A:hover {color: red; font-weight: bold}

CÁC THUẬT NGỮ

Tóm tắt

HIS là chữ viết tắt của Hospital Information Management System. Nếu đúng phải là HIMS hay HMS. Hệ thống này bao gồm 2 mảng quản lý lớn: quản lý tổ chức bệnh viện (Organization Manegement System) và quản lý chuyên môn (Clinical Information System - CIS). Tuy nhiên, hầu như người ta quên mất mảng quản lý tổ chức trong HIS mà chỉ chú tâm đến quản lý chuyên môn CIS.

Quản lý tổ chức bệnh viện, tương tự với tổ chức của các cơ quan khác bao gồm quản lý nhân sự, quản lý tài sản, quản lý tài chính và một số quản lý khác.

Quản lý chuyên môn bệnh viện là quản lý các hoạt động liên quan đến đối tượng khách hàng (bệnh nhân) từ khi tiếp nhận lần đầu cho đến khi kết thúc một đợt khám hay nằm viện cuối cùng.

LIS là chữ viết tắt của Laboratory Information System, hệ thống quản lý thông tin xét nghiệm.

AAEAAQAAAAAAAAkWAAAAJGVhZjczYWM4LTQ0ODItNDZiNS1hNjE5LWQ3MzI4N2FjYzRmNg.jpeg

Phòng xét nghiệm tiếp nhận thông tin chỉ định từ phòng khám hoặc khoa nội trú. Tiếp nhận bệnh phẩm và thực hiện xét nghiệm để cho ra kết quả theo yêu cầu.

Hiện nay hầu hết các xét nghiệm huyết học, sinh hóa, miễn dịch, ion đồ và điện di được thực hiện bằng máy và cho ra kết quả bằng giấy in. Các xét nghiệm khác như vi sinh, ký sinh thì vẫn thực hiện thủ công và nhập liệu bằng tay.

Kết nối máy xét nghiệm: Các máy xét nghiệm có đầu ra (out put) truyền dữ liệu ra máy tính ngoài theo nhiều phương thức (protocol) khác nhau. Thông tin này được sao chép vào bệnh án điện tử để tham khảo. Cách truyền dữ liệu có thể theo cổng COM, xuất ra bảng MS Access hoặc qua cổng IP... 

Ngày nay các máy xét nghiệm tuân theo chuẩn HL7 version 3.0 để truyền dữ liệu theo định dạng xml.

Các máy xét nghiệm truyền dữ liệu 1 chiều hoặc 2 chiều. 

Đối với máy xét nghiệm 1 chiều thì sẽ chỉ có chiều ra. Nhân viên xét nghiệm phải tự nhấn nút chọn xét nghiệm theo chỉ định.

Khi tiếp nhận mẫu xét nghiệm, nhân viên tiếp nhận mẫu sẽ đánh số lên mẫu, tương tự như ghi số gửi xe. Việc cấp số đối với bệnh nhân nội trú và ngoại trú khác nhau do cách lấy mẫu khác nhau. Bệnh nhân nội trú được cấp mã hàng loạt do cách lấy mẫu hàng loạt và thực hiện xét nghiệm hàng loạt, không lẻ tẻ như BN ngoại trú.

Các xét nghiệm vi sinh: dùng để định danh vi khuẩn thường đi kèm với xét nghiệm kháng sinh đồ. Hiện nay nhiều bệnh viện đang dùng phần mềm WHO NET để quản lý kết quả vi sinh.

Các kết quả xét nghiệm sẽ được truyền vào bệnh án điện tử để hoàn chỉnh hồ sơ. Các thông số vượt khỏi giới hạn bình thường sẽ được đánh dấu để tạo chú ý. Một số thông số kết quả được suy ra từ tính toán chứ không phải là kết quả xét nghiệm xuất ra trực tiếp từ máy. Ví dụ: tỷ lệ A/G là số liệu tính toán từ các thông số Albumin và Globuline có sẵn.

Ngoài ra, các loại xét nghiệm đời mới khác như sinh học phân tử, di truyền cũng được quản lý trong hệ thống LIS.

RIS là từ viết tắt của Radiology Information System, hệ thống quản lý kết quả chụp X quang (và các loại máy chụp ảnh tương tự như CT, DSA, MRI, PET, SPECT...). Hệ thống này giúp lưu trữ hình ảnh x quang sau khi chụp và mô tả hình ảnh từ các phim x quang đó. RIS là một bộ phận của hệ thống PACS được kể dưới đây.

IMPAX.jpg

Ngày nay việc rửa phim được thực hiện tự động bằng máy móc, theo công nghệ in phim.

Các hình ảnh X quang được lưu trữ dưới dạng digital, dễ dàng được lưu và share cho các bác sĩ khác cũng như nhúng hình ảnh vào tờ mô tả kết quả.

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, người ta dần dần loại bỏ hình thức in phim mà thay vào đó là in giấy hoặc chỉ xem trên máy tính.

Picture Archiving and Communication System. Là hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh y khoa.

Điểm đặc biệt của hình ảnh y khoa so với các loại hình ảnh khác là định dạng hình ảnh DICOM. Đây là dạng hình ảnh thô được xuất từ các máy chụp ảnh y khoa hiện đại như CT, MRI, DSA… Từ các hình ảnh DICOM này, các chuyên gia xử lý hình ảnh sẽ xử lý, tái tạo lại thành hình ảnh 2 chiều, 3 chiều để bộc lộ rõ các sang thương cho bác sĩ lâm sàng.

DICOM Viewer: Để xem được hình ảnh DICOM, ta cần đến các phần mềm chuyên dụng như eFilm. Hiện nay trên mạng có rất nhiều phần mềm DICOM Viewer miễn phí. Phần mềm xử lý hình ảnh DICOM không thuộc về hệ thống PACS. Mỗi đời máy chụp khác nhau sẽ cung cấp kèm theo một phần mềm chuyên dụng đi theo máy, dùng để phân tích hình ảnh mà máy đó chụp được. Phần mềm DICOM Viewer chỉ có giá trị để khảo sát các hình chụp 3 chiều vì nó cho phép khảo sát theo từng lát cắt dọc, ngang hay chéo nghiêng. Những hình ảnh 2D như phim X quang thường quy, ảnh siêu âm, hình giải phẫu bệnh.. thì không cần đến DICOM Viewer.

Hình minh họa một DICOM Viewer. Hình các mặt cắt và hình đã dựng.

dicom.gif

Minh họa: Hình DICOM được xử lý thành các hình JPEG.

Hệ thống PACS: bao gồm một máy chủ để lưu trữ hình ảnh và hệ thống dây dẫn thường là cáp quang để truyền ảnh đến các máy trạm.

pacs.jpg

Minh họa: Hệ thống PACS là một server chứa hình ảnh y khoa.

Các hình ảnh DICOM được xử lý bằng các phần mềm DICOM. Phần mềm này có thể giúp tái tạo ảnh, cắt hình theo nhiều phương hướng khác nhau. Tuy nhiên mỗi chủng loại máy và mỗi thế hệ máy chụp ảnh thường có phần mềm chuyên biệt của riêng từng dòng máy đó đi kèm.

Hình ảnh DICOM chiếm dung lượng lớn nên đòi hỏi máy chủ lưu hình ảnh cũng phải có dung tích lớn. Thông thường thì các hình ảnh này chỉ được sử dụng 1 lần ngay sau khi chụp ảnh. Ít khi được xem lại. Qua thời gian, số lượng hình DICOM chụp được sẽ tăng dần, đòi hỏi BV phải bổ sung thêm nhiều ổ cứng có dung lượng bộ nhớ lớn. Các hình ảnh này không hữu dụng trong việc đính kèm hồ sơ bệnh án điện tử cũng như xem trực tuyến.

Quản lý hình ảnh y khoa

Trong y khoa, không chỉ có hình ảnh DICOM hay phim X quang mà còn có rất nhiều hình ảnh khác nhau cần được lưu trữ và sắp xếp theo bệnh án: Hình x quang, hình siêu âm, hình nội soi, hình soi cổ tử cung, hình chụp từ kính hiển vi, hình chụp đại thể, hình scan từ các tài liệu… Các hình ảnh này có thể được nhúng vào tài liệu kết quả chẩn đoán hình ảnh, đưa vào bệnh án điện tử.

Tất cả các hình ảnh đó đều cần phải được lưu trữ thành thư viện ảnh có thể truy tìm nhanh chóng theo một tiêu chí của người sử dụng.

lis-microscope.jpg

Minh họa: Hình ảnh y khoa lấy từ kính hiển vi.

PHIS - Pharmacy Information System.

Trong toàn bộ hoạt động của bệnh viện, nơi có nhiều khó khăn, hóc búa nhất là phân hệ quản lý dược. Nói là quản lý dược, nhưng thực chất tất cả các chủng loại hàng hóa trong bệnh viện đều cẩn được quản lý: thuốc (thuốc ống, thuốc viên, dịch truyền...), vật tư y tế, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, hóa chất xét nghiệm, hóa chất tẩy rửa, oxy, chế phẩm máu… Các chủng loại hàng hóa này được quản lý tương đương một đại siêu thị.

Đặc điểm của hàng hóa dược phẩm là một thuốc có nhiều tên thương mại khác nhau, hàm lượng khác nhau, số lô, hạn dùng khác nhau… Việc thiếu minh bạch trong quản lý từng thuốc cụ thể sẽ dẫn đến rối loạn số liệu. Một số người lợi dụng sự rối loạn này để trục lợi. Ví dụ Các lô hàng khác nhau sẽ có giá khác nhau. Việc lãnh thuốc lô hàng này và trả lại bằng lô hàng khác sẽ tạo nên chênh lệch giá. Hoặc phiếu đề nghị xuất thuốc ghi số lượng yêu cầu cấp phát là 1 viên thuốc, nhưng nơi phát thuốc quẹt thành số 4 sẽ gây ra thất thoát 3 viên thuốc. Không có mạng máy tính thì không thể đối chiếu số liệu giữa phiếu đề nghị của khoa nội trú và phiếu xuất thuốc của khoa dược.

Quản lý dược lâm sàng: 

Các thông tin dược lâm sàng phải được khai báo đầy đủ để cung cấp cho bác sĩ trong quá trình kê đơn. Hệ thống dược không chỉ liên quan đến các khoa lâm sàng về mặt số liệu thuốc và giá cả mà còn cung cấp dữ liệu cho bác sĩ khi thực hành lâm sàng. Một hệ thống quản lý dược được khai báo tốt sẽ giúp bác sĩ trong nhiều việc như là: tìm một thuốc trong họ trị liệu, tìm thuốc thay thế cùng hoạt chất, xem được số lượng thuốc có thể kê đơn, cảnh báo khi kê trùng hoạt chất, cảnh báo khi bệnh nhân có bệnh đặc biệt không thể dùng thuốc… Tuy nhiên, phần mềm khó đạt đến mức độ cảnh báo tương tác thuốc bởi vì việc khai báo tương tác thuốc rất phức tạp, và việc kiểm tra chéo giữa các thuốc để tìm ra sự tương tác sẽ chiếm nhiều tài nguyên của hệ thống.

Quản lý dược phân phối: 

Hệ thống quản lý phân phối dược được phân cấp thành nhiều kho, tủ để quản lý và cung cấp cho nhau. Việc tổ chức các kho dược là khác nhau giữa các bệnh viện có quy mô khác nhau. Các bệnh viện quy mô nhỏ chỉ cần 1 kho dược dùng để quản lý chung tất cả các chủng loại thuốc. Các bệnh viện lớn chia việc quản lý dược ra thành nhiều kho, mỗi kho quản lý một chủng loại thuốc. Dựa trên tổ chức đó, việc phân phối thuốc sẽ theo quy trình khác nhau. Quy trình này phải được nhà cung cấp phần mềm khảo sát, thảo luận cụ thể với bộ phận quản lý dược của bệnh viện để config quy trình trên phần mềm.

Các vấn đề thường gặp của quản lý dược:

Vấn đề phân loại dược:

Việc phân loại dược theo nhiều tiêu chí khác nhau sẽ dùng để xuất ra các mẫu báo cáo khác nhau. Nếu lập trình viên không nắm vững các cách phân loại, không hiểu gì về dược thì việc xuất ra các báo cáo theo yêu cầu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chỉ khi nhà cung cấp phần mềm đã từng trải nghiệm tại các bệnh viện có quy mô lớn, phân cấp quản lý dược, nhiều mặt hàng… và giải quyết được các vấn đề hóc búa đó trong thực tế thì phần mềm đó có đủ độ tin cậy trong quản lý dược.

Hệ thống kho quản lý dược:

Một hệ thống quản lý dược bao gồm các kho tổng (kho chẳn), kho lẻ (kho phân loại), kho trực, tủ trực và thuốc ngoại trú. Mối quan hệ giữa các kho này khác nhau tùy tổ chức của bệnh viện.

Các kho thuốc ngoại trú của bệnh viện có thể là một kho độc lập hoặc chung trong hệ thống phân phối. Nếu kho thuốc ngoại trú độc lập thì có các chức năng nhập thuốc từ nhà cung cấp riêng. Nếu kho thuốc chung trong hệ thống thì sẽ nhập thuốc từ các kho lẻ.

Kho thuốc ngoại trú có thể chỉ cung cấp thuốc BHYT hoặc cung cấp luôn thuốc cho đối tượng không BHYT.

Dây chuyền cấp thuốc tự động:

Một số nước phương tây còn phát minh ra hệ thống dây chuyền cấp phát thuốc tự động bằng robot. Bằng cách lập trình sẵn, robot sẽ tự động lấy thuốc từ các kệ, các kho chuyển đến cho các khoa. Hệ thống khá phức tạp, cồng kềnh, không phủ hợp với điều kiện ở Việt Nam. Các hệ thống này rất mắc tiền và ít hữu dụng. (Tìm hiểu thêm hệ thống này bằng cách vào youtube.com và tìm bằng từ khóa “Pharmacy robot streamlines medication”).

CPOE là từ viết tắt của Computerized Physician Order Entry, nghĩa là bác sĩ nhập liệu vào máy tính. Từ trước đến nay ai cũng cười nhạo về “chữ bác sĩ”, mắt thường không thể đọc được. Đây là điều gây tai họa cho bệnh nhân. Mặt khác, chữ viết trên giấy thì không thể dùng để thống kê như dữ liệu máy tính. 

ugly_order.gif

(Ảnh sao chép từ Internet)

Do đó việc nhập liệu của bác sĩ trên máy tính là điều rất cần thiết.

CPOE_Dec 2009-thumb-300x236.jpg

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều bác sĩ từ chối công việc nhập liệu này. Họ cho rằng việc nhập liệu làm mất thời gian, cản trờ công việc chuyên môn, rằng viết tay lẹ hơn. Một số thì nhờ thư ký y khoa hoặc y tá nhập liệu giúp. Việc nhờ nhân viên dưới quyền nhập liệu giúp làm cho bác sĩ mất đi một số lợi ích, thậm chí là gây hại.

Phần mềm được thiết kế dành cho bác sĩ nên đã có những tiện ích đặc biệt như: xem hồ sơ bệnh nhân, tạo mẫu đơn thuốc thường dùng, tạo mẫu chỉ định thường dùng, xem kết quả xét nghiệm, xem thuốc có trong kho, đổi thuốc cùng hoạt chất, tham khảo các danh mục…

Ngoài ra, đã có các y tá nhập liệu số lượng tên thuốc nhiều hơn số bác sĩ đã kê trên giấy để lấy riêng số thuốc kê thêm đó.

Với tiện ích máy tính bảng và lập trình soạn thảo sẵn, bác sĩ dễ dàng kê đơn, ghi chỉ định chỉ bằng vài cú quẹt ngón tay.

E-prescription - đơn thuốc điện tử. Là đơn thuốc được kê bằng máy tính, được lập trình các tính năng tiện ích cho các bác sĩ. 

Đơn thuốc điện tử không phải là cái máy đánh chữ để in cho đẹp mắt. Đơn thuốc điện tử có nhiều tính năng đặc biệt nhờ có lập trình:

DDIs - Tương tác thuốc

Một trong những tính năng quan trọng của đơn thuốc điện tử là tính năng tương tác thuốc. Việc cảnh báo tương tác thuốc giúp bác sĩ tránh kê đơn có hại cho bệnh nhân. Tương tác thuốc gồm 3 dạng chính:

Ngoài ra cảnh báo dị ứng thuốc cũng là một cảnh báo thuốc quan trọng khi kê đơn.

EMR - Electronic Medical Record - Bệnh án điện tử là hồ sơ bệnh nhân được trình bày dưới dạng digital, có khả năng sao chép, hiển thị trên máy tính một cách nhanh chóng.

Bệnh án điện tử bao gồm các ghi chép triệu chứng, chỉ định thực hiện y lệnh, chỉ định điều trị, chỉ định chế độ chăm sóc, chỉ định chế độ dinh dưỡng, cách dùng thuốc, kết quả cận lâm sàng, tường trình phẫu thuật… Ngoài ra bệnh án điện tử còn chứa các tài liệu định dạng điện tử khác như phim ảnh x quang, hình ảnh nội soi hay các video clip.

Bệnh án điện tử hiển thị trên cơ sở kết nối số liệu từ Database. Các database chứa dữ liệu toàn diện từ các hoạt động của bệnh viện, giúp ích quan trọng cho việc thống kê, lập báo cáo, nghiên cứu khoa học, dự đoán khuynh hướng của bệnh tật trong cộng đồng.

Bệnh án điện tử có thể được ứng dụng vào telemedicine. Trong trường hợp khẩn cấp, bác sĩ ở nhà có thể truy cập vào bệnh án điện tử để xem hồ sơ, xem tình trạng bệnh nhân, kết quả cận lâm sàng… và cho y lệnh xử lý ngay trên mạng trước khi có mặt tại bệnh viện để xử lý cho bệnh nhân tại giường bệnh.

Việc nghiên cứu khoa học bằng bệnh án điện tử rất thuận tiện so với bệnh án giấy. Có thể dễ dàng search tìm số liệu liên quan đến một tiêu chí nào đó, ví dụ tìm số bệnh án có chẩn đoán “ung thư phổi” trong 12 tháng mới nhất. Việc truy tìm này cho kết quả một cách nhanh chóng trong vài giây, so với việc tìm trong kho bệnh án giấy.

Bác sĩ cận lâm sàng có thể kiểm tra lại kết quả chấn đoán của mình sau khi có thểm kết quả cận lâm sàng khác.

Hiện nay, tại các bệnh viện việc sử dụng bệnh án giấy là chủ yếu, chưa có nhiều bệnh án điện tử được sử dụng. Câu hỏi được đặt ra là trong trường hợp này việc ứng dụng bệnh án điện tử sẽ xảy ra như thế nào? Có 2 giải pháp cho câu hỏi này.

Giải pháp 2 giúp tiết kiệm một công đoạn ghi bệnh án giấy. Bệnh án in ra từ phần mềm sẽ đẹp hơn rất nhiều so với bệnh án viết tay.

Hiểu sai về bệnh án điện tử:

Một số bệnh viện scan (chụp) lại đơn thuốc viết tay của bác sĩ để lưu vào hệ thống máy tính. Các phiếu tường trình phẫu thuật cũng được viết bằng tay và lưu vào máy tính theo cách như vậy. Bệnh viện đó nghĩ rằng đấy là đơn thuốc điện tử, là bệnh án điện tử vì tài liệu giấy đã được số hóa. Đây là cách hiểu sai. Hình ảnh của đơn thuốc viết tay là một hình digital, không lưu trữ số hóa vào database do đó không có tính năng của một bệnh án điện tử.

Một số người khác hiểu bệnh án điện tử như những thông tin bệnh án được chép lưu trong một chiếc thẻ bệnh nhân. Họ hình dung chiếc thẻ như một đĩa nhớ, mọi thông tin được ghi chép vào đó để bệnh nhân đi đâu cũng có thể mang theo thông tin đó. Đó là một cách hình dung sai. Chiếc thẻ bệnh nhân không phải là thẻ nhớ, không ghi chép thông tin nào trong đó. Thẻ bệnh nhân đơn giản chỉ ghi mã số bệnh nhân. Từ mã số này, bệnh viện sẽ “lôi” ra các thông tin khác từ trong hệ thống máy tính. Bệnh án được kết nối bằng mã số bệnh nhân nên việc tìm thông tin rất dễ dàng.

EHR - Electronic Health Record. Y bạ điện tử, là toàn bộ hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân, bao gồm nhiều bệnh án điện tử cùa các lần khám bệnh và nhập viện, từ các bệnh viện khác nhau, các vấn đề sức khỏe trong quá khứ và các chỉ số sức khỏe như BMI, tiền căn dị ứng, bệnh mạn tính đã mắc phải.

EHR thường bị nhầm lẫn với EMR. EHR bao gồm nhiều EMR.

EPR - Electronic Personal Record - Sổ y bạ bệnh nhân hay Bệnh án điện tử cá nhân, được xuất bản lên mạng internet để bệnh nhân có thể truy cập, xem và ghi chú tình trạng sức khỏe của mình. Truy cập bệnh án Online, bệnh nhân có thể xem lại: các đơn thuốc, kết quả xét nghiệm, kết quả siêu âm, nội soi, x quang… của mình.

Thông thường, dữ liệu bệnh nhân được lưu trữ trong máy chủ của bệnh viện, người ngoài bệnh viện không được quyền truy cập. Vì vậy, dữ liệu này sẽ được xuất riêng đến một máy chủ web để bệnh nhân truy cập mà không ảnh hưởng đến dữ liệu gốc.

Công việc cập nhật dữ liệu gốc vào máy chủ web có thể được thực hiện mỗi 12 tiếng đồng hồ một cách tự động hoặc có kiểm soát.

Khi sử dụng hệ thống Cloud để vận hành phần mềm quản lý bệnh viện thì bệnh nhân có thể truy cập bệnh án từ dữ liệu Cloud.

Điều cần giải quyết là bệnh nhân đến khám tại nhiều bệnh viện khác nhau, làm thế nào để bệnh nhân quản lý được hồ sơ bệnh án của mình chung trên một bệnh án online. Với chính sách thông tuyến của BHYT Việt Nam, một bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ được quyền khám tại các bệnh viện cùng tuyến, không bị lệ thuộc vào nơi đăng ký ban đầu. Điều này tạo ra thêm vấn đề mới là làm sao để kiểm soát được việc bệnh nhân đến khám tại nhiều cơ sở y tế trong cùng 1 ngày?

Tại nước Úc, người ta làm một hệ thống EPR để bệnh nhân tự quản lý. Tuy nhiên, chẳng có bệnh nhân nào rảnh để làm chuyện này. Họ không biết phải làm gì với EPR. Đúng ra, dữ liệu bệnh của bệnh nhân phải đươc các bệnh viện publish lên hệ thống EPR.

Việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân truyền thống cần có sự hiện diện, tiếp cận của thầy thuốc và bệnh nhân. Thầy thuốc cần thu thập thông tin lâm sàng từ bệnh nhân. Bệnh nhân cần được tư vấn từ thầy thuốc.

Ngày nay bằng các phương tiện giao tiếp internet như đường truyền cáp quang, video internet, hội nghị trực tuyến, một số công việc của y khoa đã được xử lý từ xa.

Chẩn đoán hình ảnh từ xa: 

Hình ảnh thô DICOM sau khi được chụp từ máy chụp (modaltity) có thể được chuyển qua mạng internet đến máy tính của bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh (Imageologist) để phân tích và ghi kết quả. Như vậy, một nhà hình ảnh học có thể ngồi tại một vị trí có thể phục vụ cho nhiều bệnh viện khác nhau trên toàn thế giới. Tương tự như vậy, các mẫu lame của Giải Phẫu Bệnh (Pathology) hay Tế Bào Học (Cytology) có thể được chuyển đến phòng đọc Anapatholomy và nhận kết quả hội chẩn ngay lập tức.

Hội chẩn từ xa: 

Bằng công cụ hội thảo trực tuyến, một số ca lâm sàng khó có thể được thảo luận nhóm. Các thành viên vừa có thể trao đổi thông tin với nhau bằng hội thoại, xem mặt bệnh nhân, xem tài liệu y khoa cùng nhau. Có thể ứng dụng hội chẩn từ xa giữa các bác sĩ bệnh viện chuyên khoa đến các vùng sâu, hải đảo.

Chăm sóc sức khỏe từ xa: 

bệnh nhân có thể giao tiếp với bác sĩ bằng video internet (webcam) để bác sĩ xem tình trạng sức khỏe khi đang điều trị tại nhà. Hình thức này có thể áp dụng cho việc chăm sóc người cao tuổi ở các vùng xa, bệnh viện vệ tinh, bệnh nhân điều trị tại nhà... Các máy điện tim thế hệ mới có thể truyền qua wifi đến trung tâm dữ liệu để các bác sĩ phân tích.

Can thiệp từ xa: 

Một số tiến bộ y khoa giúp một giáo sư ngoại khoa ở Mỹ có thể mổ cho bệnh nhân ở Pháp. Bằng cách điều khiển cánh tay robot, các thao tác của bác sĩ ngoại khoa được truyền qua mạng internet để điều khiển bộ đồ mổ thao tác trên cơ thể bệnh nhân. Tuy nhiên, việc can thiệp này không được phổ biến vì tính phức tạp và đắt tiền.

Huấn luyện từ xa: Với phương tiện multimedia được upload lên youtube, broadcast, việc chia sẻ kiến thức, lên lớp học online trở nên thuận tiện cho nhân viên y tế ở vùng sâu vùng xa. Một hội nghị, hội thảo y khoa có thể được tường trình trực tiếp trên mạng internet giúp người ở xa có thể “tham dự” bằng smart phone hoặc có thể nghe lai nội dung hội thảo vào lúc khác.

Vấn đề pháp lý của telemedicine: 

Việc chẩn đoán hình ảnh, với sự ký kết trách nhiệm giữa bệnh viện và bác sĩ thì vấn đề pháp lý đã rõ ràng, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phải chịu trách nhiệm chuyên môn của mình khi tham gia dịch vụ. Việc hội chẩn từ xa cần quy ước về mặt pháp lý. Người tham gia hội chẩn không chịu trách nhiệm về công việc tư vấn của mình khi không được tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân.

Mặc dù Telemedicine giúp xử lý các tình huống về khoảng cách, tuy nhiên, việc tiếp xúc trực tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ luôn luôn cần thiết.

Những ứng dụng y học từ xa trong thực tế:

Các bác sĩ đã sử dụng các phương tiện truyền thông miễn phí như FaceBook, Zalo, Viber… để gửi các hình ảnh, video cho nhau, nhờ sự trợ giúp của nhau. Nhiều trường hợp bệnh nhân hiểm nghèo đã được cứu thoát khỏi cái chết trong gang tấc nhờ việc truyền tin đơn giản như vậy.

Những ích lợi về mặt xã hội khi ứng dụng Telemedicine:

Ở các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, hình ảnh bệnh viện quá tải thể hiện ngay từ cổng bệnh viện, nơi mà một bệnh nhân luôn luôn có một vài người nhà đi kèm đến đăng lý khám bệnh hoặc tái khám. Có những bệnh mà việc tái khám tại bệnh viện là không thật sự cần thiết, ví dụ như bệnh bướu tuyến giáp, bác sĩ chỉ xem qua kết quả xét nghiệm, nhìn hỏi đôi câu và cho thuốc như cũ. Vậy, nếu có một trạm khám bệnh từ xa đặt tại các tỉnh, bệnh nhân có thể được chẩn đoán và gia hạn đơn thuốc. Điều này giúp giảm thời gian, công sức, chi phí đi lại của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân.

Hoặc ở các bệnh viện tâm thân, bệnh Alzimer là bệnh mạn tính ở người cao tuổi, thuốc uống thường xuyên đến mãn đời. Nếu hàng tháng bệnh nhân phải đến bệnh viện để nhận thuốc thì làm tăng một lượng đợt khám đáng kể cho bệnh viện, mất ngày giờ lao động cho người nhà bệnh nhân và đồng thời tăng lựu lượng xe cộ lưu thông trên đường phố. Nếu ứng dụng telemedicine thì sẽ giúp bệnh nhân được thăm khám từ xa, gia hạn đơn thuốc tại địa phương.

Tóm lại Telemedicine không phải là điều gì quá to tát, xa vời mà là sự ứng dụng linh hoạt các phương tiện truyền thông cá nhân để giao tiếp, trao đổi dữ liệu và hội ý nhau cho việc xử lý bệnh nhân.

Thuật ngữ CDSS (Clinical Decision Support System) - Hệ thống hỗ trợ quyết định lâm sàng.

Công việc của bác sĩ là nắm vững thông tin và ra quyết định xử lý vấn đề của người bệnh. Vì vậy việc cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ là công việc rất cần thiết. Các hình thức cung cấp thông tin bao gồm:

Ngoài ra, hồ sơ bệnh nhân được chia sẻ cho tất cả các bác sĩ lâm sàng và cận lâm sàng. Bệnh nhân được nhiều bác sĩ cùng tham gia xem hồ sơ, cùng phát hiện những sai sót, giúp quá trình điều trị tốt hơn. Các bác sĩ tham gia chẩn đoán hình ảnh cũng có thể kiểm chứng lại chẩn đoán của mình sau khi xem lại kết quả cuối cùng. Điều này giúp bác sĩ tự học từ bệnh nhân.

Các số liệu lâm sàng được so sánh, hiển thị trực quan dưới dạng biểu đồ giúp cho công tác phán đoán, quyết định xử trí của bác sĩ phù hợp thực tế hơn.

Y học thực chứng trong trường hợp này đóng góp vai trò quan trọng trong việc ra quyết định của bác sĩ. Số liệu về một bệnh nào đó theo y văn thế giới sẽ không có giá trị bằng số liệu thực tế ngay tại bệnh viện được lưu trữ trong hệ thống.

Ví dụ: Theo y văn thế giới thì số người nhiễm HIV ở người quan hệ tình dục không an toàn chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, theo dữ liệu ghi nhận trong Database của bệnh viện thì hầu hết các ca nhiễm HIV thuộc đối tượng tiêm ma túy. Như vậy, y học thực chứng trong trường hợp này dựa vào cơ sở dữ liệu thực tế tại bệnh viện để xử lý.

Tham khảo: CDSS

Internet of things là một khái niệm mới để nói đến các vật dụng được gắn chip kết nối với internet và được điều khiển từ xa.

Ví dụ: một người ở xa có thể dùng Smart phone để giám sát việc tưới cây tại nhà, giám sát nhiệt độ trong phòng, điều khiển bếp ăn từ xa…

Việc ứng dụng IoT trong y tế mang lại nhiều hứa hẹn lẫn những thách thức.

Có thể ứng dụng IoT trong việc giám sát tình trạng bệnh nhân từ những cảm biến được gắn ở giường bệnh. Có thể tiếp điều chỉnh giường bệnh cho phù hợp tư thế bệnh nhân từ xa hoặc do việc lập trình sẵn…

Tuy nhiên, khi các vật dụng đều được kết nối internet thì đó cũng chính là cửa ngõ cho các hacker xâm nhập và gây rối hệ thống.

 CẨM NANG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN Y TẾ

01. Lời nói đầu
02. Cấu trúc phần mềm quản lý bệnh viện
03. Những vấn đề về CNTT của bệnh viện
04. Các thuật ngữ
05. Các vấn đề về tính năng phần mềm
06. Một số vấn đề về kỹ thuật phần mềm
07. Các tiện ích CNTT quản lý bệnh viện
08. Cách chọn phần mềm quản lý bệnh viện
09. Cần chuẩn bị gì cho triển khai hệ thống phần mềm?
10. Chuẩn dữ liệu
11. Số liệu thống kê và khai thác dữ liệu
12. Chi phí cho phần mềm
13. Kinh nghiệm triển khai phần mềm
14. Vấn đề đào tạo kiến thức CNTT y tế
15. Xây dựng một hệ thống y học điện tử quốc gia
16. Tác giả - BS. PHAN XUÂN TRUNG
17. Sơ lược về hệ thống phần mềm YKHOANET