Những điều cần biết về phẫu thuật thẩm mỹ (phần 13)
Biến đổi da khi lớn
"Khi lớn tuổi, da vẫn giữ nguyên hay có thay đổi?"
Sự lão hóa da chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như di truyền, nội tiết, môi trường chung quanh, dinh dưỡng và cơ học. Trên phương diện vi thể, sự lão hóa da có các đặc điểm sau:
- Lớp biểu bì từ từ mỏng lại, da có tính chất axit hơn.
- Phần nối tiếp giữa biểu bì và bì cũng mỏng lại.
- Phần bì các sợi liên kết rối loạn, sợi đàn hồi giảm, lượng dịch thấm vào giảm, lượng máu nuôi da giảm và các thành mạch dễ vỡ.
Lão hóa được chia làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 0: Da bình thường.
- Giai đoạn 1: Vào khoảng 40 tuổi.
+ Các sợi đàn hồi rời nhau ra, bị cắt đoạn và bắt đầu biến mất. Các sợi phía ngoài cùng làm thành một lớp mỏng, không có tổ chức sợi dưới lớp biểu bì.
+ Tổ chức sợi liên kết (collagene) không thay đổi.
- Giai đoạn 2 và 3: Trên 45 tuổi
+ Các sợi đàn hồi gần như biến mất hoàn toàn.
+ Sợi liên kết xếp không theo tổ chức nào đặc biệt, rối bù, bung thùa ra.
+ Các tế bào sợi ngừng bài tiết.
Giải thích một cách khoa học thì như vậy. Nhưng có thể hiểu đơn giản hơn là càng lớn tuổi, da càng kém đàn hồi, kém đẹp và khi bị vết thương thì chậm lành hơn người trẻ.
Da mặt bị mất màu
"Tôi 47 tuổi, gần đây da mặt có vài chỗ mất màu, trở thành trắng, không biết do nguyên nhân gì. Tôi có dùng rất nhiều thuốc nhưng không có kết quả. Vậy tôi cần điều trị như thế nào?".
Da bị mất màu có thể do bẩm sinh (mới sinh ra đã có) hay do bệnh mắc phải sau khi sinh. Nguyên nhân gây mất màu da sau khi sinh là bệnh ngoài da như nhiễm vi nấm, sẹo mổ, một số ít trường hợp do bôi thuốc lột da mặt hay cà da mặt.
Mất màu ở da được điều trị tùy theo nguyên nhân. Trong trường hợp mất màu do nhiễm nấm (thường gọi là lang ben), việc điều trị được thực hiện tương đối dễ (bằng cách dùng thuốc trị nấm ngoài da). Các trường hợp da mất màu khác thường khó điều trị hơn. Đôi khi phải dùng phương pháp xăm thẩm mỹ mới tạo lại được màu sắc giống da bình thường.