A:hover {color: red; font-weight: bold}

LỜI NGỎ

Có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong y tế, tạm chia thành 4 mảng chính: giáo dục đào tạo, quản lý bệnh viện, xứ lý chuyên môn, khai thác dữ liệu...

  • Đào tạo y tế: bài giảng điện tử, video clip, thi trắc nghiệm trên máy tính, sử dụng Power point trong trình bày, website chuyên ngành, forum, hội nghị trực tuyến, từ điển điện tử…

  • Quản lý bệnh viện: quản lý tổ chức, quản lý dữ liệu bệnh nhân, y học từ xa.

  • Ứng dụng chuyên môn: ghi điện tâm đồ, phần mềm siêu âm, phần mềm xét nghiệm, nội soi…

  • Khai thác dữ liệu: phần mềm SPSS, R, STATA, SAS… giúp tính toán số liệu, vẽ biểu đồ. Ngân hàng gen dùng siêu máy tính để tìm gen gây bệnh di truyền.

Trong tài liệu này, tôi tập trung vào mảng ứng dụng CNTT trong quản lý chuyên môn bệnh viện. Đây là mảng ứng dụng khó khăn nhất của ngành y tế. 

Bệnh viện là một tổ chức hoạt động khác biệt so với các tổ chức khác về nhân sự, khách hàng, danh mục dịch vụ, quy trình dịch vụ...

Đặc điểm của ngành y tế bao phủ nhiều lĩnh vực, nhiều chuyên khoa khác nhau, cách tổ chức và quy trình hoạt động của các bệnh viện khác nhau. Do đó để có được một phần mềm đáp ứng được nhiều mô hình quản lý bệnh viện đòi hỏi nhà cung cấp phần mềm (vendor) phải có kiến thức y khoa quản lý và y khoa chuyên môn cộng với sự kiên trì đeo bám, tìm giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh từ thực tế.

Hiện nay, chính phủ các nước đang kêu gọi ứng dụng CNTT trong quản lý y tế. Nhiều nhà cung cấp phần mềm đã tham gia thị trường phần mềm quản lý bệnh viện. Nhiều công ty không có kiến thức về y tế khi tham gia xây dựng phần mềm QLBV đã tạo ra những sản phẩm gây rối cho hoạt động của bệnh viện. Ngay tại Mỹ, một nghiên cứu vào tháng 8/2016 cho thấy hai phần ba số bác sĩ được phỏng vấn than phiền về tính năng phần mềm, gây mất thời gian, công sức của bác sĩ và họ có ý định bỏ việc vì không chịu nỗi việc sử dụng phần mềm. Ở Việt Nam có hơn 30 nhà cung cấp phần mềm QLBV, tuy nhiên hầu hết không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu quản lý của bệnh viện. 

Với hơn 15 năm trải nghiệm xây dựng và triển khai phần mềm quản lý tại nhiều bệnh viện có quy mô tổ chức, quy trình hoạt động và chuyên khoa, chuyên ngành khác nhau, với công sức đọc tài liệu, tham gia các khóa học CNTT y tế của thế giới, tôi ghi chép lại các vấn đề cốt lõi nhằm giúp bạn đọc trong ngành y tế hiểu được một cách đại cương về CNTT trong y tế. Mỗi đầu đề sẽ còn có nhiều tài liệu chuyên sâu hơn nữa sẽ được tiếp tục được ghi chép vào các tài liệu chuyên đề riêng.

Đây là những tài liệu được thu thập từ sách, báo chuyên ngành CNTT y tế, tài liệu trình chiếu, website…, được sắp xếp lại cho có hệ thống nhằm giúp người đọc dễ nắm bắt ý tưởng. Tài liệu này liên tục được bổ sung theo kiến thức mà tác giả “thu lượm” được. Trật tự, cấu trúc của các bài viết được cập nhật theo thời gian. Do đó quý bạn đọc quan tâm đến đề tài này nên tham khảo các phiên bản update mới nhất.

Về vấn đề đào tạo CNTT Y tế: Cho đến nay (2018), tại Việt Nam chưa có trường lớp nào giảng dạy về CNTT y tế, tác giả tự học và thực hành thực tế để rút ra các bải học cho việc biên soạn tài liệu này. Vì trình độ CNTT của tác giả có hạn nên sẽ có những sai sót, lỗi kiến thức từ nhẹ đến nặng. Rất mong quý vị có nghiệp vụ CNTT chỉ giáo. Những sai sót sẽ được điều chỉnh nhẳm cung cấp cho bạn đọc những kiến thức đúng đắn nhất.

 

BS PHAN XUÂN TRUNG

 


 

 CẨM NANG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN Y TẾ

01. Lời nói đầu
02. Cấu trúc phần mềm quản lý bệnh viện
03. Những vấn đề về CNTT của bệnh viện
04. Các thuật ngữ
05. Các vấn đề về tính năng phần mềm
06. Một số vấn đề về kỹ thuật phần mềm
07. Các tiện ích CNTT quản lý bệnh viện
08. Cách chọn phần mềm quản lý bệnh viện
09. Cần chuẩn bị gì cho triển khai hệ thống phần mềm?
10. Chuẩn dữ liệu
11. Số liệu thống kê và khai thác dữ liệu
12. Chi phí cho phần mềm
13. Kinh nghiệm triển khai phần mềm
14. Vấn đề đào tạo kiến thức CNTT y tế
15. Xây dựng một hệ thống y học điện tử quốc gia
16. Tác giả - BS. PHAN XUÂN TRUNG
17. Sơ lược về hệ thống phần mềm YKHOANET