Những điều cần biết về phẫu thuật thẩm mỹ (phần 20)
Các loại mụn
Các dạng mụn nặng
Có thể xuất hiện rất nhanh sau tuổi dậy thì, sau một đợt có dạng còi mụn hay mụn mủ.
- Mụn bọc to: Đây là dạng mụn nổi gò lên, trong chứa nang mủ, thường xảy ra ở phái nam. Các khối u hạt viêm có thể chuyển thành áp xe, rò mủ, về sau thành sẹo cứng, lõm da xuống rất xấu. Đây là dạng mụn của các em trai, thường ở lưng hay mặt trước ngực. Ở phái nữ, loại mụn này thường kết hợp với bệnh nam hóa.
- Mụn dạng conglobata: Theo sau mụn bọc to, các loại mụn to lên, đau nhiều, mụn tụ lại thành đám và rò mủ ra da. Bệnh kéo dài đến tuổi trưởng thành và gây nhiều sẹo xấu.
- Mụn thể nặng: Là loại mụn conglobata có đi kèm theo sốt, đau nhức các khớp xương và ảnh hưởng đến toàn trạng người bệnh. Nơi mụn bị loét, đóng vảy, chảy máu.
Mụn ở trẻ em
- Trẻ nhỏ: Xảy ra khoảng 3 đến 6 tháng sau khi sinh, mặt có còi mụn và mụn. Bệnh này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn do ảnh hưởng kích thích tố nam của người mẹ.
- Mụn ở trẻ lớn: Thường ít gặp, là mụn đa dạng của trẻ vị thành niên, xảy ra ở những đứa trẻ cha mẹ bị mụn nhiều.
Mụn ở người lớn
Bệnh tích viêm là chủ yếu
- Ở đàn ông: Bệnh tích chủ yếu ở cổ và lưng dạng conglobata hay dạng mụn nặng.
- Ở phái nữ: Chủ yếu là mụn do kích thích tố, thường xảy ra quanh miệng và vùng hàm dưới.
Các thuốc tránh thai có androgène và progestérone có thể gây ra và làm mụn nặng thêm.
Nếu người bệnh có triệu chứng nam hóa, phải tìm xem có u thượng thận hay u buồng trứng không. Đặc biệt, triệu chứng này ở phụ nữ có thể do yếu tố tâm lý.
Bệnh mụn thứ phát
Xảy ra do dùng mỹ phẩm, tiếp xúc với các tác nhân vật lý, hóa học hay do dùng thuốc.
- Mụn do dùng mỹ phẩm: Dạng còi mụn hoặc những nang nhỏ ở quanh miệng. Bệnh xảy ra do dùng mỹ phẩm có nhiều chất nhờn, không thích hợp với da.
- Mụn do tiếp xúc với các hóa chất.
- Mụn do nghề nghiệp: Do tiếp xúc với chất hydrocarbures (có trong dầu hỏa), tạo thành còi mụn hay nốt mụn ở da nơi tiếp xúc.
- Các tác nhân vật lý như tia X, tia Cobalt có thể gây mụn nhiều tuần sau khi xạ trị. Tia tử ngoại trong ánh mặt trời có tính chất diệt trùng nhưng cũng gây mụn.
- Mụn do dùng thuốc trị bệnh: Thường ở dạng viêm nhiều hơn là tạo thành còi mụn.
Các loại thuốc gây nổi mụn thường gặp là loại Corticoides dùng bôi mặt hay uống; các loại thuốc có chất Halogène như Brome (Calcibronat), iốt (thuốc trị bướu tuyến giáp trạng ở cổ), Cobalt (có trong sinh tố B12), Flour (có trong kem đánh răng).
Các thuốc trị động kinh như Gardénal, Diphénylhydantoine, Trimetadoine nếu được dùng một thời gian dài cũng có thể gây nổi mụn ở người lớn.
Một số loại thuốc khác cũng có thể gây mụn như: Muối của Lithium, Rifampicine, các loại thuốc chứa chất Progestérone tổng hợp.
Cách điều trị mụn
Việc điều trị mụn nhằm ba mục đích: giảm bớt chất nhờn, làm tan còi mụn và làm giảm phản ứng viêm.
1. Làm giảm chất nhờn
- Dùng thuốc ức chế men 5 alpha-réductase, gồm Progestérone tự nhiên (Progestosol), Promestriène (Delipoderme), kết hợp kẽm với vitamin B6 (Alphane). Các chất này trên lý thuyết rất tốt, nhưng thực tế không cho kết quả nhiều lắm. Đối với phụ nữ, dùng chất kháng Androgène. Ở cả hai phái, có thể dùng Isorétinoine.
- Các kích tố nữ tác dụng trên ba cách:
+ Tăng SHBG (globulin mang kích thích tố sinh dục), làm giảm testotérone tự do hoạt động.
+ Ức chế các điểm tiếp nhận kích thích tố nam ở tuyến bã.
+ Giảm sự sản xuất Androgène ở buồng trứng.
Các thuốc này kết hợp với acétate cyprotérone hay một loại thuốc progesté rone không có tác dụng của kích tố nam.
Thuốc được dùng cho phụ nữ lớn tuổi. Đối với phụ nữ trẻ, có thể dùng oestrogen với liều 30 đến 50 mcg (Ovanon 50, Varnoline 30). Ngày nay, Diane là loại thuốc được nhiều người dùng hơn. Thường đến tháng thứ tư mới có kết quả. Cần dùng thuốc một thời gian dài, nhiều khi hơn một năm.
- Thuốc Isotretinoine hay Roaccutane: Dùng để điều trị mụn nặng. Cơ chế tác dụng là làm giảm nhanh chóng sự bài tiết của tuyến bã không do cơ chế nội tiết. Tác dụng ức chế tuyến bã này tồn tại ngay cả khi ngưng dùng thuốc. Tiếp theo, thuốc còn làm còi mụn được đẩy ra ngoài, giảm số lượng vi trùng Pa, giảm phản ứng kích thích tế bào viêm của cơ thể. Liều dùng là 0,5 mg/kg/ngày trong 300 ngày.
Thuốc này làm khô da và có thể gây một số tác dụng phụ như nhức đầu, đau nhức khớp xương, không dùng được cho phụ nữ mang thai.... Nó chỉ được dùng khi bị mụn nhiều, điều trị thuốc khác không kết quả.
2. Làm tan còi mụn
Các thuốc này làm sạch da, đẩy còi mụn ra (hai hoặc ba tháng sau khi bắt đầu điều trị nội khoa).
- Các loại thuốc thoa ngoài da như Isotrétinoine loại dung dịch (gel) kết hợp với kháng sinh tại chỗ cho kết quả tương đối tốt và ít bị phản ứng phụ.
- Điều trị tổng quát với các thuốc kháng viêm, kháng sinh tại chỗ và toàn thân
3. Điều trị sẹo mụn
Sau khi hết hẳn mụn từ 6 tháng đến 1 năm, có thể điều trị mụn bằng phương pháp lột, cà da mặt hoặc phẫu thuật cắt bỏ sẹo và ghép da.
Trên thực tế, việc điều trị mụn thường ít kết quả vì các nguyên nhân gây mụn ít được chú ý và giải quyết triệt để. Các sẹo này tuy vậy vẫn điều trị được bằng phẫu thuật thẩm mỹ.
Đề phòng và điều trị các loại mụn mặt mà không để lại sẹo thâm
"Cháu rất sợ bị mụn. Có một số bạn gái cùng tuổi bị mụn, sau đó da mặt có nhiều sẹo thâm đen rất xấu. Có cách nào khỏi bị mụn không, và khi lỡ bị mụn rồi thì nên điều trị như thế nào để khỏi bị sẹo xấu?".
Câu hỏi của cháu khá dài, gồm hai chuyện: Đề phòng và điều trị mụn. Chúng ta đã biết mụn do nguyên nhân bên ngoài và bên trong cơ thể gây ra. Các nguyên nhân bên ngoài là: dị ứng với mỹ phẩm, hóa chất, một số loại thuốc điều trị bệnh; nhiễm trùng da mặt do vi trùng Propionibacterum Acnes... Nguyên nhân bên trong cơ thể là: da tiết nhiều chất nhờn (do ảnh hưởng của kích thích tố nam), da bị sừng hóa nhiều nơi các lỗ chân lông mặt và viêm nhiễm tại chỗ da mặt. Do có nhiều nguyên nhân như vậy nên đối với từng trường hợp cụ thể, phải xem đâu là nguyên nhân chính gây mụn và điều trị tập trung vào đó.
Nói chung, việc giữ da mặt được sạch tốt, chỉ dùng mỹ phẩm khi cần thiết, hạn chế tiếp xúc với hóa chất, có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi điều độ có thể giúp cháu tránh được một số trường hợp về mụn.
Khi bị mụn, nên điều trị sớm và đúng cách để tránh sẹo xấu. Khi bị sẹo rồi, dù có điều trị thật tích cực với đủ các phương tiện cần thiết, da cũng khó trở lại hoàn toàn như trước.
Điều trị sẹo mụn
"Khi bị sẹo thâm do mụn để lại thì nên làm gì để trị hết?".
Cách điều trị khác nhau tùy theo sẹo sâu hay cạn.
- Đối với các lỗ sẹo mụn sâu, phải cắt bỏ và ghép da. Mỗi lỗ sẹo được ghép một mảnh da tròn nhỏ. Một thời gian sau, khi da mọc đều và phẳng lại sẽ không thấy lỗ.
- Vết thâm hoặc sẹo cạn: Có thể cà da cho bằng phẳng lại. Phương pháp cà da mặt còn được dùng để điều trị các trường hợp mụn do da sừng hóa nhiều ở các lỗ chân lông (thường gọi là da mặt dày). Đây là một cách điều trị mới. Cà da mặt được áp dụng khi điều trị mụn bằng phương pháp thông thường kéo dài mà kết quả ít. Dùng cách này phải hết sức cẩn thận, tránh nhiễm trùng lan rộng và sau khi cà da phải tránh nắng nhiều tháng.
- Đối với người bị kết hợp cả hai bệnh tích, vừa bị sẹo sâu, vừa bị vết thâm, việc điều trị phức tạp hơn. Có thể phải lột hoặc cà da mặt trước để làm giảm tầng ngoài cùng, cho da mỏng lại. Sau khi ổn định, cắt bỏ sẹo và ghép da.
Điều trị mụn kéo dài
"Cháu năm nay 22 tuổi, da mặt tương đối nhiều chất nhờn, đặc biệt khoảng một năm nay cháu bị rất nhiều mụn. Cháu đã dùng rất nhiều loại thuốc, kiêng cữ ăn uống rất cẩn thận nhưng mụn cũng không hết được. Tại sao vậy?".
Mụn do nhiều nguyên nhân gây ra. Đa số trường hợp khó tìm nguyên nhân. Một số trường hợp tìm đúng nguyên nhân rồi nhưng việc điều trị cũng mất rất nhiều thời gian, có khi phải mất nhiều tháng. Do đó, cháu không nên quá lo lắng, cứ từ từ chắc bệnh sẽ khỏi thôi. Trong trường hợp cần thiết lắm, bị mụn kéo dài, điều trị thuốc không kết quả, có thể dùng phương pháp cà da mặt.
Dùng sữa bò tươi trị sẹo mụn trứng cá
"Năm nay tôi 25 tuổi, trước đây có nhiều mụn trứng cá. Hiện nay mụn đã giảm nhưng để lại nhiều sẹo lõm, khiến da khô và sần. Tôi có thể dùng sữa bò tươi để bôi lên da mặt vào mỗi buổi sáng được không? Khi làm như vậy có cải thiện được gì không và tôi có phải kiêng nắng không?".
Rất tiếc là tôi chưa đọc được tài liệu nào nói về việc dùng sữa bò tươi cho da mặt bị sẹo và khô do mụn. Tuy nhiên, sữa bò có thể làm da đỡ khô (nhờ chất béo trong sữa). Ngoài ra, các chất đạm, vitamin, kháng thể có trong sữa có thể cũng giúp nuôi dưỡng trực tiếp da và làm giảm nhiễm trùng da do mụn. Tuy nhiên, cô chỉ nên dùng sữa ở con bò hoàn toàn khỏe mạnh và sữa mới được lấy từ bò ra. Tránh dùng sữa để lâu (vì nó có thể chứa vi trùng gây bệnh) và chỉ nên bôi sữa lên da mặt ngày vài lần, sau đó nên rửa sạch. Nếu kết quả tốt, cô cứ tiếp tục, nếu xấu đi thì ngừng, chắc không có gì hại.
Điều trị sẹo mụn ở mặt
"Trước đây, tôi có rất nhiều mụn hai bên má. Sau khi lập gia đình và sinh cháu bé vài năm thì hoàn toàn hết hẳn mụn, nhưng da mặt hiện còn rất nhiều sẹo mụn nhỏ. Nếu làm mất các sẹo mụn này thì hay biết mấy! Xin bác sĩ cho biết có cách nào làm hết sẹo mụn không?".
Trường hợp này có thể dùng phương pháp lột da mặt trước để lấy bớt các tổ chức da dày, xấu chung quanh nơi sẹo mụn, làm cho da mỏng lại và mềm hơn. Sau đó vài tuần, tiến hành cà da mặt, cà da độ vài lần, mỗi lần cách nhau độ vài tháng. Sau khi cà da, nếu còn một vài chỗ sẹo mụn sâu quá, có thể cắt bỏ sẹo và ghép da. Nói chung việc điều trị tốn nhiều thời gian và khá phức tạp. Trong suốt thời gian điều trị, cô cần tránh nắng.