lý do này đã khiến cho du lịch tự sát nở rộ ở Thụy Sĩ, nhất là từ khi Dignitas đi vào hoạt động.
Khách hàng của Dignitas đều là những người mắc bệnh nan y giai đoạn cuối, vô phương cứu chữa. Họ phải chứng minh được rõ ràng tình trạng bệnh tật của mình cũng như khẳng định chắc chắn ý muốn được kết thúc cuộc sống, với sự làm chứng của 3 người, trong đó có ít nhất một người không liên quan về nghĩa vụ và lợi ích. Nếu có đủ điều kiện này, họ có thể được chấp nhận là hội viên của Dignitas với lệ phí ghi danh là khoảng 100 francs Thụy Sĩ (khoảng 80 USD) và đóng phí hằng năm 50 francs.
Dignitas sẽ giữ liên lạc thường xuyên với hội viên bằng điện thoại và e-mail để khi cần có thể thu xếp "cuộc hành trình cuối cùng" cho họ một cách suôn sẻ nhất. Chi phí cho mỗi ca tự sát theo nguyện vọng ở Dignitas là 2.000 francs. Các khoản khác như đi lại, mai táng do gia đình bệnh nhân tự chi trả.
Tất cả bệnh nhân đã đến Dignitas đều không lưu lại lâu. Có người tới buổi sáng và ra đi ngay buổi chiều, hoặc cùng lắm là ngày hôm sau. 30 phút trước đó, bệnh nhân được cho uống một loại thuốc chống nôn. Người nhà có thể ở lại bên bệnh nhân nếu họ cảm thấy có thể chịu đựng được. Y tá sẽ mang tới một loại thuốc an thần không màu, có vị đắng và hỏi lại lần cuối xem bệnh nhân đã sẵn sàng chưa.
Việc uống thuốc hoặc mở van ống truyền cho thuốc chảy vào cơ thể nhất thiết phải do bệnh nhân tự thực hiện và sẽ được camera ghi lại để đảm bảo rằng Dignitas chỉ đóng vai trò trợ giúp mà không can thiệp hay thúc ép họ. Một chút nước cam sẽ là thứ cuối cùng mà nhân viên ở đây có thể mang đến cho bệnh nhân để giảm vị khó chịu của thuốc. Chỉ sau 5 phút, họ sẽ rơi vào hôn mê và tiếp đó, tim sẽ ngừng đập. Cái chết đến có vẻ nhẹ nhàng và không đau đớn.
Cảnh sát sẽ được gọi đến. Nhân viên chuyên điều tra cái chết bất thường sẽ kiểm tra mọi giấy tờ, xem xét kỹ cuốn băng quay những giây phút cuối của người bệnh, sau đó chứng thực vào hồ sơ. Phần còn lại được thu xếp theo thỏa thuận giữa người quá cố và Dignitas. Thi hài họ sẽ được giao cho người thân hoặc sẽ được hỏa táng và gửi tro về gia đình.
Trong khi quyền được chết vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi ở hầu hết các nước có luật pháp cởi mở nhất thế giới thì sự tồn tại và hoạt động của một tổ chức như Dignitas chắc chắn gây ra những dư luận trái chiều. Họ nhận được rất nhiều lời khích lệ từ những người ủng hộ cái gọi là "cái chết nhân đạo" cũng như thư khích lệ từ thân nhân người đã khuất, trong đó bày tỏ sự biết ơn vì đã giúp giải thoát cho một con người khỏi đau đớn, tuyệt vọng.
Nhưng số những lời chỉ trích mà Dignitas phải đối mặt cũng không ít. Nhiều người cho rằng họ góp phần làm trầm trọng thêm nạn tự sát vốn đã ở mức đáng báo động trong xã hội phương Tây. Chính người Thụy Sĩ cũng không cảm thấy tự hào khi đất nước mình được chọn làm "bến đỗ cuối cùng" của nhiều người. Họ lo sợ một ngày nào đó, du lịch tự sát sẽ trở thành một đặc sản của Thụy Sĩ, giống như đồng hồ, nhà băng, hay khách sạn.
(Theo Khoa Học & Đời Sống, BBC, New York Times)