Một số vitamin không phải là... vitamin
Các vitamin B17 và P có nhiều trong trái cây. |
Bạn từng thắc mắc tại sao có vitamin như B1, B6, B12... nhưng lại chưa hề nghe nói đến vitamin B4, B10, B11...? Đó là vì hiện nay, những chất này không còn được gọi là vitamin nữa. Tuy rất cần cho sức khỏe nhưng chúng không có tác dụng giống như định nghĩa về vitamin.
Năm 1910,
nhà bác học người Mỹ gốc Ba Lan Casimir Funk đã có một khám phá mang tính lịch
sử: phân lập được một chất bí ẩn từ gạo ăn, nếu thiếu nó, cơ thể sẽ mắc một căn
bệnh đáng sợ và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng: Đó là bệnh Béribéri - phù
thũng. Ông đặt tên cho chất bí ẩn này là vitamin, một chất hóa học thuộc nhóm
amin, rất cần cho sự sống. Để ghi nhớ sự kiện này, người ta đặt tên chất này là
vitamin B1. Từ đó, tất cả các chất tương tự đều mang họ B như B2, B3...
Vitamin là những hợp chất hữu cơ mà cơ thể không tự tổng hợp được, phần lớn phải
bổ sung bằng đường ăn uống. Nó đóng vai trò quan trọng đối với sự sống của con
người. Đó là những xúc tác không thể thiếu cho sự chuyển hóa các chất trong cơ
thể. Nhu cầu hằng ngày của cơ thể về vitamin rất ít, nhưng nếu thiếu sẽ gây
những rối loạn trầm trọng và nhiều căn bệnh nguy hiểm, nếu kéo dài có thể dẫn
đến tử vong.
Hiện nay, một số vitamin không còn được coi là vitamin nữa,
đó là:
Vitamin B4: Thực ra, đây là chất adenine, một thành phần
tạo nên nhân của tế bào. Người ta gọi nó là “vitamin của bạch cầu” do tác dụng
kích thích quá trình tạo bạch cầu. Việc thiếu vitamin B4 sẽ gây hội chứng viêm
đa dây thần kinh.
Vitamin B10: Đây là chất PABA, có cấu trúc hóa học rất giống với sulfamid - một acid amin tự nhiên trong não. Nó có tác dụng bảo vệ cơ thể tránh những tác hại của ánh sáng mặt trời và các gốc tự do. Người ta tìm thấy vitamin B10 trong cùng một nguồn của tất cả các vitamin nhóm B như men bia, ngũ cốc toàn phần, mầm lúa mì, rau...
Vitamin B11: Thực ra, đây là một loại men tiêu hóa, cơ chế hoạt động không hề giống vitamin. Nó được gọi là “vitamin của sự ngon miệng” vì có tác dụng kích thích sự bài tiết của dạ dày và tụy tạng, giúp tiêu hóa tốt. Thiếu vitamin B11 sẽ dẫn đến chán ăn, kém tiêu hóa và teo cơ. Người ta tìm thấy vitamin B11 trong thịt và men bia.
Vitamin B13: Ở Pháp, vitamin B13 được xếp vào bảng thuốc độc. Nó thực chất là acid orotic - một yếu tố tăng trưởng, có nhiều trong sữa. Khi vào cơ thể, nó sẽ được chuyển hóa thành chất đạm cơ bản để cấu tạo nên gene. Vitamin B13 còn được sử dụng để tổng hợp các loại muối khoáng khác nhau.
Vitamin B15: Đây chính là acid pangamic. Acid pangamic còn là tên dùng chung cho nhiều chất mang tính kích thích (doping) mà ngày nay người ta không cho phép sử dụng nữa. Vitamin B15 có khả năng làm tăng độ dẻo dai ở vận động viên, cải thiện một số bệnh lý về hô hấp, khớp, thần kinh...
Vitamin B17: Đây là leatrile, được tìm thấy trong nhân quả đào, mơ, sê-ri. Ở Mêhicô, người dân thường ăn nhiều quả mơ và ít bị ung thư đường tiêu hóa nên người ta cho rằng vitamin B17 có tác dụng chống ung thư. Tuy nhiên, các thực nghiệm sau này không cho thấy tác dụng nào của chất này.
Vitamin F: Chính là hai acid béo không no acid linoléic và acid alpha linoléic; có trong dầu hướng dương, dầu ngô, dầu hạt nho, dầu đậu nành, dầu hồ đào. Thực nghiệm trên chuột cho thấy khi thiếu vitamin F, chuột chậm phát triển, đỏ da, tổn thương thận, vô sinh; và những bệnh này được chữa khỏi bằng vitamin F.
Vitamin I: Đây chính là inositol, có tác dụng tạo chất phospholipid - là thành phần cơ bản của màng tế bào và tế bào thần kinh. Vitamin I có nhiều trong quả hạnh đào, đậu xanh. Trước kia, nó được kê đơn chữa các bệnh về gan, xơ vữa động mạch, viêm da. Ngày nay, người ta không tìm thấy bằng chứng xác thực về hiệu quả của vitamin I.
Vitamin J: Thực ra là chất cholin, được tổng hợp ngay trong cơ thể con
người từ amine methionin. Nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa
mỡ nên có tác dụng chống lại bệnh xơ vữa động mạch. Vitamin J còn được dùng để
cải thiện chất lượng của trí nhớ vì nó tham gia vào quá trình thông tin thần
kinh. Nó còn là tiền chất của acetylcholin - yếu tố dẫn truyền trung gian thần
kinh quan trọng nhất của cơ thể. Cholin có trong nhiều thực phẩm chứa mỡ như
lòng đỏ trứng, gan, đậu nành, mầm lúa mì...
Vitamin P: Người ta
đặt tên vitamin P cho một nhóm sắc tố tan trong nước, thường đi kèm với vitamin
C, có trong một số loại rau quả. Chất được biết đến nhiều nhất là rutin, có khả
năng đồng hóa vitamin C, tham gia vào chức năng bảo vệ sự vững bền của thành
mạch máu. Thực ra, vitamin P chính là flavonoid, giữ vai trò quan trọng trong
việc chống lại các gốc tự do trong cơ thể. Flavonoid có nhiều trong trà xanh,
rượu vang đỏ, một số loại rau quả, có nhiều ích lợi cho sức khỏe, nhất là tác
dụng chống lão hóa, giải độc.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)