Những điều cần biết về phẫu thuật thẩm mỹ (phần 31)
Phẫu thuật xóa vết xăm ở chân mày
"Thưa bác sĩ, cách đây hai năm tôi có xăm chân mày hai bên ở một thẩm mỹ viện. Vết xăm khá lớn khiến lông mày rậm, trông rất dữ, tôi cố gắng xóa nhiều lần nhưng không đạt kết quả, lại sinh nhiều sẹo. Có cách gì làm cho vết xăm nhỏ bớt được không?".
Trường hợp của bà cần phải xem cụ thể mới quyết định được. Tuy nhiên, nếu bà đã cố gắng xóa nhiều lần và nơi chân mày có nhiều sẹo thì nên giải phẫu cắt bớt phần xăm cho nhỏ lại, đồng thời giải quyết sẹo nơi chân mày luôn.
Xóa vết xăm lem ở mi dưới
"Trước đây 3 tháng, tôi có đi xăm mi mắt ở một thẩm mỹ viện. Có lẽ cô kỹ thuật viên chưa quen việc lắm nên sau khi xăm xong, tôi thấy vết mực ở mắt lan rộng xuống phía dưới đến gần 1 cm. Cô kỹ thuật viên cho biết đây chỉ là vết mực bị lem ra thôi, từ từ sẽ hết, nhưng đến nay vết lem vẫn còn. Như vậy phải làm sao bác sĩ?".
Trường hợp của cô, có lẽ phải cắt bỏ phần da bị xăm lem và may lại, như cắt mi dưới vậy. Có một cách khác nữa để xóa vết xăm là cà da, nhưng không áp dụng được trong trường hợp này vì phần lem gần mi mắt quá, sợ khi cà da sẽ ảnh hưởng dưới mắt.
Xóa vết xăm bằng bàn là?
"Trước đây, nghe theo lời bạn bè, tôi có nhờ người xăm một hình vào mình. Sau đó tôi rất hối hận, muốn tìm cách bỏ vết xăm nhưng chưa làm được. Tôi đã dùng xà phòng chà rất mạnh, rất nhiều lần nhưng không hết. Có lần tôi đã dùng bàn là nhưng nóng quá, không chịu nổi. Nơi da đốt bị bỏng, sẹo rất xấu, nhưng vết xăm vẫn còn. Vậy có cách nào xóa được vết xăm này không bác sĩ?".
Có thể xóa vết xăm bằng nhiều cách, tùy theo độ lớn và độ sâu khi xăm. Đối với vết xăm nhỏ, phẫu thuật cắt bỏ là đơn giản nhất. Đối với vết xăm lớn, phải đốt điện, đốt bằng laser hoặc cà da.
Phương pháp cà da không để lại sẹo, nhưng với những vết xăm bằng tay khá sâu, phải cà nhiều lần mới hết hẳn được.
Xóa vết xăm còn mới
"Cháu nhờ bạn xăm hình vào ngực cách đây 2 ngày. Nay gia đình rầy la dữ quá, cháu muốn xóa đi ngay được không bác sĩ?".
Vết xăm của cháu xóa được, nhưng phải chờ một thời gian cho nơi xăm ổn định, thường là 2 đến 3 tháng sau. Bây giờ vết xăm còn mới, nếu xóa sẽ dễ bị sưng, đau và dễ cho sẹo xấu.
Xóa bớt đen trên mặt
"Con gái tôi năm nay 14 tuổi, gương mặt khá đẹp nhưng rất tiếc là có một bớt đen nhỏ khoảng 1 cm x 3 cm ở mép, trông như dính nhọ nồi vậy. Cháu đi học bị bạn chọc là ăn vụng bị dính lọ, rất xấu hổ. Có cách nào xóa bớt đen này được không bác sĩ? Sau khi xóa có để lại nhiều sẹo lắm không?"
Bớt đen trên mặt là một dị tật bẩm sinh, thường có ở một số người. Bớt này nếu không điều trị sẽ tồn tại mãi đến suốt đời. Tùy theo kích thước của bớt đen mà có nhiều cách điều trị khác nhau.
- Đối với bớt đen nhỏ, có thể cắt bỏ hoàn toàn rồi may da lại. Đây là cách điều trị đơn giản nhất.
- Với các bớt đen tương đối lớn (bề rộng trên 2 cm), có thể mổ làm hai lần, lần đầu cắt bớt một phần; sau 6 tháng đến một năm, phẫu thuật lần thứ hai để lấy hết phần còn lại. Sở dĩ phải mổ hai lần vì bớt đen lớn quá, nếu bóc tách rộng thì không đủ da mặt để che kín phần vừa lấy đi. Việc cố gắng may ghép lại sẽ làm kéo lệch mắt, môi hoặc mũi gần đó. Hơn nữa, nơi mổ bị kéo căng, thiếu máu nuôi, khó lành và cho sẹo xấu. Thời gian chờ đợi rất cần thiết cho da và mạch máu nuôi phát triển.
Còn một cách khác là phẫu thuật một lần lấy trọn bớt đen, lấy da rời ở nơi khác ghép vào nơi mổ.
- Với các bớt đen chiếm một phần hay nửa mặt, việc điều trị phức tạp hơn. Phải dùng vạt da bên cạnh hoặc ở xa chuyển đến, thay thế phần bớt đen được lấy đi. Phải phẫu thuật hiện nhiều lần mới giải quyết được hết bớt đen và tạo lại khuôn mặt bình thường.
Trường hợp cụ thể của con bà, do bớt đen không rộng lắm nên có thể cắt bỏ rồi may lại một lần. Sẽ không bị sẹo nhiều lắm đâu, chỉ là một đường nhỏ như chỉ tay thôi.
(còn tiếp)
LTS: Cuốn 'Những điều cần biết về phẫu thuật thẩm mỹ' của bác sĩ Trần Thiện Tư cung cấp những kiến thức cơ bản về việc làm đẹp bằng phẫu thuật. Sách giới thiệu một số loại phẫu thuật thông dụng, những hiệu quả thu được và nguy hiểm có thể xảy ra khi áp dụng các kỹ thuật đó. Dưới hình thức trả lời câu hỏi, sách cũng đưa ra lời khuyên cho các trường hợp cụ thể, đồng thời giải đáp những băn khoăn của nhiều người xung quanh vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ.
Sách được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2001.